Có dễ vay vốn trả nợ cũ ở ngân hàng khác?


Thực hiện theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/9, ngân hàng được cho cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay hấp dẫn. Đây cũng là thông tin nhiều khách hàng vì có cơ hội “đảo” nợ, song cần lưu ý về phí phạt.

Có dễ vay vốn trả nợ cũ ở ngân hàng khác?

Rộng cửa

Theo thông Thông tư 06 của NHNN, người dân, doanh nghiệp có thể vay ngân hàng này để trả khoản vay trước đó tại một ngân hàng khác bắt đầu từ ngày 1/9. Nắm bắt cơ hội này, nhiều ngân hàng đã triển khai chương trình cho vay đảo nợ ngân hàng khác để thu hút khách hàng mới.

Chẳng hạn, Vietcombank công bố triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm. Chính sách này chính thức bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.

Theo đó, khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.

Hiện Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng. Tương tự, BIDV cũng triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn tại ngân hàng này để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất chỉ từ 6%/năm.

Cụ thể, đối với khoản vay ngắn hạn lãi suất vay chỉ từ 6%/năm; đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo phương án vay tại ngân hàng khác.

Thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay. Ngoài ra, thời hạn cho vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại tổ chức tín dụng khác, giúp khách hàng an tâm với kế hoạch tài chính dài hạn của cá nhân và gia đình.

Hay Techcombank cũng triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác. Mức lãi suất ưu đãi năm đầu tiên của Techcombank hiện là 7,9%/năm.

Ngoài mức lãi suất ưu đãi, Techcombank cho biết, sẽ tiếp tục giảm thêm 0,3% đến 1,2% lãi suất các kỳ tiếp theo đối với hội viên Techcombank Private và Techcombank Priority. Thời gian ân hạn gốc lên tới 24 tháng.

Techcombank cho biết, sẽ phê duyệt trước hạn mức tín dụng giúp khách hàng chủ động tài chính và số tiền cho vay, thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ.

ACB cũng áp dụng chính sách cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay mua bất động sản tại ngân hàng khác từ ngày 1/9. Mức lãi suất ưu đãi mà Ngân hàng công bố hiện dành cho khách hàng vay mua bất động sản năm đầu tiên là 8%/năm.

Tương tự, MB cho biết, đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.

Theo đó, MB cho phép khách hàng không phải trả nợ gốc trong vòng 12 tháng, thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy. Ngoài ra, đối với khách hàng ưu tiên, MB còn có thể điều chỉnh lãi suất xuống còn 7,5%/năm cố định trong vòng 12 tháng.

Đồng thời, phía MB cho biết, khách hàng có thể sử dụng chính tài sản thế chấp tại ngân hàng cũ để đảm bảo cho khoản vay mới.

Được biết, nếu khách hàng vay mua bất động sản từ thời điểm 6/2022 đến 3/2023, mức lãi suất cho vay trung bình 11%/năm. Lãi suất thả nổi lên tới 14-15%/năm. Do đó, nếu chuyển sang các ngân hàng có mức lãi suất cho vay ưu đãi, khách hàng sẽ giảm được áp lực nợ vay đáng kể do mức lãi suất ưu đãi năm đầu chỉ 7-8%/năm.

Không dễ

Lãnh đạo một nhà băng cho hay, từ 20 năm trước, các ngân hàng thương mại đã làm sản phẩm Tái tài trợ, nhưng rồi bị quy chụp cho vay đảo nợ. NHNN ra văn bản cấm, chỉ cho tái tài trợ sản xuất, kinh doanh. Sau đó, các ngân hàng lách qua các tên khác: cho vay hoàn vốn, cho vay bù đắp… mục đích tái tài trợ các nhu cầu vay trung dài hạn.

Tuy nhiên, tại Thông tư 06, NHNN bỏ câu “mục đích sản xuất – kinh doanh”, tức các khách hàng là cá nhân cũng được tham gia vay vốn với mục đích vay để trả nợ khoản vay cũ cho mục đích tiêu dùng thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Do đó, ngay khi Thông tư có hiệu lực từ 1/9/2023, nhiều ngân hàng nắm bắt cơ hội quảng cáo cho vay trả nợ ngân hàng khác hay “mua nợ ngân hàng khác” để hút thêm khách hàng mới.

Với thông tin này, nhiều người dân, doanh nghiệp rất vui mừng bởi năm ngoái đã vay những gói với lãi suất tới 14-15%/năm mà nay có thể vay lãi suất thấp để đảo nợ, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo, việc tham gia khoản vay mới để trả nợ không hề dễ dàng và sẽ có thêm nhiều chi phí đi kèm.

MB cho biết, khách hàng muốn rút khoản nợ từ ngân hàng khác sẽ phải chịu một khoản phí phạt trả nợ trước hạn, thông thường từ 0,5 – 2% hoặc có thể cao hơn tùy thuộc vào từng ngân hàng cho vay và được quy định trong hợp đồng vay vốn ban đầu.

Ngoài ra, khách hàng cần chuẩn bị những chi phí như phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, phí bảo hiểm cho khoản vay mới,… cũng như nhiều khoản phí liên quan.

Tương tự, tại một số ngân hàng, mức phí phạt trả nợ trước hạn là khá cao, đến 3% khiến cho việc chuyển sang vay ngân hàng khác lại cũng không mang nhiều khác biệt lớn về chi phí trong khi phải thực hiện thủ tục tương đối mất thời gian.

Do đó, các ngân hàng cũng ưu tiên việc khách hàng tự vay ngoài để tất toán khoản vay ở ngân hàng cũ sau đó cho vay mới (có tài sản đảm bảo), với lãi suất thấp hơn 2-2,5%/năm.

Thế nhưng, theo một chuyên gia lĩnh vực tài chính – ngân hàng, với những khách hàng đã phải chịu áp lực lãi vay cao trong thời gian qua, nếu có khả năng vay ngoài để tất toán khoản nợ cũ thì họ đã thực hiện sớm không đợi đến khi ngân hàng mới cho vay.

Ngoài các khoản phí, thì vấn đề quan trọng khác hàng cần lưu ý khi có ý định vay đảo nợ, đó là tài sản đảm bảo.

Với trường hợp có tài sản đảm bảo thì khoản vay này không khác gì các khoản vay mới, chỉ có trường hợp khách hàng không có tài sản khác mà để dùng chính tài sản đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng khác để vay khoản mới thì mới mang tính chất “đảo nợ”.

Sacombank lưu ý khách hàng, việc chuyển dư nợ vay sang tổ chức tín dụng khác không đồng nghĩa với việc kéo dài thời hạn cho vay so với hợp đồng vay ban đầu và đó phải là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Đồng thời, mức phí phạt trả nợ trước hạn là khá cao khiến cho việc chuyển sang vay ngân hàng khác lại cũng không mang nhiều khác biệt lớn về chi phí trong khi phải thực hiện thủ tục tương đối mất thời gian.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, quy định cho khách hàng vay để trả nợ cho ngân hàng khác là chính sách rất kịp thời, kịp lúc của các ngân hàng thương mại dưới sự chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, người vay cần đọc kỹ hợp đồng và thỏa thuận cụ thể với ngân hàng khi vay ngân hàng khác để trả nợ trước hạn để tránh thiệt thòi.

Theo Tin nhanh chứng khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: