Mô hình nào cho Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM?


TP.HCM là thành phố duy nhất ở Việt Nam được đánh giá xếp hạng so với các trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng để phát triển thành phố thành trung tâm tài chính quốc tế vẫn cần có đánh giá tác động cụ thể với tầm nhìn toàn cầu.

Phó chủ tịch Phan Thị Thắng trao đổi với chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch bên lề hội thảo – Ảnh: N.BÌNH

Hình hài và cách vận hành Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM đã dần lộ diện tại hội thảo “Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 25-2.

Đây là “diện mạo” được phát triển dựa trên sự tích hợp từ các đề án mà TP nhận được gồm đơn vị tư vấn Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) – Trường đại học Fulbright Việt Nam và đề án của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG).

Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết mô hình Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM sẽ bao gồm 3 cấu phần: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh.

Cùng với đó là 4 chương trình hành động để TP có thể triển khai ngay đến năm 2025 gồm ưu tiên phát triển Fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số tại trung tâm tài chính; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực cho Trung tâm tài chính quốc tế TP; phát triển khu tài chính thương mại Thủ Thiêm và cuối cùng là phát triển thị trường hàng hóa tại Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.

“Cần nhất là phải có cú hích mạnh về mặt chính sách để TP.HCM vươn lên, bắt kịp với khu vực, trong đó có thể áp dụng cơ chế thử nghiệm (Sandbox)…”, ông Thành nói.

Để phát triển khu tài chính thương mại Thủ Thiêm, đề án của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM, cũng đề xuất 4 phương thức kêu gọi đầu tư: đấu giá đất để nhà đầu tư tự do quyết định phương thức đầu tư, đấu thầu dự án, mô hình đối tác công tư PPP và cuối cùng là lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Đáng chú ý, có đề xuất chính sách với các dịch vụ phụ trợ và tiện ích, trong đó cho phép nhà đầu tư chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm tài chính xây dựng và kinh doanh một dự án casino tại TP.HCM. Đồng thời, có các chính sách ưu đãi cao hơn so với các quy định hiện hành để tạo lợi thế cạnh tranh thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển trung tâm tài chính.

Cho phép thành lập các khu bán hàng miễn thuế và khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí phù hợp với pháp luật Việt Nam tại Trung tâm tài chính quốc tế TP.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết ông đồng tình về 3 trụ cột chính của trung tâm tài chính theo phác thảo trên, bởi đây là những trụ cột để một trung tâm tài chính có thể phát triển và định hình.

Tuy nhiên chuyên gia này cũng lưu ý cần làm rõ đề xuất chính sách với các dịch vụ phụ trợ và tiện ích. TP cần xác định phát triển trung tâm tài chính là ưu tiên “chọn” tài chính và các dịch vụ hỗ trợ, chứ không thể để các dịch vụ hỗ trợ “chọn” ra trung tâm tài chính.

“Hãy để trung tâm tài chính quốc tế hình thành rồi mới tính đến các dịch vụ vui chơi, giải trí khác. TP cần xác định từ đây đến năm 2025 có kịch bản hành động cụ thể như chuẩn mực hóa các dịch vụ tài chính để có sự cạnh tranh với các nước, tăng tính giám sát”, ông Nghĩa nêu ý kiến.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng khẳng định việc lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan chức năng liên quan hôm nay sẽ góp phần hỗ trợ TP hiện thực hóa mục tiêu TP đề ra là trở thành một trung tâm tài chính quốc tế. Dù mục tiêu này đặt ra rất nhiều thách thức cho TP.

Để hình thành và vận hành hiệu quả các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế cần rất nhiều nỗ lực thực hiện, bao gồm định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực.

“Bản thân TP khi phát triển trung tâm tài chính cũng xác định cần có các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn tài chính lớn đầu tư vào Trung tâm tài chính Việt Nam”, bà Thắng nhấn mạnh.

N.BÌNH

Theo Tuổi Trẻ Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: