Tốc độ cho vay của các ngân hàng gần đây khá nhanh, mỗi tuần bơm ra thị trường vài chục ngàn tỉ đồng. Đó là lý do lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tự tin tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15% như kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Còn 339.000 tỉ đồng cho vay vào 3 tuần cuối năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 7.12 đạt 12,5% (cùng kỳ năm ngoái tăng 9%), trong khi trước đó ngày 29.11 là 11,9%. Như vậy chỉ trong 10 ngày, các NH bơm ra thị trường khoảng 72.000 tỉ đồng, nâng lượng tiền bơm ra từ đầu năm đến nay lên 1,696 triệu tỉ đồng. Lãi suất cho vay mua nhà đang xuống thấp ẢNH: NGỌC THẮNG Tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 15,3 triệu tỉ đồng; huy động vốn cũng đã đạt khoảng 14,8 triệu tỉ đồng. Có thể thấy, tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn. Vì thế, ngoài việc huy động vốn của các nhà băng, NHNN cũng có những động tác điều chỉnh, hỗ trợ vốn cho các NH bằng các công cụ điều hành chính sách. Theo nhà điều hành, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Một số chương trình đạt hiệu quả nên đã nhiều lần được nâng quy mô như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh và tiến hành mở rộng thêm sang một số lĩnh vực quan trọng khác như thị trường chứng khoán, bất động sản. Ngoài ra, tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền (đặc biệt là những đối tượng chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3)…, từ đó tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp tục vay mới nhằm duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh. Với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%, NHNN cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay cùng với việc giải ngân tích cực vào cuối năm thì có thể đạt mục tiêu đề ra. Như vậy, chỉ còn 3 tuần nữa kết thúc năm 2024, các NH sẽ đẩy cho vay thêm 2,5%, tương ứng số tiền 339.000 tỉ đồng. Cho vay tiêu dùng là động lực Không những nhu cầu vốn của doanh nghiệp cuối năm tăng lên, các nhà băng hiện cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để góp phần đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành. Anh S.H, giám đốc chi nhánh một NH trên địa bàn H.Nhà Bè (TP.HCM), cho biết mấy ngày gần đây, khách hàng cá nhân mua căn hộ dự án L.P nhiều nên phía NH cũng triển khai cho vay nhiều hồ sơ. Lãi suất cho vay mua dự án này hiện nay là 5,5%/năm trong vòng 12 tháng đầu kể từ ngày giải ngân, 6% trong vòng 18 tháng và 24 tháng. Một số NH lại tung ra các gói cho vay mua nhà, mua xe cuối năm với lãi suất khá thấp. Chẳng hạn, Eximbank cho vay lãi suất 3,5%/năm áp dụng cố định trong 3 năm đầu tiên, thời gian vay 35 năm, ân hạn gốc 60 tháng, ân hạn lãi 24 tháng. Shinhan Bank cho vay lãi suất 5,9%/năm cố định trong 12 tháng; 6,35%/năm cố định trong 24 tháng; cố định 7,1%/năm trong 36 tháng. VPBank cho vay mua ô tô với lãi suất từ 6,8%/năm, hạn mức cho vay 100% giá trị xe cộng với lệ phí trước bạ, thuế, thời gian vay 96 tháng. Theo VPBank, dữ liệu vay mua ô tô phân khúc doanh nghiệp của NH này cho thấy, tính riêng trong quý 3, dư nợ vay mua ô tô của doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất, tương đương tăng hơn 8% so với quý 2 và tăng hơn 10% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 40% thị phần cho vay mua xe du lịch. Dự báo tỷ lệ tăng trưởng này còn có thể cao hơn nữa vào những tháng cuối năm với sự gia tăng mạnh nhu cầu mua xe phục vụ đi lại và kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại VN đạt khoảng 2,8 triệu tỉ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ năm 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, thông tin: Đến nay tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn đạt khoảng trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Nếu phân tích hoạt động tín dụng tiêu dùng theo mục đích vay, thì tín dụng cho vay mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở và xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở… đạt 660.000 tỉ đồng, chiếm khoảng gần 66% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Lý do phân khúc này đạt dư nợ cao vì lãi suất khá hấp dẫn, chỉ từ mức 6 – 7%/năm, áp dụng thời gian lãi suất ưu đãi kéo dài lên 1 – 3 năm tùy lựa chọn của khách hàng. Mức lãi suất cho vay này thấp hơn hoặc ngang bằng với lãi vay sản xuất kinh doanh, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, là một diễn biến tích cực. Việc các NH áp dụng lãi suất hợp lý đối với cho vay mua nhà để ở, sửa chữa nhà sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở phân khúc này, từ đó góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về nhà ở cho người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Trong khi đó, ở góc độ quản trị kinh doanh, đối với các NH, cho vay mua nhà ở, sửa chữa nhà ở là tín dụng tiêu dùng, cho vay với mục đích sử dụng, với sản phẩm có mức độ bảo đảm hiệu quả, an toàn và bền vững. Vì vậy, trên cơ sở khai thác và sử dụng vốn hiệu quả phù hợp với khả năng của mỗi NH có những sản phẩm tín dụng phù hợp và lãi suất hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, cũng như mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Tại báo cáo ngành NH quý 3, Công ty chứng khoán VCBS nhận định tăng trưởng tín dụng bất động sản và xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân đến từ nguồn cung khả quan hơn trong thời gian tới với các dự án tiếp tục được đẩy nhanh triển khai sau các nỗ lực hỗ trợ về lãi suất, pháp lý, đặc biệt sau khi các luật mới về bất động sản có hiệu lực. Đồng thời, mặt bằng lãi suất thấp kích thích nhu cầu vay của doanh nghiệp bất động sản cũng như người mua nhà. Cho vay mua nhà kỳ vọng phục hồi rõ nét vào cuối năm. Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng Đối với tăng trưởng tín dụng bất động sản tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng điểm tích cực nhất và phù hợp với diễn biến tích cực từ nền kinh tế là phân khúc tín dụng bất động sản cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng. Cụ thể, dư nợ cho vay hạ tầng khu công nghiệp – khu chế xuất tăng 28,7% so với cuối năm; cho vay văn phòng cao ốc tăng 18,4% và cho vay nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sinh thái… tăng gần 30%. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực này chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản, vì vậy tác động đến tăng trưởng chung ở mức độ nhất định. Theo Thanh Niên Online