Lợi nhuận ngân hàng 2023, thách thức ở phía trước


Tuy có khó khăn nhất định về “room” tín dụng hạn chế và chi phí đầu vào tăng theo lãi suất tiền gửi, song nhiều ngân hàng thực hiện vượt chỉ tiêu kinh doanh năm 2022.

Vietcombank, ACB, Sacombank, HDBank, MB, VPBank… là những ngân hàng lãi cao trong năm 2022

Những con số khả quan năm 2022

Bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2022 có nhiều điểm sáng. Vietcombank lãi trước thuế 36.693 tỷ đồng năm 2022, vượt 20% kế hoạch. Trong năm qua, hoạt động chính của ngân hàng này tăng 26%, thu được gần 52.554 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Tại ACB, lãi trước thuế năm 2022 đạt hơn 17.114 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch, tiếp tục là ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đứng đầu thị trường với mức 26,5%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Trong năm 2022, hoạt động chính của ACB tăng 24%, thu về 23.534 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Với Sacombank, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 cho thấy, lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch.

Riêng quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 142%. Cụ thể, hoạt động chính của Ngân hàng mang về 17.147 tỷ đồng lãi thuần, tăng 43% so với cùng kỳ. Mảng hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận kết quả khả quan với 5.194 tỷ đồng và 1.062 tỷ đồng lãi, tăng lần lượt 20% và 44%. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng đột biến 501%, lên 2.745 tỷ đồng.

Trong khi đó, HDBank cho biết, kết quả kinh doanh năm 2022 đạt 10.268 tỷ đồng, tăng 27,2%. Mảng dịch vụ tăng trưởng cao, các chỉ tiêu an toàn và hiệu quả hoạt động trong nhóm dẫn đầu. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng như lãi từ hoạt động dịch vụ trong năm qua của Ngân hàng tăng 22% (3.526 tỷ đồng), lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 20% (1.048 tỷ đồng). Đáng chú ý, hoạt động khác thu được khoản lãi gần 990 tỷ đồng, gấp 7 lần năm 2021.

Tổng thu nhập hoạt động quý IV/2022 của HDBank đạt 5.869 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm 2022 đạt 21.967 tỷ đồng, tăng 31,1% so với năm 2021. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 29,7%, thu thuần từ dịch vụ tăng 53,4%. Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng phù hợp kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 10.268 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay của nhà băng này.

Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Techcombank tăng 10%, đạt 25.600 tỷ đồng. Trong năm qua, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng đạt 40.900 tỷ đồng, tăng 10,3%. Trong đó, thu nhập từ lãi và dịch vụ (không bao gồm thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư) đều tăng. Cụ thể, thu nhập từ lãi đạt 30.300 tỷ đồng, tăng 13,5%, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần được quản lý ở mức 5,1%. Thu nhập từ dịch vụ tăng 24,8%, đạt 9.700 tỷ đồng (thu phí từ dịch vụ thẻ đạt hơn 1.980 tỷ đồng, tăng 83,5%; thu từ dịch vụ bảo hiểm tăng 12,3%, đạt hơn 1.750 tỷ đồng; thu từ thư tín dụng tăng 154%, đạt hơn 2.016 tỷ đồng).

Trong năm 2022, MB lãi 22.729 tỷ đồng trước thuế, tăng 37,5% so với năm 2021 và vượt 11,8% kế hoạch. Nhờ tăng trưởng của thu nhập lãi thuần và kinh doanh ngoại hối, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng tăng 25,3%, trong khi chi phí dự phòng rủi ro gần như không đổi. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro trong năm qua của MB là hơn 8.000 tỷ đồng, chỉ tăng 0,2%.

Một ngân hàng khác có lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng cao là VPBank, lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng 48%. Trong đó, ngân hàng riêng lẻ đạt lợi nhuận hơn 24.000 tỷ đồng, các chỉ số hiệu quả như lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), ROE, chi phí trên thu nhập (CIR) lần lượt là 3,7%, 25,6%, 19,3%, nằm trong tốp đầu của thị trường.

Thách thức phía trước

Tăng trưởng tín dụng năm 2023 được dự báo thấp hơn năm 2022 và áp lực chi phí đầu vào tiếp tục tăng sẽ khiến biên lãi ròng thu hẹp, lợi nhuận ngành ngân hàng dự kiến tăng thấp.

Công ty Chứng khoán Maybank (MBKE) nhận định, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại trong năm 2023 so với mức nền cao năm 2022, trước những áp lực đối với biên lãi ròng (NIM), chất lượng tài sản trung hạn, trong bối cảnh lãi suất tăng, thị trường vốn và bất động sản thắt chặt hơn.

Cụ thể, các chuyên gia phân tích của MBKE dự báo, các ngân hàng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình khoảng 13% (so với mức tăng trưởng trung bình khoảng 35% năm 2022 và 32% năm 2021). Tăng trưởng tín dụng hợp lý 12 – 13% và tăng trưởng thu nhập từ phí ổn định quanh mức 18% sẽ là động lực dẫn dắt đà tăng trưởng, nhưng NIM thấp hơn, dự kiến giảm từ 4,4% xuống 3,9% sẽ là trở ngại lớn đối với lợi nhuận ngân hàng.

Bên cạnh đó, năm 2023, chi phí vốn có khả năng tăng, trong khi tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá từ 3 – 6 tháng, dẫn đến NIM suy giảm trong nửa đầu năm. Sau đó, NIM sẽ đi ngang, hoặc tăng nhẹ, với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động. Nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối nhiều khả năng có NIM giảm nhiều hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, tăng trưởng cho vay năm 2023 là 13%, chi phí trích lập dự phòng tăng 13% do nợ xấu tiềm ẩn liên quan đến bất động sản. Với 27 ngân hàng niêm yết, lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ năm 2023 ước tăng 16%, thu nhập lãi thuần tăng 12%. NIM sẽ gặp áp lực trong quý I do chi phí huy động vốn cao và nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn giảm. Tuy nhiên, NIM có thể cải thiện vào quý II và cả năm sẽ không thay đổi so với cùng kỳ, ở mức 3,57%.

Thực tế, nhiều nhà băng tỏ ra thận trọng thận trọng khi nói về chỉ tiêu kinh doanh năm 2023. Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng ghi nhận lợi nhuận hơn 17.000 tỷ đồng trong năm 2022 cho hay, lợi nhuận năm qua vượt chỉ tiêu; ROE tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu thị trường, trên 27%; tỷ lệ nợ xấu được đảm bảo ở mức 1%; danh mục tín dụng tập trung vào mảng bán lẻ với tỷ lệ lên đến 94%; có 98% các khoản vay có tài sản đảm bảo và tỷ lệ cho vay trên giá trị (LTV) bình quân danh mục liên tục duy trì trên 52%.

Thế nhưng, khi được hỏi về kế hoạch cho năm 2023, người đứng đầu ngân hàng trên cho biết, việc này sẽ được tính toán thận trọng trước dự báo tình hình có khó khăn nhất định trong năm nay. Trong đó, tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng thấp hơn năm 2022, ở mức 12 – 13% và áp lực chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động.

Lãnh đạo ABBank chia sẻ, Ngân hàng đang trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2023, với quan điểm năm nay hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, áp lực lãi vay tăng lên trong những tháng cuối năm 2022 và chưa sớm hạ nhiệt trong nửa đầu năm 2023 sẽ khiến chi phí tài chính của các doanh nghiệp tăng lên, kéo theo nợ xấu gia tăng.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia ước tính, nợ xấu nội bảng năm 2022 có thể tăng 2,3 – 2,5%, nợ xấu gộp khoảng 6%. Nợ xấu gộp có khả năng tiếp tục tăng nếu tình hình phục hồi kinh tế kém khả quan, nhất là khi từ năm 2024, quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN).

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá, nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tức là nợ xấu của nền kinh tế, có xu hướng tăng. Công tác kiểm soát nợ xấu gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tác động có độ trễ nên ảnh hưởng lớn hơn đến hoạt động ngân hàng năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước, có 56,4 – 75,4% tổ chức kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. Trong đó, 95,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận năm 2023 tăng trưởng dương, 2,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.

Theo Tin Nhanh Chứng Khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: