Với mô hình xóm chài, Trang cùng người dân địa phương nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng từ thiên nhiên và văn hóa sẵn có thay vì bê tông hóa quá nhiều. Ở tuổi 23, khi chỉ còn cách hành trình học thạc sĩ tại Mỹ một cuộc phỏng vấn, Phí Minh Trang (hiện 26 tuổi) quyết định từ bỏ. Cô một mình từ Hà Nội vào Phú Quốc theo đuổi ước mơ mở cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Khởi nghiệp với kinh nghiệm bằng 0 và số vốn vay mượn, Trang coi đó vừa là sự liều lĩnh, vừa là dám đánh đổi. “Liều lĩnh ở đây là mình chấp nhận khởi đầu từ cái nhỏ, một vùng đất mới chưa quen thuộc với du khách. Dám đánh đổi là mình chỉ có thể chọn một hướng đi chứ không ôm được cả hai. Khi đã quyết định, lúc gặp khó khăn, mình không tiếc nuối mà chỉ tập trung đi tiếp và làm tốt điều đã chọn”, cô nói với Zing. Sau 3 năm, từ căn homestay nhỏ lẻ, Trang phát triển du lịch cộng đồng cho cả khu dân cư, đặt tên là xóm chài Trần Phú. Phí Minh Trang (thứ hai từ trái qua) khiến nhiều người ngờ vực khi từ bỏ du học thạc sĩ để theo đuổi ước mơ kinh doanh. Trái tim mách bảo Trang tốt nghiệp cử nhân tại Vương quốc Anh và về nước cuối năm 2017. Cô hoàn thành hồ sơ học thạc sĩ ở Mỹ, chỉ còn đợi phỏng vấn. Trong thời gian này, gia đình Trang xây căn nhà nghỉ dưỡng gần biển trong khu dân cư ở Phú Quốc. Thấy tiềm năng phát triển, cô xin bố mẹ thuê lại nơi này để tự kinh doanh. Khi biết Trang bỏ visa Mỹ, ở lại Việt Nam mở homestay theo “trái tim mách bảo”, nhiều người thắc mắc “Sao đi du học về mà làm những việc nhỏ nhặt thế này?” hay “Gia đình có điều kiện mà không xây cho khách sạn nhiều phòng để quản lý cho bớt cực?”. Trang một mình ra Phú Quốc sinh sống và kinh doanh hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, cô vẫn kiên định với điều không ai dám làm ở thời điểm đó vì rủi ro cao: thuê đất khai thác ở khu xóm chài. Tháng 11/2019, sau nửa năm chuẩn bị, Chill House của Trang ra đời với 4 phòng nhìn ra ghe tàu cá, cách biển chỉ vài bước chân, trước cửa là chợ dân sinh bán hải sản tươi sống. Cô cũng có chút lo lắng khi homestay nằm trong hẻm, đường đất, xung quanh chưa được đầu tư dịch vụ cho khách du lịch. Cô gái 26 tuổi tuyển nhân viên đều là người dân địa phương và trực tiếp đào tạo nghiệp vụ cho họ. Từ homestay nhỏ, đến nay, Trang có 4 khu với 18 phòng sát biển. Cô còn phát triển du lịch cộng đồng cho cả khu dân cư. Theo Trang, người dân xóm chài hoàn toàn có thể tận dụng tài sản sẵn có để phát triển dịch vụ ăn uống, tạp hóa… nhằm biến nơi này thành điểm du lịch mộc mạc giữa lòng Phú Quốc. Đây vừa là cách tạo thu nhập, giúp cộng đồng văn minh hơn, vừa tạo nét đặc sắc cho du lịch địa phương và ngăn xóm chài trở thành dự án resort trong tương lai. “Cho dù khó thực hiện vì cần thay đổi tư duy của cả một cộng đồng, mình nghĩ mô hình này nếu được phát triển tốt sẽ tạo ra nhiều giá trị, trở thành mảnh ghép mang đến nét đặc sắc, đa dạng cho du lịch biển đảo”, Trang nói. Trưởng thành hơn Sau hơn 2 năm kinh doanh xa nhà, Trang nhận thấy bản thân thay đổi nhiều. Cô trưởng thành, biết thấu hiểu, khéo léo hơn đồng thời bình tĩnh khi tìm cách giải quyết cho mọi vấn đề. Nhớ lại những ngày đầu mở homestay, Trang muốn tiết kiệm chi phí đồng thời tự tay làm mọi việc để học hỏi nên chỉ được ngủ 4 tiếng/ngày, trực hotline 24/7 và mất ăn mất ngủ mỗi mùa mưa bão. Tiếp đó, Covid-19 ập tới khiến nhiều dự định của Trang không theo kế hoạch. Áp lực lớn nhất với cô là đảm bảo tài chính để vận hành và duy trì homestay. Tuy nhiên xét về khía cạnh tích cực, Trang thấy mình may mắn hơn so với mặt bằng chung. “Phú Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu khi hết giãn cách xã hội nên đón được số lượng du khách nhất định. Hơn nữa, homestay có quy mô nhỏ nên việc lấp phòng không quá khó khăn. Ngoài ra, homestay được xây dựng theo hướng căn hộ biển nên trong dịch, mình đưa ra phương án phù hợp như cho khách thuê phòng dài hạn hoặc tìm không gian làm việc mới, cho thuê phòng lúc hoàng hôn để chụp hình check-in… song song với thực hiện các bước phòng dịch”, cô kể. Trang hy vọng cùng người dân giữ gìn sự yên bình của xóm chài, tránh cảnh nơi đây bị thương mại hóa. Trang cũng được chủ đất và chủ nhà hỗ trợ giảm chi phí thuê, nhân viên chủ động xin giảm lương hoặc tạm nghỉ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhờ giãn cách xã hội, cô cũng có thời gian để nghỉ ngơi, trang trí lại phòng và tập trung quảng bá xóm chài nhiều hơn. Trong 3 tháng gần nhất, công suất homestay của Trang trên 92%. Cô giới thiệu khách tới nơi lưu trú khác trong xóm khi kín phòng. Nhờ đó, không khí xóm chài luôn nhộn nhịp, tấp nập. Khi sắp xếp để có thể quản lý công việc online, Trang có nhiều thời gian hơn đi du lịch, kết nối với bạn bè và tìm kiếm cơ hội mới. Nếu chọn đi Mỹ, Trang hình dung mình đang miệt mài học tập và làm blog để chia sẻ cuộc sống ở trời Tây. Với thành quả hiện tại, cô không hối hận với quyết định ngày trước. “Mình hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tự tin bắt đầu theo đuổi điều họ đam mê. Hãy nhớ rằng bất cứ công việc gì để đạt được thành công cũng đều phải trải qua nhiều thử thách. Bởi vậy, để kiểm chứng mình thực sự yêu thích điều gì đó hay có làm được không thì đừng ngại dấn thân”, cô nhắn nhủ. Theo: Zing news