Mặc dù đã có nhiều chỉ đạo từ phía Chính phủ về việc ưu tiên thu xếp vốn cho ngành bất động sản, thế nhưng việc tiếp cận, vay vốn của doanh nghiệp bất động sản vẫn vô cùng khó khăn, kể cả với các dự án khả thi. Siết bằng điều kiện vay Khi được hỏi về việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để phát triển dự án, lãnh đạo Công ty T.T nói thẳng: “Còn khó hơn lên trời”. Các nhà băng đều trả lời chỉ cần hồ sơ đủ điều kiện là có thể giải ngân. Tuy nhiên, điều kiện mà họ đưa ra là dự án phải đóng xong tiền sử dụng đất, đã có sổ đỏ và phải có giấy phép xây dựng. “Nhưng để ra được giấy phép xây dựng phải mất mấy năm. Đến đó thì doanh nghiệp (DN) đã chết rồi. Mà nếu có giấy phép xây dựng, DN có thể bán hàng huy động vốn từ khách hàng, đâu cần phải vay ngân hàng. Chúng tôi làm hồ sơ vay khoảng 1.000 tỉ đồng cho dự án ở TP.HCM nhưng mãi chưa được giải ngân vì dự án chưa có giấy phép xây dựng. Cứ loay hoay câu chuyện con gà và quả trứng”, lãnh đạo Công ty T.T cho biết. Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản vẫn còn vô vàn khó khăn ĐÌNH SƠN Cũng câu hỏi này đặt lên bàn lãnh đạo Công ty địa ốc T.L, vị này cười lớn trả lời: “Khó vô cùng”. Kể lại việc làm hồ sơ vay ngân hàng 1.500 tỉ đồng cho dự án ở TP.Thủ Đức đã 8 tháng nay vẫn chưa được giải ngân, vị này kể: “Ngân hàng không trả lời là không cho vay, nhưng hồ sơ nâng lên đặt xuống mãi. Thậm chí họ còn xem chúng tôi đền bù đất có đúng không trong khi chuyện này là trách nhiệm của DN. Nếu chúng tôi làm sai, chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dự án công ty đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đóng tiền sử dụng đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã được duyệt quy hoạch 1/500… Nghĩa là theo luật là đủ điều kiện nhưng ngân hàng vẫn dây dưa kéo dài không cấp tín dụng. Nhiều khu đất công ty có sổ đỏ, có phương án kinh doanh đảm bảo trả nợ gốc và lãi nhưng vẫn không cho vay. Chính vì vậy, chúng tôi phải bán rẻ các lô đất để thu tiền về trả nợ ngân hàng và lấy tiền để triển khai các dự án đang xây dựng dở dang. DN quanh năm suốt tháng làm việc với ngân hàng nhưng không vay được thì người dân làm sao mà vay được”, lãnh đạo Công ty địa ốc T.L nói. Lãnh đạo Tập đoàn H.T cho biết, bắt tay vào làm hồ sơ vay vốn mới thấy điều kiện hiện khó khăn hơn, ngặt nghèo hơn dù các ngân hàng luôn trả lời sẵn sàng cho vay. Theo đó, để được ngân hàng cho vay, dự án phải đáp ứng đủ điều kiện về mặt pháp lý, mà cụ thể là phải có giấy phép xây dựng. Nhưng một dự án muốn có giấy phép xây dựng phải đóng tiền sử dụng đất, thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Tiền sử dụng đất thì đã “tắc” lâu nay không biết đến bao giờ mới xong vì cách tính không rõ ràng. Thậm chí Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Tài chính cũng không đưa ra được số tiền DN phải đóng nên muốn đóng cũng không được. “Trước đây ngân hàng tài trợ cho vay khi dự án chỉ cần phê duyệt 1/500 hoặc dự án có sổ đỏ toàn khu đất, có quyết định cho chuyển nhượng dự án. Nhưng nay ngân hàng đang lo DN không xin được giấy phép xây dựng, DN không có nguồn thu để trả nợ nên không dám cho vay”, vị này cho biết. Không chỉ hồ sơ lớn, những hồ sơ vay số tiền nhỏ cũng khó. Cách đây hơn 2 tháng, chị Huệ, chủ Công ty bất động sản (BĐS) Thy Huệ đang làm hàng loạt dự án ở tỉnh Lâm Đồng, đã chạy đôn chạy đáo gửi hồ sơ vay vốn đến 4 ngân hàng để vay số tiền 20 tỉ đồng. Tài sản mà chị Huệ thế chấp ngân hàng là sổ đỏ từng nền đất tại các dự án chị đang triển khai. Thế nhưng đến nay, ngân hàng vẫn đang đi thẩm định, chưa quyết định cho vay và cũng chưa biết có vay được hay không. Tiếp cận vốn ngày càng khó khăn Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay của DN BĐS là dòng tiền. Vì thế, Chính phủ cần có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước trong việc tháo gỡ chính sách tín dụng cho thị trường BĐS. Bộ Tài chính nên có sàn giao dịch trái phiếu dưới sự giám sát của bộ, đồng thời đẩy mạnh phát triển các quỹ đầu tư BĐS chứ không thể trông chờ vào một kênh tín dụng. “Dòng vốn là một trong những khó khăn lớn nhất của DN BĐS hiện nay. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước có nhiều thông tư tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là việc giãn nợ, giảm lãi suất, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tuy vậy, việc tiếp cận vốn của DN ngày càng khó khăn”, ông Châu nói. Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), BĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, liên quan mật thiết đến nhiều ngành nghề khác như xây dựng, tài chính, du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, thị trường vốn… Tuy nhiên, năm 2022 vẫn là năm các DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý (như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn…). Hoạt động của các DN kinh doanh BĐS đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều DN phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai dự án. Bên cạnh đó, khách hàng mua BĐS cũng khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến thanh khoản trên thị trường. “Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, đề xuất phương án điều hành room tín dụng phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng cần hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với các DN, dự án BĐS đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình BĐS phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ”, ông Hoàng Hải kiến nghị. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, phân tích thêm: Đáng lo ngại, tới đây, việc tiếp cận vốn của DN BĐS sẽ ngày càng khó khăn, bởi từ 1.10.2022 theo Thông tư 22 quy định các giới hạn, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Đến 1.10.2023 sẽ tiếp tục giảm còn 30%. Điều này có nghĩa ngân hàng thương mại có 10 đồng thì chỉ được dùng 30 đồng cho vay trung và dài hạn, nguồn vốn mà các BĐS cần. Nguồn lực cho vay ngày càng ít đi trong khi các DN đang kiệt quệ. Năm 2023 là năm bản lề, mang ý nghĩa sống còn với DN BĐS. Nếu được gỡ khó, DN sẽ hồi phục, còn nếu không, rất nhiều DN sẽ phải rời cuộc chơi. Theo Thanh Niên Online