Tầm nhìn chứng khoán


Tôi có sáu mươi cổ phiếu của một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM (HOSE) nhưng không bán được.

Lý do, đầu năm nay HOSE nâng lô từ 10 lên 100, nghĩa là nhà đầu tư phải có tối thiểu 100 cổ phiếu trong tài khoản thì mới được đặt lệnh mua, bán.

Số cổ phiếu trên của tôi phát sinh bởi doanh nghiệp chia cổ phiếu thưởng. Tôi vào trang web của công ty chứng khoán đặt lệnh bán, mấy lần đều nhận được thông báo “chúng tôi không mua cổ phiếu lẻ”. Tìm gặp nhân viên môi giới, tôi được giải thích, công ty chứng khoán chỉ mua theo đợt, lúc thị trường trầm lắng, thường với giá sàn. Hiện giá cổ phiếu cao, họ không mua.

Rất nhiều nhà đầu tư có cổ phiếu lô lẻ, không lúc này thì lúc khác rơi vào cảnh thiệt thòi tương tự. Sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất nền kinh tế đã bị nghẽn lệnh, giao dịch thỉnh thoảng gián đoạn hàng tháng nay. Mới đây có đề xuất nâng lô từ 100 lên 1.000 cổ phiếu, chắc chắn cổ phiếu lô lẻ còn phát sinh thêm. Với nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân, tham gia thị trường chứng khoán không còn dễ như trước.

Nâng lô, nâng bước giá, chuyển một số chứng khoán niêm yết từ sàn phía Nam (HOSE) ra sàn Hà Nội (HNX) là những giải pháp mà cơ quan quản lý dự kiến áp dụng để tạm thời chống kẹt đường cổ phiếu.

Tôi đi hỏi một số doanh nghiệp, liệu họ có tự nguyện chuyển niêm yết ra sàn HNX. Hầu hết ngần ngại vì sự xáo trộn, thiệt thòi không đáng mà doanh nghiệp sẽ phải gánh. Đại diện một doanh nghiệp phân trần “giao dịch trên một bảng mới ở HNX nghe cứ thế nào, giống như xuống hạng” – vì tiêu chí hai sàn khác hẳn nhau. Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán đề nghị chuyển những cổ phiếu chất lượng thấp về HNX, nhưng thế nào là chất lượng thấp thì còn vô số tranh luận.

Cơ quan quản lý có thể phải thực hiện một cuộc vận động sâu rộng chuyển sàn ngược ra HNX do từ trước đến nay, hầu hết doanh nghiệp niêm yết chỉ “nam tiến”. Nếu việc vận động và triển khai kéo dài hàng tháng, tính tạm thời của giải pháp sẽ không còn, chi bằng đợi luôn vận hành hệ thống mới? Không loại trừ khả năng nhà quản lý sẽ chỉ định doanh nghiệp nào phải chuyển sàn, sẽ dấy lên một làn sóng phản ứng: sao lại là tôi?

Nghẽn lệnh chứng khoán trở nên phức tạp vì càng ngày số nhà đầu tư mới tham gia thị trường càng đông nhưng hệ thống giao dịch không đáp ứng nổi. Giá trị khớp lệnh cứ đạt 14.000 đến 15.000 tỷ đồng mỗi phiên là hệ thống “đứng hình”.

Nhiều người đổ lỗi cho Covid, tuy nhiên không ít người nhìn nhận đó là cơ hội. Nhờ Covid, chứng khoán được nâng cấp thành kênh đầu tư thời thượng, thu hút được tiền nhàn rỗi trong dân. Các nhà đầu tư mới có tiền thật, có thể ở lại trong chứng khoán lâu dài như gửi tiết kiệm. Điều này có lợi cho nền kinh tế.

Thật tiếc vì các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đã không sớm nhìn ra xu hướng này và gấp rút thay mới hệ thống giao dịch nhanh nhất có thể.

Hệ thống hiện hành của HOSE vốn dĩ tồn tại đã hơn hai mươi năm. Mười năm, mười lăm năm, thậm chí cả mười tám năm – khi chỉ số chứng khoán VN-Index lần đầu tiên “leo” lên 1.200 điểm năm 2018, cơ quan quản lý đã gần như bỏ qua việc nâng cấp và đổi mới hệ thống. Tư duy “hệ thống cũ vẫn chạy tốt thì việc gì phải thay” đã ngự trị bất chấp công nghệ thế giới phát triển vũ bão.

Sự tồn tại của tư duy ấy có nguyên nhân của nó. Năm 2000, khi thị trường chứng khoán ra đời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan ngang bộ, chủ tịch Uỷ ban ngang hàm bộ trưởng. Sau đấy, Uỷ ban chuyển về Bộ Tài chính, do một thứ trưởng phụ trách. Suốt bao năm chứng khoán ì ạch, thoái trào.

Ngay cả khi khủng hoảng tài chính thế giới qua đi, chứng khoán quốc tế và khu vực tăng trưởng lại, lên tầm cao mới, chứng khoán Việt Nam vẫn giẫm chân tại chỗ. Người quan tâm tìm mỏi mắt không thấy các sáng kiến giáo dục tài chính đại trà, khuyếch trương thị trường trên diện rộng cho người dân.

Một thập kỷ, hai thập kỷ sau năm 2000, đa số người dân vẫn chỉ gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng hoặc mua nhà đất.

Trong sách lược phát triển thị trường chứng khoán được Bộ Tài chính xây dựng, điểm nhấn luôn là gia tăng công ty niêm yết, nâng giá trị vốn hoá thị trường lên bao nhiêu phần trăm GDP… còn việc thu hút dân số tham gia đầu tư cổ phiếu chưa được đặt lên hàng đầu. Xây dựng và vận hành một nền tảng giao dịch cùng bước với sự bứt phá của công nghệ chưa được đặt vào trọng tâm.

Muốn phát triển phải đầu tư. Vấn đề không phải ngân sách thiếu tiền đầu tư hệ thống giao dịch chứng khoán. Vấn đề nằm ở chỗ chứng khoán chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và tầm quan trọng của nó vẫn đứng sau lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, kiểm toán… trong ngành tài chính.

Tôi đã tiếp xúc với những người đặt nền móng khai sinh thị trường chứng khoán từ năm 1995 với bản đề án có tên thuở ấy “Xây dựng thị trường vốn TP HCM”. Hôm nay, câu hỏi đau đáu của những người tâm huyết với thị trường chứng khoán vẫn là: bao giờ chúng ta có 10, 15% dân số đầu tư cổ phiếu. Nhưng “bao giờ”, khi chỉ mới chưa đầy 3% người dân tham gia mà HOSE đã nghẽn lệnh, giao dịch bất tiện.

Dốc sức, dốc lực, tận dụng thời gian phối hợp với các bộ, ngành, mời gọi chuyên gia công nghệ giỏi cùng cơ chế linh hoạt để vận hành hệ thống giao dịch mới của HOSE càng sớm càng tốt, theo tôi là giải pháp duy nhất.

Nước đã đến chân thị trường chứng khoán rồi.

Hải Lý

Theo Vnexpress


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: