Tạo mọi điều kiện để thị trường chứng khoán vận hành thông suốt, ổn định


Bộ Tài chính sẽ triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp ngắn hạn; kiên định các giải pháp trung, dài hạn để thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn nữa trong tương lai.

Tạo mọi điều kiện để thị trường chứng khoán vận hành thông suốt, ổn định

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi về một số giải pháp của Bộ Tài chính để hỗ trợ thị trường chứng khoán sớm ổn định, hồi phục trở lại và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thông báo chính thức các hình thức kỷ luật đối với tập thể và các cá nhân là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), VNX, HOSE và VSD.

Trao đổi với báo chí chiều nay (18/5), Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn biến động mạnh trước tác động tiêu cực chung của thị trường thế giới, kết hợp với yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trong nước sau một số sự việc xảy trên TTCK và trái phiếu doanh nghiệp.

Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở GDCK Việt Nam (VNX), Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) khẩn trương có những giải pháp cấp bách, kịp thời để hỗ trợ TTCK sớm ổn định trở lại.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông để doanh nghiệp, các tổ chức tham gia thị trường và nhà đầu tư ổn định tâm lý, tin tưởng vào tương lai phát triển của TTCK, UBCKNN đã đưa ra nhiều giải pháp kịp thời như: Công bố thông tin giao dịch tự doanh; thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 phiên đáo hạn; công bố 5 cổ phiếu tăng trần/giảm sàn 5 phiên liện tục; triển khai giao dịch lô lẻ;…

Qua theo dõi diễn biến thị trường gần đây cho thấy, TTCK trong nước biến động theo xu hướng giảm cả về điểm số, giá cổ phiếu, dòng tiền,… Nhưng với các giải pháp tích cực, kịp thời của cơ quan quản lý đã cải thiện tâm lý nhà đầu tư và trên thực tế, thị trường đã xuất hiện những tín hiệu phục hồi trở lại trong một vài phiên gần đây.

Liên quan đến việc chiều ngày 18/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo chính thức các hình thức kỷ luật đối với các tập thể và các cá nhân là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo của UBCKNN, VNX, HOSE và VSD, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói: “Việc để xảy ra những sai phạm và phải xử lý sai phạm là điều chúng ta hoàn toàn không mong muốn và thật rất đáng tiếc. Dù vậy, sai thì phải sửa, nhưng điều quan trọng là chúng ta nhìn đúng bản chất những vấn đề còn tồn tại, để khắc phục một cách hiệu quả nhất và giữ vững niềm tin về tương lai phát triển của TTCK Việt Nam”.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ và các đơn vị liên quan sẽ chấp hành nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc và nỗ lực cao nhất để khắc phục những sai phạm, tồn tại đã được nêu ra. Bộ Tài chính khẳng định, đó là những sai phạm mang tính chất cá thể và trong từng giai đoạn cụ thể, công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chứng khoán và vận hành TTCK vẫn được đảm bảo đúng định hướng, tạo mọi điều kiện để thị trường hoạt động bình thường, ổn định, thông suốt, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đang tham gia trên TTCK Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ ưu tiên công tác kiện toàn tổ chức của ngành Chứng khoán để nhanh chóng ổn định tổ chức, nhân sự, ổn định tâm lý cán bộ công chức và người lao động, đảm bảo công tác quản lý, giám sát, vận hành TTCK thường xuyên, liên tục và có hiệu quả. Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn để bình ổn thị trường, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ kiên định các giải pháp trong trung và dài hạn để TTCK phát triển bền vững, minh bạch, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào phát triển kinh tế đất nước”.

Những giải pháp trung dài hạn mà Bộ Tài chính tập trung bao gồm soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật chứng khoán, từ Luật Chứng khoán tới các văn bản hướng dẫn; đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án tái cấu trúc TTCK theo đúng kế hoạch, cũng như triển khai Chiến lượng phát triển TTCK 2021 – 2030 khi được Chính phủ phê duyệt;…

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót theo kế hoạch đã được phê duyệt. Dựa trên kết quả giám sát, kiểm tra sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao vai trò giám sát của các tuyến giám sát, nhất là giám sát tuyến đầu trong việc kịp thời phát hiện dấu hiệu giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường để kịp thời cảnh báo cho nhà đầu tư. Thực hiện thanh tra, kiểm tra giao dịch chứng khoán khi có dấu hiệu bất thường, thao túng. Mặt khác, hướng tới chủ động ngăn chặn, hạn chế tận gốc các hành vi vi phạm phát sinh, Bộ Tài chính (UBCKNN) đang chỉ đạo các Sở giao dịch đẩy nhanh việc nghiên cứu giải pháp để ngăn chặn việc cổ đông nội bộ giao dịch cổ phiếu mà không công bố thông tin trước khi giao dịch, đề xuất giải pháp chặn kỹ thuật, cũng như kiến nghị sửa đổi các quy định có liên quan về giao dịch chứng khoán.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan tới thị trường này, trong đó có Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, Bộ Tài chính sẽ có thêm các giải pháp để đảm bảo cho kênh dẫn vốn quan trọng này phát triển an toàn, minh bạch, trong đó vừa hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính, nhưng cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro, nhất là là việc phát hành không có tài sản bảo đảm.

“Riêng với năm 2022, TTCK Việt Nam mặc dù khó tránh khỏi những biến động dưới tác động của diễn biến kinh tế, chính trị thế giới, nhưng chúng tôi khẳng định, thị trường vẫn đang được hỗ trợ tích cực từ các yếu tố nền tảng vĩ mô trong nước và các yếu tố nội tại của thị trường. Việt Nam vẫn có nhiều trợ lực tích cực để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5 – 7% trong năm nay và còn tăng trưởng tốt trong các năm tiếp theo. Số liệu kết quả kinh doanh doanh nghiệp đã cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp đã phục hồi tích cực và nhiều nhận định cho thấy năm nay vẫn rất khả quan. TTCK Việt Nam vì thế vẫn được kỳ vọng sớm bước qua giai đoạn biến động hiện nay và sẽ ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận định.

Theo Tin nhanh chứng khoán


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: