“Ngôi sao phương Nam”: Cặp đôi Lê Phương, Trung Kiên đưa beatbox vào dân ca


(2SaiGon) – Với chủ đề “Khúc dân ca”, tập 7 của chương trình Ngôi sao phương Nam phát sóng vào tối 7/4 trên kênh THVL1 đã mang đến 4 tiết mục dân ca độc đáo, hiện đại và hấp dẫn. Giám khảo Hà Thế Dũng (Hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM), Quỳnh Hoa và Thanh Hằng đã không ngớt lời khen cho 4 đội: Phương Nam, Mộc, Giải Nhiệt và Hai Lúa.

Bảo Lâm: Thi gameshow không phải đi tìm danh hiệu Quán quân

Bảo Thy, Hương Giang, Yến Trang đồng loạt hóa sen với chủ đề World Music

Với slogan là “Mộc mà độc”, đội Mộc (ca sĩ Lê Phương, ca sĩ Trung Kiên, MC Đỗ Phương Thảo, biên đạo Nam Long) đã mang đến tiết mục độc đáo khi kết hợp giữa dân ca và beatbox. Tiết mục mang tên “Dân ca Bắc Bộ”, được biên đạo Nam Long dàn dựng đẹp mắt vừa mang tính dân gian, vừa hiện đại. Tiết mục có nội dung đơn giản, là câu chuyện tình yêu của một chàng trai và một cô gái người Bắc, họ gặp và yêu nhau qua lời ca tiếng trống nhạc từ những buổi hát cùng nhau ở đầu làng. Sau đó, cả hai nên duyên và đứa con gái đầu lòng được cả hai đặt tên là Trống cơm – một loại nhạc cụ độc đáo, chỉ duy nhất có ở Việt Nam.

nspn-2aigon-842017-2

Vào vai chàng trai và cô gái là cặp đôi ca sĩ Lê Phương, Trung Kiên. Cả 2 thể hiện 3 ca khúc dân ca Bắc Bộ là Trống cơm, Bèo dạt mây trôi và Người ở đừng về với hình thức aucostic hiện đại. Đặc biệt, trong bài Trống cơm, cả hai hát trên nền nhạc beatbox với phần hỗ trợ của một beatboxer trên sân khấu. Sau khi tiết mục kết thúc, Trung Kiên đã tự mình beatbox cho bạn gái Lê Phương hát như ước mơ từ bấy lâu của anh. Lê Phương cười thích thú trước màn beatbox không chuyên nghiệp của bạn trai.

nspn-2aigon-842017-7

Lê Phương cho biết, cô là người chính gốc miền Tây, quen phát âm giọng miền Tây nên gặp nhiều khó khăn khi thể hiện những ca khúc dân ca Bắc Bộ. Chính Trung Kiên đã chỉ cho cô những luyến láy đặc trưng của miền Bắc để thể hiện cho đúng chất. Trung Kiên tâm sự không quan trọng Lê Phương hát dân ca miền Bắc hay miền Nam mà quan trọng là thả hồn vào bài hát đến mức khi hát “Người ơi người ở đừng về” là chàng trai trong bài hát không muốn về luôn.

nspn-2aigon-842017-8

Nhận xét về tiết mục, nghệ sĩ Thanh Hằng thích thú: “Tiết mục dễ thương từ ca sĩ, MC và biên đạo. Đặc biệt là đôi uyên ương Lê Phương và Trung Kiên hát rất hay. Lê Phương vốn là diễn viên nên từ ánh mắt, nụ cười đến cái liếc mắt đưa tình rất mộc mạc và dễ thương như chính tên gọi Mộc của đội”. BTV Quỳnh Hoa ngạc nhiên: “Bài hát “Người ở đừng về” lâu nay thường do những ca sĩ có giọng cao chót vót hát, nhưng Lê Phương lại hát bằng giọng trầm, thấp nhưng cực hay. Cách phối bài hát rất trẻ trung”. NSND Hà Thế Dũng khen: “Tác phẩm dung dị, đầy chất dân ca. 2 ca sĩ Lê Phương và Trung Kiên hoàn hảo, chinh phục khán giả. MC Phương Thảo dẫn chuyện đơn giản. Biên đạo sử dụng dàn diễn viên múa nhí đáng yêu và có nhiều khả năng bộc lộ hơn nữa”.

nspn-2aigon-842017-9

Đội Phương Nam (gồm NSƯT Trọng Phúc, ca sĩ Trung Hậu, biên đạo Trung Thảo, MC Tú Trinh và vũ đoàn Rạng Đông) thể hiện tiết mục “Khúc hát trao duyên”,nói về câu chuyện tình yêu dễ thương của cô gái quan họ Bắc Ninh Trung Hậu và chàng trai miền Nam Trọng Phúc. Cả hai gặp gỡ và yêu nhau tại hội Lim bằng những khúc hát trao duyên. Sau thời gian yêu nhau, Trọng Phúc quyết định đưa người yêu về miền Nam để ra mắt bố mẹ. Biết được mẹ của Trọng Phúc thích cải lương nên Trung Hậu đã cố gắng học để gây ấn tượng với bà. Tiết mục kết thúc với khung cảnh rước dâu rộn ràng bằng xe ngựa của Trung Hậu và Trọng Phúc. Trong tiết mục, cả 2 thể hiện 2 ca khúc dân caTơ hồng (sáng tác Nhất Sinh),Thương nhau lý tơ hồng (sáng tác Trương Quang Tuấn) cùng 1 câu vọng cổ trong bài Lý ngựa ô do ca sĩ Trung Hậu thể hiện

nspn-2aigon-842017-3

Tiết mục được dàn dựng sinh động bằng những hình ảnh đặc trưng của quê hương Bắc Ninh như hội Lim, các liền anh liền chị trong trang phục áo tứ thân và nón quai thao mời trà, mời trầu du khách…MC Tú Trinh vào vai một cô gái miền Nam, lần thứ hai đến với hội Lim. Cô hướng dẫn cho người bạn của mình là biên đạo Trung Thảo những nét đẹp văn hóa của lễ hội. Tiết mục nhận được nhiều lời khen của Ban Giám Khảo. Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng khen Trung Hậu hát giọng Bắc chuẩn và cùng với Trọng Phúc tạo thành cặp đào kép ưng ý

nspn-2aigon-842017-4

Đội của ca sĩ Sơn Ca, Bằng Cường, MC Phương Hiếu và biên đạo Lương Hòa lấy tên là Giải nhiệt, quy tụ 4 thành viên với 4 cá tính khác nhau vào chung 1 đội để mỗi thành viên giải bớt tính nóng của mình, bỏ bớt suy nghĩ phiến diện để hòa vào cái chung. Là đội có 2 ca sĩ thế mạnh về nhạc trẻ nên trước chủ đề “Khúc dân ca”, đội Giải Nhiệt rất lo lắng nhưng với quyết tâm của mình, cả đội đã gây ấn tượng với tiết mục “Tiếng hát trên sân hương” đậm chất dân ca xứ Huế. Dù chưa từng hát dân ca nhưng ca sĩ Sơn Ca đã liều mình vào vai cô đào hát ngườiHuế hát Chầu văn trên sông. Bằng Cường vào vai chàng trai miền Nam đến với Huế và phải lòng cô gái xinh đẹp, dịu dàng ấy. Nhưng cuộc tình không được trọn vẹn bởi gia đình cô gái đã nhận sính lễ đính hôn của người khác nên chàng trai đành ôm những kỷ niệm đẹp với Huế và cô gái Huế đến già

nspn-2aigon-842017-1

Phần hát Chầu văn của Sơn Ca khiến nghệ sĩ Thanh Hằng và BTV Quỳnh Hoa bất ngờ vì hát Chầu văn không hề dễ. Nghệ sĩ Thanh Hằng thốt lên: “Tiết mục làm cho khán giả và ban giám khảo nổi gai ốc từng cơn khi nghe MC Phương Hiếu đọc hồi ký dẫn vào câu chuyện, Sơn Ca hát Chầu văn Huế tuyệt vời, biên đạo cũng rất xuất sắc. Ý tưởng tiết mục của các em hay quá và tặng cho đội câu hát “Mãi lưu truyền cho thế hệ mai sau”. Sơn Ca cho biết đã “mất ăn mất ngủ” khi tập hát Chầu văn vì chưa hát bao giờ, lại không ai hướng dẫn nên cô phải tự tập mọi thứ. Là người rất yêu Huế và khi được xem tiết mục của đội Giải nhiệt, NSND Hà Thế Dũng khen Lương Hòa thành công khi duy trì kết cấu múa chặt chẽ, mang lại cảm xúc rất Huế và đặc trưng.

nspn-2aigon-842017-6

Với tên gọi Hai lúa, đội của ca sĩ Dương Hồng Loan, ca sĩ Quang Đại, biên đạo Vĩnh Khương và MC Minh Toàn quyết định thể hiện những khúc dân ca Nam Bộ giản dị, thắm tình quê hương như chính tên gọi của đội mình. MC Minh Toàn đã dẫn vào tiết mục bằng những vấn đề rất thời sự khi ngày nay mọi người sử dụng điện thoại quá nhiều, những lời ru được mở bằng băng đĩa, những bài hát dân ca được thay thế bằng những ca khúc nhạc trẻ hoặc được phối lại tưng bừng… Anh cũng gửi gắm thông điệp đến các bà mẹ trẻ hãy hát ru con bằng giọng hát của mình với những khúc hát dân ca để những đứa trẻ được lớn lên bằng những câu hò điệu lý, đưa con cái mình về với làng quê để biết những hình ảnh thân thuộc quê hương, để khi lớn lên đứa trẻ tự hào nói: “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”

nspn-2aigon-842017-5

Minh Nguyễn

Ảnh: Nhím


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: