Ngân hàng khó về đích lợi nhuận


Mục tiêu lợi nhuận năm 2022 của nhiều ngân hàng đang gặp thách thức, bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn chế, trong khi biên lợi nhuận dự kiến giảm.

Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân của 26/27 ngân hàng niêm yết trong năm 2022 là 33%

Chi phí đầu vào tăng

Trong bối cảnh các ngân hàng đang “khát” tiền gửi, việc tăng lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng về thanh khoản. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng, nhưng lãi suất cho vay của nhiều nhà băng không tăng tương ứng và có độ trễ.

Vì thế, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn ngành ngân hàng sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Các ngân hàng có tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động (LDR) thấp, hoặc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thấp sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo không ít ngân hàng, với hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng được cấp thêm ở mức thấp, ngân hàng sẽ chọn lọc khách hàng kỹ hơn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tín dụng của cơ quan quản lý, dù lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên thường thấp hơn các lĩnh vực khác.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, dư nợ tín dụng thường tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm quý IV và nhà băng luôn trông chờ vào quý này để kết thúc một năm kinh doanh với kết quả khả quan, nhưng tình hình năm nay có thể không như kỳ vọng, do room tín dụng eo hẹp. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động tăng dần khiến NIM chịu áp lực giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, NIM của các ngân hàng được cải thiện là nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và tỷ lệ LDR cao.

“Hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được ban hành chỉ ở mức hạn chế, cộng với áp lực của việc tăng lãi suất huy động và tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn được hạ từ 37% xuống 34% kể từ ngày 1/10 sẽ tạo nên những áp lực không nhỏ cho lợi nhuận quý IV/2022”, vị tổng giám đốc trên nói.

Thực tế, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang tăng dần với kỷ lục hiện đạt mức 8,4%/năm tại Ngân hàng Bản Việt và trên 8,2%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng tại Ngân hàng số Cake by VPBank. Tại các ngân hàng khác, lãi suất kỳ hạn dài dao động trong khoảng 7 – 7,5%/năm. Nhiều nhà băng đang rục rịch tăng lãi suất cho vay, nhưng mức tăng khá “nhẹ nhàng” sau khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước về việc đảm bảo ổn định lãi suất đầu ra nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19.

Ở một góc nhìn khác, tín dụng sau khi tăng trưởng nhanh trong nửa đầu năm nay đã chậm lại đáng kể trong 3 tháng qua. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 30/6 đạt 9,35%, đến ngày 15/8 đạt 9,62% và đến ngày 28/9 đạt 10,89% so với cuối năm 2021, dư địa cho quý IV chỉ còn hơn 3%.

Thách thức chỉ tiêu lợi nhuận

Dư nợ tín dụng của các ngân hàng niêm yết đã tăng 10,1% trong nửa đầu năm 2022, nhưng tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm mới đạt 51,5%.

Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng thừa nhận, ngân hàng không biết liệu có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 hay không, bởi 6 tháng đầu năm mới đạt được 40% mục tiêu, dù đã sử dụng hết room tín dụng được cấp từ đầu năm và hạn mức vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm chỉ là hơn 3%, không dễ để mở rộng hoạt động cho vay.

Không ít ý kiến dự báo, trong nửa cuối năm 2022, lợi nhuận nhiều ngân hàng sẽ giảm tốc do room tín dụng hạn chế. Ngân hàng có thể tăng lãi suất cho vay để gia tăng lợi nhuận, nhưng lãi suất huy động gần đây đã được điều chỉnh tăng lần thứ hai kể từ đầu năm, khiến NIM bị thu hẹp. Mặt khác, thu nhập phí khó tăng trưởng đủ để bù đắp cho khoản hụt của thu nhập lãi thuần, do các nhà băng đã đồng loạt giảm phí nhằm thu hút tiền gửi không kỳ hạn.

Theo FiinGroup, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân của 26/27 ngân hàng niêm yết trong năm 2022 là 33%, nhưng khả năng hoàn thành kế hoạch tương đối thấp nếu không có thêm room tín dụng.

Dư nợ tín dụng của các ngân hàng niêm yết đã tăng 10,1% trong nửa đầu năm 2022, nhưng tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm mới đạt 51,5%. Trong bối cảnh này, cho dù định giá P/B của cổ phiếu nhóm này đang thấp hơn trung bình 5 năm (1,75 lần so với 2,0 lần), nhưng FiinGroup cho rằng, cơ hội khó có thể đến với tất cả các cổ phiếu ngân hàng, mà sẽ tập trung vào một số nhà băng có dư địa tăng trưởng tín dụng cao sau đợt nới room tín dụng vừa qua.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã cấp hết 13,6% trong tổng 14% room tín dụng năm nay. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương nới tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng, vì dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đến hết tháng 9 đã tăng chạm mức 11%. Nếu nới thêm room tín dụng, không kiểm soát được lạm phát, thì chỉ một số doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay là hưởng lợi, còn đa phần người dân sẽ bị tác động tiêu cực.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chịu nhiều áp lực điều chỉnh room tín dụng lên 15 – 16%, nhưng thực tế cho thấy, cơ quan này kiên định tỷ lệ định hướng 14% là hợp lý, được nhiều tổ chức quốc tế cũng như chuyên gia trong nước đánh giá cao, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, áp lực lạm phát vẫn cao nên Ngân hàng Nhà nước kiên định điều hành room tín dụng 14% để đảm bảo kiểm soát lạm phát trong năm 2022 và cả năm 2023.

Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, tăng trưởng tín dụng đang chậm lại và room tín dụng không còn nhiều nên khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 không còn chắc chắn như trước. Bên cạnh đó, nợ xấu của ngân hàng có dấu hiệu gia tăng do các khoản nợ tái cơ cấu đã hết thời gian ân hạn, đòi hỏi nhà băng phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn, nhất là quý cuối năm. Ngoài ra, lãi suất huy động dự kiến sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng để giữ chân người gửi tiền.

Một chuyên gia nhận định, khi lãi suất huy động tăng, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sẽ đối mặt với nguy cơ suy giảm. NIM trong 6 tháng đến 1 năm tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, do kỳ tái định lãi suất trung bình 3 – 6 tháng, tùy khoản vay.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, các ngân hàng có khả năng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 29% và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu 22% trong năm 2022, dựa trên tăng trưởng tín dụng cao, thu nhập từ phí ổn định và chi phí tín dụng được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh các tháng cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào room tín dụng vừa được cấp.

Theo Tin Nhanh Chứng Khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: