SCB giống tên những ngân hàng nào?


Không những Sacombank, một số ngân hàng khác cũng đã lên tiếng về tên gọi và mã giao dịch chứng khoán không phải SCB. Hãy cùng nhìn lại những cái tên ngân hàng na ná, khá giống nhau từ viết tắt đến tên gọi.

Sau khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) phát đi thông báo khẳng định Sacombank và SCB là hai ngân hàng hoàn toàn khác nhau, nhằm tránh gây nhầm lẫn với khách hàng, nhà đầu tư và đối tác. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương cũng lên tiếng tên viết tắt của ngân hàng là Saigonbank, mã chứng khoán là SGB.

Saigonbank là ngân hàng cổ phần Việt Nam đầu tiên được thành lập trong hệ thống ngân hàng cổ phần tại Việt Nam, ra đời ngày 16.10.1987. Trụ sở chính tại TP.HCM. Vốn điều lệ ban đầu của nhà băng này là 650 triệu đồng, nay lên 3.080 tỉ đồng.

Số lượng cổ đông của Saigonbank vào cuối năm 2021 là 4.368 cổ đông nắm giữ 308 triệu cổ phần. Trong đó có 4 cổ đông lớn nắm 65,26% cổ phần, còn lại là cổ đông nhỏ. Cơ cấu cổ đông có 50 pháp nhân, trong đó có 10 doanh nghiệp nhà nước, 6 đoàn thể (chiếm 65,54% vốn điều lệ), 34 pháp nhân khác; ngoài ra có 10 cổ đông nước ngoài chiếm 4,96%.


Sacombank và SCB là hai ngân hàng khác nhau

NGỌC THẠCH

Một ngân hàng khác cũng có 2 trong 3 chữ cái viết tắt giống SCB, đó là SHB. Tên đầy đủ của SHB là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội. Chủ tịch Hội đồng quản trị của nhà băng này là ông Đỗ Quang Hiển, hay còn gọi là “bầu Hiển”. SHB có trụ sở tại Hà Nội. Vốn điều lệ hiện tại của SHB là 26.674 tỉ đồng. Cổ đông lớn của ngân hàng là Công ty CP Tập đoàn T&T. Tương tự, tên viết tắt SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng dễ bị nhầm với các ngân hàng trên.

Trong hệ thống ngân hàng, những cái tên viết tắt 3 chữ cái khá giống nhau, dễ gây nhầm lẫn. Chẳng hạn, ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu) – NCB (Ngân hàng TMCP Quốc Dân) – TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam) – VCB (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam).

Ngoài ra, còn có những cặp tên khi đọc lên phát âm dễ nhầm như OceanBank (Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương) và OCB (Ngân hàng TMCP Phương Đông); GPBank (Ngân Hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu) và PG Bank (Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex); MB (Ngân hàng TMCP Quân Đội) và MSB (Ngân hàng TMCP Hàng Hải). Các cặp tên khác như VPBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) và Pvcombank (Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam); Vietinbank (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam) và Ngân hàng TMCP Việt Nam thương tín (VietBank).

Những tên gọi khá giống nhau như Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB) với Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIETBANK); Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SaABank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NAM A BANK), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank).

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: