Định vị phát triển cho khu trung tâm Sài Gòn


saigon_map_1920

 

Bản đồ Sài Gòn khoảng năm 1920

Tôi vẫn luôn tinh rằng một trong những bản quy hoạch tốt nhất từng được thực hiện trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam là quy hoạch thành phố Sài Gòn được người Pháp thực hiện từ cuối thế kỷ 19 và hoàn thiện vào đầu thế kỷ 20. Dù chỉ được quy hoạch cho một quy mô dân số nhỏ, cỡ 500.000 người, và tới giờ là trung tâm của một đại đô thị 10 triệu người, bản quy hoạch với cấu trúc ô bàn cờ từ đầu thế kỷ trước vẫn cho thấy khả năng chấp nhận sự gia tăng mật độ dân số và các hoạt động kinh tế, tạo ra các địa chỉ thương mại trứ danh như Đồng Khởi hay Lê Lợi, những đại lộ lớn nhưng vẫn thân thiện với con người như Nguyễn Huệ và Lê Duẩn và những khoảng xanh vô giá trong một đô thị mật độ cao như công viên 30/4  và công viên 23/9. Những yếu tố này cho phép tạo ra một sự tập trung cần thiết của các hoạt động kinh tế – xã hội để tạo thành một CBD (Central Business District – Khu trung tâm thương mại) hiện đại xen kẽ bởi những công trình di sản và không gian văn hóa. Cấu trúc đô thị thường không được nhìn nhận đầy đủ về tầm quan trọng của nó đối với phát triển đô thị bởi nó cần một khoảng dài thời gian để kiểm nghiệm khả năng đáp ứng các nhu cầu phát triển. thêm nữa, nhiều trong số các nhu cầu này lại thường không được hiểu thấu đáo bởi các nhà quy hoạch như khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư văn phòng (vốn ngày càng đòi hỏi diện tích sàn lớn hơn), khả năng hỗ trợ các hoạt động bán lẻ hay năng lực điều tiết giao thông. Nhìn vào cấu trúc của cấu trúc nội đô Hà Nội cũ là có thể thấy sự khác biệt. Thủ đô không có những trục đô kết hợp được giữa những điểm đến văn hóa, không gian mở trong khi vẫn cho phép sự hình thành của các công trình thương mại/văn phòng hiện đại. Kết nối Đông Tây giữa trung tâm cũ và các vùng phụ cận bao gồm cả trung tâm mới ở phía Tây Hà Nội cũng như các tuyến giao thông liên vùng (như quốc lộ 1) rất kém khiến khu trung tâm cũ không có được vị trí chiến lược cần thiết. Ngược lại, nhiều tuyến giao thông huyết mạch của Sài Gòn, nhất là Đại lộ Đông – Tây, đi qua cho khu trung tâm và giúp cho khu vực này có khả năng kết nối vùng tốt hơn.

officesdetail_hochiminhcity_1200x657

Giờ đây khi bàn về sự phát triển của khu trung tâm hiện hữu của thành phố Hồ Chí Minh, một yếu tố không thể bỏ qua là vai trò của Thủ Thiêm. Đối diện với trung tâm hiện hữu và ngăn cách bởi dòng sông Sài Gòn, sau nhiều lần thất bại trong kịch sử phát triển đô thị của mình, Thủ Thiêm trở thành ‘của đề giành’ để thành phố Hồ Chí Minh có thể phát triển một trung tâm tài chính – thương mại hiện đại (đọc thêm bài Thủ Thiêm: Nửa thế kỷ long đong quy hoạch của cùng tác giả trên tạp chí Người Đô Thị). Sự khởi động của Thủ Thiêm trong những năm vừa qua đặt ra một loạt câu hỏi về vai trò và mục tiêu phát triển cho khu trung tâm hiện hữu của thành phố:

  • Trung tâm hiện hữu đóng vai trò nào trong bức tranh phát triển chung của khu vực trung tâm thành phố (bao gồm Quận 1 và Thủ Thiêm)?
  • Với vai trò này thì diện tích văn phòng – thương mại nên giữ ở quy mô nào và phát triển như thế nào?

Để trả lời hai câu hỏi trên, cần rất nhiều nghiên cứu ở mức độ vi mô và vĩ mô cũng như tham vấn giới đầu tư bất động sản và giới doanh nghiệp sử dụng diện tích văn phòng. Trong phạm vi bài viết ngắn này, tôi đưa ra một số hướng đi từ kinh nghiệm làm việc quốc tế của mình:

qh-trung-tam-hien-huu-1

Năm phân khu trong trung tâm hiện hữu TP HCM

  1. Với hệ thống hạ tầng hiện đại, không gian xanh rộng lớn và có khoảng đệm là sông Sài Gòn với đô thị cũ, Thủ Thiêm có đủ điều kiện để thu hút các dự án có diện tích sàn lớn, hệ số sử dụng đất cao để tạo ra một địa chỉ cho doanh nghiệp các doanh nghiệp lớn trong thế kỷ 21. Ngược lại, trung tâm hiện hữu nên tập trung vào các dự án có quy mô nhỏ và trung bình để: 1/ giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng cũ; 2/ không phá hủy hoàn toàn cấu trúc ‘mịn’ (fine grain) của đô thị truyền thống; và 3/ tạo ra sự hài hòa giữa các công trình mới và cũ về cả quy mô và tính tương tác với đường phố.
  2. Khu vực giữa đường Hàm Nghi và Đại lộ Đông – Tây, vốn không có nhiều công trình lịch sử, là khu vực khuyến khích tái phát triển nhằm khai thác sự tập trung của các ngân hàng tại khu vực, kết nối tốt với Thủ Thiêm và tầm nhìn ra mặt sông Bến Nghé.
  3. Cho phép (thậm chí khuyến khích) sự tồn tại của các công trình nhà phố nằm trong lõi các ô phố trong CBD. Những công trình nhỏ này là một phần quan trọng của hệ sinh thái thương mại cho khu trung tâm hiện hữu bởi chúng cung cấp diện tích thương mại, văn phòng và khách sạn giá rẻ cho nền kinh tế. Công nghệ mới dựa vào tốc độ kết nối internet cũng như khả năng tính toán của các bộ vi xử lý đả mở ra một nền kinh tế mới trong đó các công ty khởi nghiệp có sức sáng tạo lớn và có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường toàn cầu. Do đó các thành phố lớn trên thế giới đều cố gắng cung cấp chỗ thuê rẻ để giúp các công ty khởi nghiệp phôi thai. Các khu nhà phố còn có thể là cái nôi cho các không gian sáng tạo phi công nghệ như nghệ thuật thị giác, ẩm thực, giáo dục, v.v… những yếu tố là cho một đô thị hấp dẫn hơn để sống và do đó có tính cạnh tranh cao.
  4. Về mặt giao thông, quan sát cho thấy phần lớn các tuyến giao thông trọng yếu nhất kết nối liên vùng đi qua khu trung tâm đều có hướng Đông Bắc – Tây Nam như đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Thị Minh Khai, trong khi đó các tuyến Tây Bắc – Đông Nam như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Pasteur đều có lượng giao thông giảm xuống khi tiến gần tới phía bờ sông. Với việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng qua trung tâm thành phố, chúng ta có một cơ hội tuyệt vời để chuyển đổi những tuyến đường có hướng Tây Bắc – Đông Nam, vốn kết nối thành phố với sông Sài Gòn, thành những con đường thân thiện hơn với người đi bộ hơn như thành phố đã triển khai trên Đại lộ Nguyễn Huệ. Chuyển đổi này sẽ giúp kết nối tốt hơn không chỉ giữa thành phố cũ với các hệ thống tàu điện, với dòng sông mà cả với thành phố mới vốn nằm ở bên kia bờ sông Sài Gòn.

minhhoa1

Minh họa ý tưởng quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM của Nikken Sekkei

Ý tưởng bao trùm những đề xuất sơ bộ ở trên là việc đưa ra một định vị (positioning) phát triển rõ ràng và dựa trên lợi thế cạnh tranh của một khu vực lịch sử, độc đáo về văn hóa nhưng có giới hạn về năng lực hạ tầng. Thay vì cạnh tranh với một đô thị mới có lợi thế hạ tầng như Thủ Thiêm về việc xây dựng những tòa nhà hoành tráng cho các ngân hàng và các tập đoàn khổng lồ, khu trung tâm hiện hữu của thành phố Hồ Chí Minh có thể là điểm đến cho những công ty nhỏ hơn hoặc những doanh nghiệp sáng tạo vốn cần mối liên hệ với không gian văn hóa. Nếu đó là định hướng cho khu trung tâm hiện hữu, bảo tồn di sản và thiết kế đô thị thân thiện với con người có một vai trò quan trọng để tạo ra một đô thị có thương hiệu và có tính cạnh tranh cao.

Tiêu đề bài viết được chỉnh sửa bởi @SaiGon

Theo dothivietnam/Nguyễn Đỗ Dũng Tạp chí Kiến trúc

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: