Cần khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản


Trước khó khăn của bất động sản hiện nay, các kiến nghị đưa ra cần khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh dòng vốn tín dụng để san sẻ khó khăn với ngân hàng, nhất là khi phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Phát biểu tại Tọa đàm chủ đề “Nghị quyết 01- đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do Báo Người lao động tổ chức chiều ngày 6/2/2023, TS Vũ Tiến Lộc – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đưa ra nhận định, thị trường bất động sản không phải là tội đồ, do đó làm thế nào để có niềm tin cho thị trường này thì trước hết phải xem xét các vướng mắc trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính.

“Đây cũng là một điều quan trọng mà chúng ta cũng cần phải xem xét kỹ để tháo gỡ khó khăn bên cạnh những khó khăn về tín dụng cho thị trường và cả doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, đối với thị trường bất động sản chủ yếu là tín dụng trung, dài hạn, nhưng với việc doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc vào tín dụng trung, dài hạn của ngân hàng cũng là một bất cập và rủi ro mà chúng ta cần phải xem xét, kiểm soát. Điều này cũng đã được NHNN đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Do đó, theo ông Lộc, để khơi thông, hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp bất động sản bên cạnh thị trường tiền tệ cần phải khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn bên cạnh tín dụng ngân hàng.

“Cũng phải thừa nhận rằng, qua cuộc thanh lọc này các doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu lại năng lực, hoạt động của mình. Trong cuộc sàng lọc này chắc chắn sẽ khó tránh được “sự đau thương” khi có những doanh nghiệp không đủ năng lực phải rời cuộc chơi và một số dự án cũng sẽ khó khăn. Vì thế, việc minh bạch đối với thị trường bất động sản là rất quan trọng để thu hút được dòng vốn, cả với vốn dòng vốn ngoại”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh khó hiện nay, một điều rất then chốt là việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cũng chậm.

Theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính – ngân hàng, giải pháp được đưa ra là doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn, hoãn nợ.

Ước tính, trong năm 2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là hơn 250.000 tỷ đồng. Riêng với doanh nghiệp bất động sản, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 – 2024 là hơn 230.860 tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường.

Việc sửa đổi Nghị định 156 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là bước quan trọng khi cho phép giãn hoãn nợ với trái chủ.

Dù nguồn vốn tín dụng năm 2022 vẫn tăng 15% đổ vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, vốn trong quý 1 và quý 2 của năm 2022 tăng quá nhanh, dẫn đến việc quý 3 phải “phanh gấp”. Mặt khác, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong năm lớn, trong khi kênh trái phiếu doanh nghiệp không phát triển, phát hành giảm đã dồn áp lực vốn cho hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, hàng năm, khoảng 700.000 – 800.000 tỷ đồng sẽ đổ vào thị trường bất động sản, thông thường vốn ngân hàng chiếm 50%. Tuy nhiên, năm 2022, cấu trúc vốn cho thị trường bất động sản có điểm khác, các kênh vốn khác không phát triển nên vốn ngân hàng chiếm đến 70%, 30% là vốn từ các kênh còn lại. Chính vì vậy, cần có giải pháp để cấu trúc vốn cần trở về trạng thái cân bằng hơn trong thời gian tới.

Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi dự kiến trình Chính phủ tuần này sẽ là tin vui cho thị trường trái phiếu, giúp gỡ nghẽn thanh khoản, cho doanh nghiệp phát hành có thêm thời gian cơ cấu nợ.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tuần qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 65, dự kiến trình Chính phủ tuần này.

Bộ Tài chính kỳ vọng các quy định sẽ thích ứng với tình hình thực tế, từ đó củng cố niềm tin của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành, đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Dự thảo công bố trước đó, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP có 3 điểm sửa đổi đáng chú ý: hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp 1 năm; giãn yêu cầu xếp hạng tín nhiệm thêm 1 năm và cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm. Các quy định này được kỳ vọng sẽ không bóp nghẹt sức cầu, cho doanh nghiệp thêm thời gian giãn nợ thay vì phải ồ ạt trả nợ trái phiếu đáo hạn 2 năm tới.

Với việc nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 65 các cơ quan quản lý đã thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho thị trường, giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời, việc sửa đổi của Nghị định số 65 sẽ giúp nhiều doanh nghiệp thoát khỏi cảnh vỡ nợ trái phiếu năm nay.

Theo Tin Nhanh Chứng Khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: