Căn nhà mà cậu bạn Đức Cường (25 tuổi, Hà Nội) cải tạo khá nhỏ, chỉ có diện tích là 16m² nằm trên phố Bà Triệu. Không gian được Cường cải tạo lại ngay sau khi tốt nghiệp ra trường. “Mới ra trường không có nhiều tiền, không học kiến trúc, mỹ thuật hay thiết kế nội thất, mà lại kỹ tính nên mình đã quyết định tự tay thiết kế và cải tạo lại không gian sống này. Phong cách được mình lựa chọn là tối giản Scandinavian vì diện tích nhà quá nhỏ. Mình cũng chọn gam màu trắng làm chủ đạo để giúp nhà sáng và rộng hơn”, Cường chia sẻ. Căn nhà từ thời Pháp cổ cả trăm năm, thêm 10 năm gia đình cho thuê làm gội đầu bình dân ở thời tiết Hà Nội thì tường đã bị hỏng hết. Thế nên Cường đã lựa chọn bóc ra hết, từ tường, trần, sàn để làm lại. Cậu bạn bắt đầu chống thấm, đập thêm một chút tường khoảng 40cm nữa để có thêm nhiều ánh sáng nhất có thể vào nhà. “Ai sửa nhà rồi thì cũng biết nhà càng nhỏ càng khó sửa, vừa lích kích, lại khó kiếm nhà thầu xây dựng. Cũng may sao bố mình nhờ được một nhà thầu tin tưởng để giao phó“, Cường chia sẻ. Không gian ban đầu của ngôi nhà. Mọi thứ đều rất cũ kỹ, xuống cấp. Vấn đề tiếp theo phát sinh khi nhà thầu xây dựng thì không chuyên thiết kế nội thất, vậy để tiết kiệm nhất có thể thì Cường lại tự lên ý tưởng thiết kế, sau đó trao đổi với nhà thầu để xây được đúng ý. Và với một người không biết thiết kế nhà, lại không có tiền thuê thiết kế thì Cường đã tưởng tượng như thế nào đây? Câu trả lời là sau khi mày mò, Cường nhận thấy có 3 thứ mà bản vẽ 3D giải quyết được đó là màu sắc căn nhà, thiết kế nội thất và mô phỏng ánh sáng. Dưới đây là các thứ mà Đức Cường đã tự mày mò thiết kế và cải tạo cho căn nhà: – Với màu sắc và chất liệu: Cường dùng photoshop để vẽ tường, vẽ trần, vẽ sàn với những màu sắc theo tưởng tượng để có thể giao cho nhà thầu hình dung rõ hơn. Căn nhà sau khi cải tạo. – Thiết kế nội thất: Vẽ tay dựa trên số liệu và tham khảo trên pinterest để lấy cảm hứng. Phần nội thất theo phong cách tối giản, hiện đại. – Mô phỏng ánh sáng: Đây là phần khó nhất vì Cường muốn biết được căn nhà có quá tối không, set up đèn đóm như thế nào cho phù hợp nên bắt buộc phải mô phỏng trước trên bản vẽ 3D. Ảnh sáng trong nhà cũng phải thiết kế lại sao cho hài hòa và hợp lý. – Nội thất: Để tiết kiệm tối đa thì đồ đạc Cường tự thân nhặt nhạnh ở nhiều chỗ khác nhau cộng với tự làm. “Những món đồ nội thất to như kệ tivi, tủ, bàn bếp, tủ bếp là mình nhờ đóng. Tranh ảnh trong nhà thì tự làm và tự đi in canvas. Đồ nội thất cơ bản mình cứ order trên mạng, toàn đồ bình dân mà hợp trend. Chiếc bàn cafe thì mua của JYSK đang giảm giá. Riêng thời gian nhặt nhạnh nội thất hoàn thiện căn nhà của mình mất hơn 1 tháng“, Cường chia sẻ. Những món đồ nội thất và decor trong nhà chủ yếu được Cường đặt qua mạng với giá rẻ. “Khoản nội thất cũng là 1 điều khiến mình cực kì đau đầu khi eo hẹp về kinh tế. Câu hỏi là làm sao để đồ nội thất vừa đáp ứng đủ công năng, lại vừa phải hài hòa màu sắc, phong cách, mà quan trọng nhất là phải tính toán từng cm một để nhét sao cho vừa diện tích chỉ 16m²“. Cường cho biết, quá trình cải tạo và mua sắm đồ đạc tới khi hoàn thành mất chi phí khoảng 200 triệu. Mời bạn chiêm ngưỡng thêm những hình ảnh khác trong ngôi nhà của Đức Cường sau cải tạo nhé: Phòng khách Cường decor thêm các bức tranh ảnh đen trắng vừa tạo điểm nhấn lại mang tính nghệ thuật, thu hút cho không gian. Sử dụng gam màu trắng giúp không gian không bị tối, chật hẹp dù diện tích nhỏ. Đây cũng là ý đồ thiết kế của anh chàng. Gác xép được cải tạo thành công với không gian ngủ và làm việc. Phần lan can cũng được sơn màu trắng cho cùng tone màu với cả ngôi nhà. Bếp vừa đủ được Cường thiết kế chạy dọc theo ngôi nhà để tiết kiệm diện tích. Các món đồ bếp về cơ bản chỉ vừa đủ với nhu cầu sử dụng của người độc thân để tránh quá nhiều gây bừa bộn. Phòng tắm nhỏ nhưng nhờ biết cách thiết kế hợp lý nên trông tổng thể vẫn rất đáng khen. Ảnh và video: NVCC Theo: aFamily