Lãi tiết kiệm xuống thấp nhất lịch sử


Làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng, xuống mức thấp nhất lịch sử. Đáng nói, cuộc đua giảm lãi suất đầu vào vẫn chưa dừng lại và người gửi tiền chỉ còn nhận được một nửa lãi so với trước.

Lãi suất dò đáy

Vừa nhận được khoản thưởng cuối năm 50 triệu đồng, chị Nguyễn Hà (H.Nhà Bè, TP.HCM) mở app ngân hàng gửi tiết kiệm online thì sửng sốt khi thấy mức lãi suất 1 tháng chỉ còn 2%/năm. Chị cho biết thời điểm này năm ngoái, mức lãi suất tiết kiệm 1 tháng là 6%/năm, gấp 3 lần hiện nay. “Thấy lãi thấp quá, tôi tăng kỳ hạn gửi lên 12 tháng nhưng cũng chỉ ở mức 5%/năm, giảm một nửa so với 1 năm trước”, chị Nguyễn Hà than thở. Nhìn lại thời điểm này năm ngoái, các ngân hàng huy động kỳ hạn 12 tháng với lãi suất từ 9 – 9,5%/năm, một số ngân hàng còn đẩy lãi suất lên 11 – 12%/năm. Với 1 tỉ đồng gửi vào ngân hàng, lãi suất 10%/năm thì nhận tiền lãi 100 triệu đồng. Còn với mức lãi suất 5%/năm như hiện nay thì người gửi tiền chỉ còn nhận được 50 triệu đồng tiền lãi. Điều này khiến người gửi tiền “đứt từng khúc ruột”, chị Hà cho biết.

Vietcombank giảm lãi suất tiết kiệm xuống mức thấp nhất 1,7%/năm

Ngọc Thắng

Có thể thấy, thị trường lãi suất đang đảo ngược. Thay vì đua tăng lãi suất tiết kiệm như cách đây 1 năm, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động. Mới đây 4 ngân hàng thương mại có nhà nước chi phối, chiếm thị phần huy động vốn gần một nửa trên toàn hệ thống đã giảm lãi suất huy động xuống thấp. Vietcombank tiên phong trong giảm lãi suất tiết kiệm xuống 1,7%/năm ở kỳ hạn 1 – 2 tháng, 3 ngân hàng còn lại là BIDV, VietinBank, Agribank cũng giảm lãi xuống còn 1,8 – 1,9%/năm. Các ngân hàng này giảm lãi suất kỳ hạn 3 – 5 tháng xuống còn 2 – 2,2%/năm; 6 – 11 tháng còn 3 – 3,2%/năm; từ 12 tháng trở lên từ 4,7 – 5,3%/năm.

Ngay sau đó, ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt, SCB cũng giảm sâu lãi suất huy động xuống ngang bằng với mức lãi huy động của Vietcombank. Mức thấp nhất 1,7%/năm đối với kỳ hạn 1 – 2 tháng, mức lãi suất cao nhất 4,7%/năm từ kỳ hạn 12 tháng trở lên. Hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần như Techcombank, LPBank, MSB, VietABank… cũng đồng thanh tương ứng, giảm lãi huy động trong những ngày đầu năm. Chỉ trong 2 tuần đầu tiên của năm mới, đã có hơn 10 ngân hàng điều chỉnh lãi tiết kiệm đi xuống. Đến thời điểm này, mức lãi suất huy động 6%/năm gần như biến mất. So với cách đây 1 năm, lãi suất tiết kiệm hiện chỉ còn một nửa, ở các kỳ hạn dưới 6 tháng có khi chỉ còn 1/3.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng tiếp tục xuống mức thấp trong lịch sử. Lãi suất bình quân liên ngân hàng ngày 16.1 kỳ hạn qua đêm xuống còn 0,15%/năm, 1 tuần còn 0,29%/năm, 2 tuần còn 0,49%/năm, 1 tháng còn 1,06%/năm, 3 tháng còn 2,98%/năm, 6 tháng còn 4,11%/năm…; lãi suất giao dịch của các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng còn thấp hơn cả lãi suất huy động từ các cá nhân. Điều này cho thấy thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào.

Mặc dù lãi suất tiết kiệm liên tục đi xuống nhưng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hệ thống các tổ chức tín dụng đã huy động thêm 1,7 triệu tỉ đồng, lên 13,5 triệu tỉ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2022. Đây là năm có mức tăng trưởng huy động cao nhất lịch sử. Dữ liệu từ NHNN chi nhánh TP.HCM cho thấy dù lãi suất tiền đồng liên tục giảm nhưng huy động tăng 10,75%, chiếm 92% trong tổng huy động. Các tổ chức tín dụng huy động ngoại tệ giảm mạnh 19,7%, chiếm 8% tổng huy động. Trong năm 2023, tăng trưởng huy động của các tổ chức tín dụng là 7,68% so với cuối năm trước.

Lãi suất tiết kiệm vẫn thực dương

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét 4 ngân hàng nhà nước huy động lãi suất quanh 5%/năm, ngân hàng cổ phần từ 5 – 6%/năm là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Nhưng theo ông, lãi suất tiết kiệm trong thời gian tới khó và cũng không nên giảm thêm.

“Lãi suất huy động này cũng đã thực dương so với lạm phát kỳ vọng, đồng thời giúp lãi suất cho vay vào khoảng 7 – 9%/năm là ổn. Doanh nghiệp, cá nhân vẫn muốn lãi suất vay giảm thấp hơn nhưng nếu vậy, sẽ dẫn đến việc cho vay dễ dãi. Doanh nghiệp cũng phải tính vay sao cho hiệu quả chứ đừng vay rồi đầu tư không hợp lý. Điều này đã xảy ra vào những năm có mức lãi suất vay thấp”, ông Hiển cảnh báo và cho rằng trong năm 2024, lãi suất không có lý do gì để giảm sâu thêm vì kinh tế sẽ dần hồi phục tốt hơn thì nhu cầu vốn cũng vì thế tăng lên. Ngân hàng cũng cần phải huy động vốn đáp ứng tín dụng đối với các tổ chức, cá nhân.

“Kỳ vọng lãi suất huy động duy trì ở mức 5%/năm là hợp lý, mức này duy trì trong thời gian 5 năm sẽ hỗ trợ cho việc tăng trưởng kinh tế. Với mức lãi suất huy động như vậy, kênh trái phiếu sẽ hấp dẫn trở lại khi có mức lãi suất từ 8 – 9%/năm, bởi cao hơn lãi suất tiết kiệm khoảng 30%. Hai kênh tiết kiệm và trái phiếu sẽ là đối trọng nhưng trái phiếu không hẳn hút hơn kênh tiết kiệm bởi mức độ rủi ro cao hơn”, ông Hiển dự báo.

Kỳ vọng lãi suất huy động duy trì ở mức 5%/năm là hợp lý, mức này duy trì trong thời gian 5 năm sẽ hỗ trợ cho việc tăng trưởng kinh tế. Với mức lãi suất huy động như vậy, kênh trái phiếu sẽ hấp dẫn trở lại khi có mức lãi suất từ 8 – 9%/năm, bởi cao hơn lãi suất tiết kiệm khoảng 30%. Hai kênh tiết kiệm và trái phiếu sẽ là đối trọng nhưng trái phiếu không hẳn hút hơn kênh tiết kiệm bởi mức độ rủi ro cao hơn. – Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 bình quân khoảng 4 – 4,5% nên mức lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay ở mức trên 5%/năm, theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) là vẫn thực dương. Trong những năm trước đã xảy ra hiện tượng lãi suất thực âm khi lạm phát tăng cao. Thế nhưng các kênh đầu tư không hấp dẫn, tâm lý sợ rủi ro gia tăng nên tiền vẫn tìm đến tiết kiệm để trú ẩn.

Mặc dù dự báo lãi suất tiết kiệm năm 2024 giảm nhẹ chứ không còn mạnh như năm 2023, thế nhưng ông Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng sẽ không lường trước được lãi suất sẽ về 0%. Lãi suất tiết kiệm hiện nay 1,7% tính trên 12 tháng thì mỗi tháng lãi là 0,14%. Trong bối cảnh các ngân hàng đang thanh khoản dồi dào, tiền huy động dư thừa không cho vay ra được thì ngân hàng sẽ hạn chế huy động vốn. Điều này dẫn đến nguy cơ lãi suất sẽ giảm xuống sát 0% trong ngắn hạn. “NHNN không thực hiện hút tiền về thì khả năng lãi suất tiết kiệm đi xuống là điều khó tránh khỏi”, ông Huân bình luận.

Lãi suất dự báo giảm trong năm 2024

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 1/2024 do Vụ Dự báo thống kê NHNN công bố, mặt bằng lãi suất huy động – cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3 – 0,4% trong quý 1/2024 và giảm 0,2% trong cả năm 2024. Huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý 1/2024 và tăng 12,1% trong năm 2024, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý 1/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4% so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước. Các ngân hàng đánh giá rủi ro khách hàng trong quý 1 vẫn tăng so với quý trước đó nhưng tốc độ tăng đang chậm dần lại và có thể giảm trong năm 2024.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: