Nhờ trồng giống mít không hạt, ông Trần Minh Mẫn (tên thường gọi Út Mẫn) thu cả tỷ đồng mỗi năm Từ một giống mít “lạ”, một nông dân ngụ phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ đã thực sự thoát nghèo ở tuổi thất thập. Không những vậy, người nông dân ấy còn được bình chọn là 1 trong 24 gương mặt tiêu biểu của cả nước sau 30 năm đổi mới lĩnh vực nông nghiệp. Danh tiếng về chú út Mẫn và trái mít không hạt Ba Láng chắc hẳn nhiều người đã từng nghe tới. Có thể nói rằng, ở miền Tây không có nông dân nào dạn dày kinh nghiệm về mít không hạt như ông. Giống mít lạ không khó trồng nhưng cây sợ nước. Chăm đúng cách, ra trái non tầm 6 tháng là có thể thu hoạch. Hiện nay, ông Út Mẫn là đầu mối phân phối cây giống và chia sẻ kinh nghiệm cho những nhà vườn cùng chí hướng. Mỗi năm có hàng chục ngàn cây con theo xe đường dài từ Nam ra Bắc. Tên gọi mít “lạ” Út Mẫn ông cũng không giữ cho riêng mình. Nó được thay bằng danh xưng “Mít không hạt Ba Láng” – một cách ông lão tri điền trả ơn cho vùng đất quê, quanh năm khí hậu ôn hòa, thiên nhiên ưu đãi. Ông Trần Minh Mẫn được bình chọn là 1 trong 24 gương mặt nông dân tiêu biểu trong 30 năm đổi mới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và 5 năm chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam”. Lão nông Út Mẫn kể, năm 2007, do 1ha vườn sầu riêng của gia đình đã thoái hóa nên ông quyết định đi tìm giống cây mới để thay thế. Trong lần đi dự hội thảo tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, ông ghé thăm nhà một người bạn ở tỉnh Tiền Giang và được người bạn giới thiệu về một giống mít độc đáo có 1 không 2 ở Việt Nam, có nguồn gốc từ Myanmar. Thấy giống mít quý và hiếm, lần đầu tiên ông nghe và nhìn thấy dù có mấy chục năm kinh nghiệm, hiểu biết làm vườn, ông cảm nhận rằng dường như đây là cây duy nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên ông nhanh chóng xin người bạn cho chiết nhánh đem về quê trồng. Theo ông Mẫn, số lượng đặt hàng mua mít trái và cây giống của ông ngày càng tăng, khách tìm đến nhà ông không chỉ ở các vùng miền trong cả nước mà có cả người nước ngoài. Sau thời gian dài trồng xen, nhân giống và chăm sóc trong vườn sầu riêng, ông Mẫn thu được 70 cây mít giống. “Bao nhiêu ngày chăm số cây mít giống quý này là bấy nhiêu ngày tui thấp thỏm chờ mong. Trong quá trình chăm sóc, tôi đặt hết hy vọng về việc gia đình sẽ thay đổi cuộc sống vào những cây mít giống mới này nên nhiều ngày tui ăn, ngủ ngoài vườn mít. Tui luôn theo sát, ghi chép lại quá trình phát triển, liều lượng phân bón, thuốc xịt mà tui dùng cho cây suốt 3 năm đầu trồng” – ông Mẫn nhớ lại. Nhờ ông có kinh nghiệm làm vườn và cần cù nên những “đứa con tinh thần” ấy không phụ công chăm sóc. Những cây mít đến từ “đất nước vạn chùa-Myanmar) cho trái với năng suất khá cao. Điểm đặc biệt ở giống mít này là khi xẻ trái sẽ không có mủ; múi và xơ (có thể ăn cả xơ) có màu vàng, cơm dày, vị ngọt thanh… Những trái mít không hạt trong khu vườn của ông Mẫn có thể nặng hơn 20kg, vỏ mít có màu xanh, tỏa mùi thơm nhẹ, khi xẻ ra sẽ không hạt, không có mủ, múi và xơ (có thể ăn cả xơ) có màu vàng, cơm dày, vị ngọt thanh,…; giá bán tới 50.000 đồng/kg. Với giá này, khách hàng phải trả hơn triệu đồng với một trái mít nhưng vẫn đông khách. Ngoài cung cấp mít thành phẩm, ông Út Mẫn tập trung ghép mắt làm cây giống cung cấp cho các hộ xung quanh để nhân rộng giống mít quý. Ban đầu chỉ ở khu vực Ba Láng nhưng hiện cây giống xuất bán khắp các tỉnh thành trong cả nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài với giá bán 35.000 đồng/cây. Mỗi năm ông cung cấp khoảng 40.000 cây giống, thu nhập 1,4 tỷ đồng. “Tuổi tôi đã cao, không gì hơn ngoài việc đưa sản phẩm của quê hương đi xa, được người dân nhiều nơi tiếp nhận, thay thế cây mít truyền thống cho lợi nhuận thấp, từ đó thay đổi cuộc sống như tôi” – ông Mẫn chia sẻ. Theo: nld.com.vn