Để tránh bị “ép” mua bảo hiểm


Lần đầu tiên trên thị trường bảo hiểm, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chuyển đơn tố cáo của công dân sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 – Bộ Công an) về việc gửi tiền tại một ngân hàng có dấu hiệu bị lừa đảo mua bảo hiểm.

Theo đơn thư mà Bộ Tài chính nhận được, các công dân này đã tố giác đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc ngân hàng lẫn doanh nghiệp bảo hiểm trả lại tiền cho người mua bảo hiểm.

Thời gian qua, Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh nhiều vụ việc khách hàng đi gửi tiết kiệm bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm và nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả. Báo Đầu tư Chứng khoán xin trích dẫn ý kiến của một số chuyên gia xunh quanh vấn đề này.

Nhà bảo hiểm nên hủy hợp đồng với ngân hàng sai phạm

Để tránh bị "ép" mua bảo hiểm ảnh 1
Bác sỹ Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Chuyên gia thẩm định bảo hiểm nhân thọ

Bảo hiểm khoản vay là điều mà người đi vay vốn tại ngân hàng cần thiết phải mua. Thực tế, thời gian qua, ngoài những khách hàng tự nguyện mua bảo hiểm, có không ít ngân hàng đã “ép” khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm như là điều kiện để giải ngân khoản vay.

Ngân hàng cố gắng đạt chỉ tiêu doanh thu đã ký kết với công ty bảo hiểm để nhận hoa hồng, thưởng tăng trưởng trả trước có thể lên tới hàng chục, hàng trăm triệu USD tùy ngân hàng. Còn các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng có chỉ tiêu doanh số nhờ các kênh phân phối sản phẩm khác nhau. Các doanh nghiệp này phần lớn là thành viên của các tập đoàn tài chính tầm cỡ thế giới, mọi hoạt động đều do tập đoàn mẹ quyết định nên các tổng giám đốc điều hành khó có thể làm sai, bởi sai là bị mất việc ngay.

Bán chéo (Cross Selling) hay bán thêm (Up – Selling) là chiến thuật bán hàng của công ty bảo hiểm nhân thọ. Bán bảo hiểm cho người vay vốn của ngân hàng sẽ giúp bảo vệ tiền gửi. Bán thêm là bán cho khách hàng hiện hữu của ngân hàng, hoặc khách hàng có hợp đồng đáo hạn của công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, dù bán theo hình thức nào, hành vi “ép” mua bảo hiểm là vi phạm pháp luật.

Qua vụ việc trên, các công ty bảo hiểm cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn đối tác ngân hàng và nên hủy hợp đồng hợp tác nếu phát hiện sai phạm từ phía ngân hàng.

Cần sự tham gia của các tổ chức trung gian có chuyên môn bảo hiểm

Để tránh bị "ép" mua bảo hiểm ảnh 2
Ông Trương Minh Cát Nguyên, CEO TILA Finance

Để hạn chế tình trạng người đi vay vốn tại ngân hàng bị “ép” mua bảo hiểm, cần sự tham gia của các tổ chức trung gian có chuyên môn bảo hiểm như công ty môi giới bảo hiểm, công ty phụ trợ bảo hiểm…, tương tự như việc mua nhà phải ra bên thứ ba công chứng. Đó là giải pháp hợp lý và có lợi cho tất cả các bên tham gia.

Vụ việc trên cũng cho thấy công tác quản lý kênh phân phối, cụ thể ở đây là kênh ngân hàng, của doanh nghiệp bảo hiểm chưa thực sự chặt chẽ. Điều này xuất phát từ việc nhà bảo hiểm đã ứng trước một khoản tiền lớn cho ngân hàng ngay từ ngày đầu ký kết hợp đồng hợp tác để giành quyền khai thác, nếu giờ kiểm soát chặt thì khả năng sẽ mất doanh thu, khó thu hồi được vốn.

Qua đây, đề nghị các cơ quan quản lý thị trường là Bộ Tài chính, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cần tăng cường các biện pháp bảo vệ khách hàng. Ngân hàng và công ty bảo hiểm có liên quan cần tìm hướng giải quyết thỏa đáng nhất cho khách hàng theo quy định của doanh nghiệp và pháp luật bảo hiểm. Tổ chức, cá nhân nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm đang khai thác kênh này cần chủ động rà soát lại hệ thống, quy trình hoạt động… để tránh lặp lại lỗi như trên.

Khi đại lý làm sai, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm trước tiên

Để tránh bị "ép" mua bảo hiểm ảnh 3
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư, Đoàn luật sư TP.HCM

Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm trên cơ sở bên mua đóng phí để doanh nghiệp trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định, mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

Theo quy định tại Điều 88 – Luật Kinh doanh bảo hiểm, khi đại lý làm sai, gây thiệt hại cho khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm trước tiên, sau đó có thể yêu cầu đại lý bồi hoàn thiệt hại gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định trách nhiệm là do đại lý tư vấn sai hay khách hàng hiểu sai không dễ dàng, nên phần thua thiệt thường nghiêng về phía khách hàng.

Chẳng hạn, trong trường hợp một bên không trực tiếp ký tên, mà để người khác ký thay hoặc bị giả mạo chữ ký, hợp đồng bảo hiểm đó sẽ không có hiệu lực pháp lý, dẫn đến bị vô hiệu, thì khi phát sinh tranh chấp có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám định để đảm bảo quyền lợi. Nếu không biết mà cứ ký tên, sau này khách hàng sẽ chịu thiệt thòi nhất.

Liên quan tới trục lợi bảo hiểm, pháp luật đã có chế tài xử lý hành vi này. Cụ thể, hành vi trục lợi bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù (Điều 213 – Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm).

Việc chứng minh có trục lợi hay không cần phải chuyển cho cơ quan chức năng thực hiện. Nếu đúng như khách hàng phản ánh thì hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu toàn bộ và công ty bảo hiểm phải hoàn trả lại phí do khiến khách hàng ngộ nhận. Việc quy trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ, động cơ và mục đích phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ trên hành vi vi phạm đó để giải quyết theo luật định.

Trong hoạt động kinh doanh, hành vi cố ý gian dối là vi phạm pháp luật

Để tránh bị "ép" mua bảo hiểm ảnh 4
Ông Phan Quốc Tuấn, CEO HDI Institute

Trong hoạt động kinh doanh, hành vi cố ý gian dối là vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo Điều 198 – Bộ luật Hình sự (Tội lừa dối khách hàng), nếu người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc sử dụng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa bản án mà tiếp tục vi phạm; b) Thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-5 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Dùng thủ đoạn sảo quyệt; d) Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Do đó, không chỉ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, mà với cả các kênh bán khác, nếu người bán cố tình “làm liều” nhằm hưởng lợi ích (được nhận tiền hoa hồng) đều có thể bị coi là phạm tội.

Theo Tin Nhanh Chứng Khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: