Nghịch lý lợi nhuận nhà băng nội – ngoại


Các báo cáo tài chính năm 2021 được công bố, lợi nhuận của các NH ngoại tại Việt Nam lép vế so với các NH nội. Tuy nhiên, các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của nhóm NH ngoại lại là mơ ước của nhiều NH nội.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

NH nội: lợi nhuận khả quan hơn

Năm tài chính 2021, trong số 9 NH 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có 4 NH công bố báo cáo tài chính cả năm. Trong đó, NH TNHH MTV Shinhan (Shinhan Việt Nam) và Public Bank Việt Nam có lợi nhuận tăng trưởng.

Cụ thể, Shinhan Việt Nam có lợi nhuận trước thuế đạt 3.161 tỷ đồng, tăng 3%; còn Public Bank Việt Nam lãi trước thuế 476 tỷ đồng, tăng 13% so với 2020.

Trong khi đó, 2 NH ngoại còn lại ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm. Theo báo cáo tài chính năm 2021 của NH TNHH MTV ANZ Việt Nam (ANZ Việt Nam) công bố mới đây, lợi nhuận trước thuế đạt 87,8 tỷ đồng, giảm gần 78% so với 2020. Năm 2020, ANZ cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 16%, đạt 391 tỷ đồng so với năm 2019 tăng mạnh gần 92% (hơn 467 tỷ đồng).

Năm 2021 cũng ghi nhận lợi nhuận thấp nhất trong vòng 4 năm từ sau khi ANZ Việt Nam bán mảng bán lẻ cho Shinhan Bank.

Tương tự, NH TNHH MTV HSBC Việt Nam liên tục ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong 3 năm gần đây. Theo báo cáo tài chính năm 2021, lợi nhuận trước thuế của NH này sụt giảm 17% so với 2020, xuống còn 1.647 tỷ đồng.

Năm 2020, NH lãi trước thuế 1.985 tỷ đồng, giảm 33% so với 2019, dù chi phí dự phòng rủi ro cũng giảm mạnh 78% xuống còn 25 tỷ đồng.

Cùng thời điểm chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng lợi nhuận của các NH nội khả quan hơn NH ngoại, chủ yếu tập trung ở nhóm NHTMCP quy mô nhỏ. Năm 2021 nhiều NHTMCP đã tăng trưởng lợi nhuận ở mức 3 con số, như Kienlongbank với mức tăng 558%, đạt 1.010 tỷ đồng, SeABank tăng 132%, MSB tăng 102% và VietABank tăng 107%.

Đồng thời, nhóm 10 NH có lãi trước thuế cao nhất (gồm Vietcombank, Techcombank, VietinBank, MB, VPBank, Agribank, BIDV, ACB, HDBank và VIB) có 6 NH lãi trên 10.000 tỷ đồng. Tính chung, tổng lợi nhuận nhóm này lên đến 154.721 tỷ đồng.

Một điều dễ nhận thấy, các NHTM trong nước sau khi tăng mạnh lợi nhuận trong đại dịch Covid-19 đã đặt kế hoạch lợi nhuận tăng gấp đôi, gấp 3 trong năm nay. Đi kèm với mục tiêu đó, các nhà băng không ngừng tính đến việc tăng vốn để đáp ứng các tỷ lệ đảm bao an toàn hoạt động theo quy định của NHNN. Bởi NH nội vốn mỏng, nhưng nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế rất lớn và mong muốn bành trướng cũng nhiều.

NH ngoại: chuẩn an toàn cao hơn

Về hoạt động của NH 100% nước ngoài, năm 2021 ANZ Việt Nam đã tăng trưởng tín dụng ở mức 23,8%. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần lại giảm 32% so với cùng kỳ xuống còn 323 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro tăng gần 40% lên 67 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối lần lượt giảm 25,6% và 36%, xuống còn 25,8 và 155,5 tỷ đồng.

Lãi thuần chứng khoán kinh doanh và hoạt động kinh doanh khác giảm mạnh 85% và 69%, xuống còn 8,4 và 7,9 tỷ đồng. Theo đó, tổng thu nhập chỉ đạt 550 tỷ đồng, giảm 39%.

Trong khi đó, thu nhập lãi thuần năm 2021 của HSBC Việt Nam đạt 2.505 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 14% đạt 783 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 53% lên 1.059 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh khác có lãi 113 tỷ đồng, tăng 5,3%. Song chi phí dự phòng của HSBC tăng vọt lên 279 tỷ đồng, gấp 11 lần so với năm 2020.

Mặc dù kết quả kinh doanh không khả quan bằng NH nội, nhưng các chỉ tiêu an toàn của nhóm NH ngoại lại rất nổi trội. Theo số liệu gần nhất của NHNN, tại thời điểm tháng 9-2021, trong nhóm NH áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN, tỷ lệ an toàn vốn của các NH nước ngoài 18,94%, trong khi của NHTMCP 11,38% và các NHTM có vốn nhà nước 9,17%.

Còn trong nhóm NH áp dụng Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ an toàn vốn của các NH nước ngoài 26,8%, NHTMCP 9,53% và NHTM có vốn nhà nước 10,83%.

Đáng nói, các NH ngoại dù tăng trưởng âm lại có tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Như ANZ Việt Nam kinh doanh ảm đạm nhưng tại thời điểm cuối năm 2021, hệ số CAR đạt 15,71%, là NH duy nhất trong hệ thống không có nợ xấu.

Những năm gần đây, các NH ngoại có xu hướng rút dần khỏi mảng bán lẻ của Việt Nam. Ngoài ANZ Việt Nam, Citi Group cũng có kế hoạch thu hẹp đáng kể hoạt động trong mảng NH tiêu dùng trên toàn cầu, chuyển trọng tâm sang mảng quản lý tài sản. Cụ thể, Citi Group sẽ rút khỏi Trung Quốc, Ấn Độ và 11 thị trường bán lẻ khác, bao gồm Việt Nam.

Nguyên nhân được chỉ ra do lãi suất huy động của Việt Nam cao, trong khi cho vay cá nhân, hộ kinh doanh tiềm ẩn rủi ro nợ xấu lớn, khiến dòng vốn khó sinh lời. Chuộng cho vay mảng bán lẻ tại Việt Nam chủ yếu các NH đến từ châu Á, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngược lại, các NH nội đều tuyên bố sẽ chuyển trọng tâm từ bán buôn sang bán lẻ. Dễ hiểu vì bán lẻ mang lại nhiều lợi ích, như sẽ thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn với chi phí rẻ hơn, cho vay bán lẻ lãi suất cao hơn bán buôn… Trên thực tế, các NH này vẫn đi “hai chân” cả bán buôn và bán lẻ bằng nhiều hình thức để phục vụ mục tiêu tăng lợi nhuận.

Vòng xoáy của các NHTM hiện nay là chạy đua cho vay tạo ra lợi nhuận, sau đó chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, từ đó cân bằng các tỷ lệ an toàn vốn và tạo thêm dòng tiền cho vay. Điều này cho thấy, áp lực tạo ra lợi nhuận khủng để báo cáo với cổ đông của NH nội càng ngày càng lớn.

Theo nhiều chuyên gia, tác động của đại dịch đối với ngành NH có độ trễ. Vì vậy, có thể những con số lợi nhuận của NH nội lúc này chỉ là các số liệu tạm thời do các NH chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và nợ xấu chưa lộ diện rõ.

Cùng trong hoàn cảnh đại dịch, NH nước ngoài liên tục tăng trưởng âm nhưng NH trong nước liên tục lãi lớn, phải chăng là do khác biệt về quan điểm kinh doanh, hay do quan điểm lập sổ sách để báo cáo cổ đông và hiện thực hóa mục tiêu tăng vốn điều lệ?

 NH nội có lợi nhuận khủng do chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và nợ xấu chưa lộ diện, trong khi NH ngoại tăng trưởng âm lại có tỷ lệ nợ xấu rất thấp.

Cát Tường

Theo: saigondautu.com.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: