Nhiều người mua đồ thanh lý, về sống với cha mẹ khi giá cả tăng


Đối với Huyền Chi, những món đồ secondhand giúp cô tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Nếu khéo lựa chọn, cô kiếm được những sản phẩm độc đáo với giá hời.

mua do thanh ly vi bao gia anh 1

Hai tháng qua, Huyền Chi (22 tuổi, Hà Nội) mua đến 11 món quần áo, phụ kiện là hàng cũ hoặc thanh lý. Trào lưu dùng đồ si, hàng thùng vốn “hot” từ lâu, nhưng cô chưa từng ngó qua những sản phẩm này.

Thói quen mua sắm chỉ thay đổi khi nữ nhân viên văn phòng nhận thấy mình đang chi tiêu nhiều hơn đáng kể cho khoản xăng xe, ăn uống, trong khi mức lương vẫn “dậm chân tại chỗ”.

“Ngày trước, mỗi lần nhận lương, tôi thường tự thưởng cho mình chiếc áo sơ mi khoảng 300.000-400.000 đồng, nhiều khi là chiếc váy đắt gấp đôi. Giờ đây, tôi cảm thấy tội lỗi nếu chi cả một tháng tiền xăng cho 1-2 chiếc quần áo như vậy”, cô chia sẻ với Zing.

Mua đồ cũ

Theo khảo sát từ Carousell Recommerce Index vào năm 2021, 83% người Việt Nam mua đồ đã qua sử dụng và sẽ tiếp tục mua sắm loại sản phẩm này trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, con số này có xu hướng gia tăng, được chứng kiến rõ rệt nhất ở nhóm khách hàng Gen Z.

mua do thanh ly vi bao gia anh 2
Trong 2 tháng, Huyền Chi mua sắm 11 món quần áo, phụ kiện là đồ si, hàng thùng.

Trong khi đó, số liệu từ nền tảng mua bán đồ đã qua sử dụng Chợ Tốt cho thấy sản phẩm điện tử, đồ gia dụng và thời trang là những nhóm hàng cũ được người trẻ Việt Nam quan tâm nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, giám đốc Tăng trưởng và Chiến lược Chợ Tốt, cho rằng xu hướng mua sắm đồ cũ của người trẻ hiện nay không chỉ hướng tới tiêu dùng bền vững, hạn chế xả thải CO2 ra môi trường mà còn vì còn vì bão giá.

Giá cả leo thang, sử dụng sản phẩm cũ được cho là cách người trẻ tiết kiệm nhằm đảm bảo những hạng mục sinh hoạt khác như thực phẩm, nhiên liệu hoặc y tế.

“Mua đồ thanh lý giúp người trẻ tuổi giảm áp lực chi phí. Trong tháng 6 vừa qua, số lượng người dùng trẻ dưới 24 tuổi tại nền tảng của chúng tôi tăng 10% với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm họ tìm mua nhiều nhất là điện thoại, máy tính xách tay cũ. Sau đó, những món đồ gia dụng như tủ lạnh, máy lạnh hoặc máy giặt cũ cũng được lựa chọn”, bà Ngọc nói với Zing.

Huyền Chi tâm sự việc mua sắm quần áo secondhand ban đầu không mấy thuận lợi. Chưa có kinh nghiệm, cô không biết cách lựa chọn sản phẩm tốt với giá hời. Trên thực tế, 2 chiếc áo thun đầu tiên cô mua với giá 60.000 đồng/chiếc nhanh chóng trở thành khăn lau vì chất lượng kém, vải chảy dão, tuột chỉ.

“Lần đầu đến khu chợ đồ si, tôi như lạc vào mê cung vì hàng chục gian hàng đều ngồn ngộn quần áo. Tôi luống cuống bới đồ, ngại ngùng mặc cả nên mua phải sản phẩm quá cũ. Về nhà, nhìn 2 chiếc áo không thể mặc được, tôi tiếc nuối vì ‘đi tong’ 4 lít xăng”, cô kể.

Những lần sau, Huyền Chi rút kinh nghiệm khi kiên trì chọn lựa hơn. Ngoài ra, cô cũng tìm đến những cửa hàng đồ si tuyển chọn để kiếm được sản phẩm chất lượng và độc đáo, dù giá thành cao hơn tương đối.

“Hàng secondhand trong shop đắt hơn ở chợ, nhưng chắc chắn vẫn rẻ hơn nhiều so với hàng mới. Khéo lựa chọn, tôi còn tìm được nhiều đồ còn nguyên tem, mác”, cô cho hay.

Cô còn cho có biết dự định mang quần áo cũ của mình đi thanh lý với tiêu chí “cũ người, mới ta”, đồng thời kiếm thêm thu nhập.

mua do thanh ly vi bao gia anh 3
Vũ Thái tiết kiệm chi tiêu bằng việc mua điện thoại cũ tại cửa hàng uy tín.

Tương tự Huyền Chi, Vũ Thái (20 tuổi, quận 8, TPHCM) cũng hình thành thói quen mua đồ cũ, đồ thanh lý trong thời bão giá. Tuy sinh sống cùng gia đình, nam sinh này vẫn cố gắng tự trang trải việc chi tiêu cá nhân bằng công việc barista tại một quán cà phê.

Gần đây, anh sử dụng số tiền dành dụm trong 2 tháng để mua một chiếc điện thoại được thanh lý trên nền tảng điện máy.

Theo anh, sản phẩm này không mới 100% nhưng được bảo hành uy tín. Với mức tiền mình chi trả, anh hài lòng với món đồ.

“Mua điện thoại cũ giúp tôi tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể khi vật giá leo thang như hiện nay, trong khi chất lượng máy lại khá ổn. Với số tiền đó, nếu tìm kiếm máy mới, tôi chỉ mua được sản phẩm tầm trung”, anh nói.

Ngoài ra, để đảm bảo phí sinh hoạt hàng tháng chỉ dao động trong khoảng 2-3 triệu đồng, Thái cho biết mình phải cắt giảm nhiều khoản chi như tụ tập bạn bè, mua sắm quần áo và các vật dụng không thiết yếu.

Trở về sống cùng cha mẹ

Trong khi nhiều người tiết kiệm bằng việc mua sắm hàng cũ, hàng thùng, một số bạn trẻ khác lại chọn cách tạm về quê để tránh giai đoạn giá cả leo thang chóng mặt.

Việc làm chưa ổn định, cộng với chi phí sinh hoạt ở thành phố ngày một đội lên, Tuấn Anh (22 tuổi, TPHCM) quyết định trở về quê nhà ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Sau kỳ thực tập cuối tháng 6, anh phải rời ký túc xá nhà trường. Chi phí hạn chế, nam sinh cùng bạn chọn thuê căn phòng trọ chỉ 10m2, sau đó tận dụng mọi đồ đạc do gia đình gửi lên.

mua do thanh ly vi bao gia anh 4
Tuấn Anh chọn trở về quê vì áp lực chi phí sinh hoạt ở đô thị.

Ở trọ, đồng nghĩa với việc Tuấn Anh tốn kém nhiều hơn so với việc được nhà trường hỗ trợ. Trong bối cảnh vật giá leo thang, anh cho biết phải “thắt lưng buộc bụng” để có tiền cho việc ăn uống và đi lại.

“Chi phí ăn uống mỗi tháng của tôi đã dao động ở mức 2 triệu đồng. Tôi thường bỏ bữa sáng, đến trưa mới ăn, tiết kiệm chừng nào hay chừng ấy. Còn tiền xăng xe, vì tính chất công việc, mỗi ngày ra đường tôi luôn phải đổ 50.000 đồng. Quả thật rất áp lực”, Tuấn Anh chia sẻ.

Đối mặt với nỗi lo tài chính, đầu tháng 7, Tuấn Anh quyết định trở về quê một thời gian để cùng bàn bạc với gia đình về định hướng tương lai sắp tới.

“Cha mẹ tôi nhiều lần gọi lên hỏi thăm, gợi ý tôi trở về quê làm nghề theo gia đình. Tôi không quá hào hứng, nhưng thú thực lo sợ rằng mình không thể trụ lại TP.HCM nên tạm về nhà một thời gian”, anh cho biết.

Khảo sát từ ngân hàng Dave trên 1.083 người 18-40 tuổi cho thấy 67% lo lắng về mức giá tăng vọt của chi phí nhiên liệu; 52% cho rằng lạm phát còn đáng lo hơn cả Covid-19 (24%).

Ngoài ra, 75% người trả lời thuộc Gen Z và Millennials bày tỏ sự lo ngại không đủ tiền để tiếp tục thuê nhà ở đô thị và chi trả các nhu cầu cần thiết khác. Đó là lý do khiến không ít người trẻ quyết định tạm thời trở về quê để né tránh khủng hoảng.

mua do thanh ly vi bao gia anh 5
Bão giá khiến nhiều người trẻ khó sống độc lập ở đô thị. Ảnh: Phương Lâm.

Hải Vân (22 tuổi), hiện làm việc văn phòng tại Hà Nội, cũng không phải ngoại lệ.

“Ai đi làm cũng bị ảnh hưởng bởi bão giá thôi. Lương chưa thấy tăng nhưng tất cả mọi thứ đều tăng rồi”, cô tâm sự.

Cô chia sẻ ngày trước khi còn là sinh viên, chiếc bánh bao chỉ 7.000-10.000 đồng/chiếc. Giờ đây, giá bánh tăng lên 15.000 đồng.

Tháng 6 vừa qua, muốn thay đổi nơi trọ, Vân tìm kiếm nhiều căn xung quanh khu vực quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, giá phòng cao ở mức cao, dao động 3-4 triệu đồng/phòng nhỏ, thiếu tiện nghi khiến cô đành chọn về quê ở ngoại thành sinh sống một thời gian cùng cha mẹ để cắt giảm chi tiêu.

“Tuy vậy, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Tôi vẫn làm việc ở nội thành, không thể mỗi ngày đều di chuyển 40 km để đi làm bởi giá xăng quá cao trong khi phương tiện công cộng lại không thuận tiện. Giai đoạn này, muốn tiết kiệm cũng khó”, cô thở dài.

Hạn chế tụ tập, vui chơi

Nhằm đối mặt với tình hình bão giá, người trẻ có nhiều giải pháp khác nhau để “bảo vệ” túi tiền của mình. Thu nhập chưa cao, trong khi lương, thưởng không tăng, họ tìm cách cắt giảm từ những nhu cầu chi tiêu nhỏ nhất như ăn uống, đi lại và giải trí.

Sinh sống cùng gia đình, Thủy Tiên (23 tuổi, TP.HCM) quyết định tiết kiệm bằng cách cân nhắc lại kế hoạch vui chơi của mình.

Theo đó, giai đoạn trước đây, cứ 2-3 ngày cô lại có một buổi tụ họp ăn uống cùng bạn bè, đồng nghiệp. Mỗi lần như vậy, cô chi trả trung bình 300.000-400.000 đồng.

Còn hiện tại, cô bắt đầu tiết chế thói quen chi tiêu này. Thay vì lựa chọn ăn ở nhà hàng như trước, cô ưu tiên những quán ăn bình dân nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, cô cũng cân nhắc trước khi nhận lời mời vui chơi, tụ họp.

“Gần đây, chúng tôi thường chọn những quán có phục vụ cả đồ ăn và nước uống đa dạng thay vì đi ‘tăng 2, tăng 3′”, Tiên chia sẻ, cho biết thêm nhờ cách này mà chi phí cho mỗi lần vui chơi giảm được gần một nửa so với trước đây.

mua do thanh ly vi bao gia anh 6
Nắng nóng, bão giá khiến Đạt hạn chế ăn uống bên ngoài, nhờ đó tiết kiệm hơn.

Tương tự, Tiến Đạt (23 tuổi, Hà Nội) cũng tìm cách cắt giảm nhiều khoản chi tiêu cho cà phê, ăn uống bên ngoài.

Anh hiện làm nhiếp ảnh gia, thường xuyên hẹn gặp khách hàng, đối tác tại quán xá. Khi bão giá ảnh hưởng đến thu nhập, anh sắp xếp để hẹn các đối tác cùng địa điểm. Điều này giúp anh vừa tiết kiệm tiền cà phê, vừa hạn chế tiền xăng.

“Bão giá và nắng nóng xảy ra cùng thời điểm, tôi ở nhà nhiều vừa đỡ mệt lại còn đỡ tốn kém. Nhờ ít đi ăn uống, hẹn hò ngoài tiệm, tháng vừa qua tôi nhận thấy mình dành ra được gần 2 triệu đồng”, Đạt tâm sự.

Tuy nhiên, anh cho biết số tiền nhỏ tiết kiệm được từ việc cà phê, ăn uống không thể giúp mình giàu lên. Đây chỉ là giải pháp tạm thời, sẽ không thể đối phó được nếu lạm phát, giá cả tiếp tục tăng.

“Theo tôi, tiết kiệm chỉ làm giảm một chút lo lắng ban đầu. Còn về lâu dài, để người trẻ như tôi thoát khỏi lo toan, tốc độ kiếm tiền phải nhanh hơn cả lạm phát. Điều này vốn không dễ dàng”, anh bày tỏ.

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: