Doanh nghiệp e ngại quy định ‘không quá 2 người một bàn’


TP.HCM dự kiến cho phép hàng quán tại địa phương an toàn được phục vụ tại chỗ vào tuần sau, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn lo ngại nếu các quy định mở lại quá khắt khe.

Ngày 22/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết dự kiến tuần tới, thành phố cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ ở một số khu vực kiểm soát được dịch.

Mới đây, Sở Công thương TP.HCM cũng kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP được mở cửa hoạt động bình thường. Điều kiện là đáp ứng các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của ngành y tế và theo bộ tiêu chí riêng mà thành phố đã ban hành cho từng lĩnh vực.

Đồng thời các hàng quán sẽ hoạt động đến trước 21h, với công suất phục vụ tối đa 50%. Mật độ phục vụ không quá 2 người/bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2 m.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cho biết họ vẫn lo ngại, cân nhắc mở cửa bán tại chỗ nếu thành phố đưa ra các quy định khắt khe.

Nhiều doanh nghiệp cho biết khó đáp ứng được quy định 2 người/bàn khi khách hàng là hộ gia đình, đi theo nhóm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đuối sức vì chỉ được bán mang đi

Trao đổi với Zing, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho biết trong thời gian qua, cả hai hệ thống không gian Trung Nguyên Legend và Trung Nguyên E-Coffee đều triển khai hình thức bán mang về theo quy định của các cơ quan chức năng.

“Tuy nhiên, cả hai hệ thống này đều phải đối mặt với nhiều khó khăn chung khi lượng khách bị giảm đột biến do việc giao nhận hàng khó khăn, giá vận chuyển tăng và nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi đại dịch”, doanh nghiệp này thông tin.

Đồng thời, các hệ thống cửa hàng cũng chịu chi phí vận hành cao khi vẫn phải duy trì mặt bằng, chi phí nhân sự, điện, nước….

Để gia tăng hiệu quả kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bên cạnh việc đẩy mạnh các mặt hàng cà phê đóng gói sẵn để khách hàng có thể mua về tự pha chế, Trung Nguyên Legend cho biết đã nhanh chóng cho ra đời dòng sản phẩm cà phê Success đóng chai mang đi.

Cơ quan chức năng nên trao quyền quản lý, tự chịu trách nhiệm cho mỗi doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, bởi nếu có vấn đề phát sinh ca nhiễm, đơn vị đó sẽ phải đóng cửa và bị ảnh hưởng doanh thu. – Ông Lê Hoài Nam – Giám đốc điều hành Công ty GRS Việt Nam

Tương tự, ông Lê Hoài Nam – Giám đốc điều hành Công ty GRS Việt Nam, đơn vị sở hữu 130 nhà hàng kinh doanh các chuỗi thương hiệu Dairy Queen, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab, The Coffee Club – cho biết hiện nay doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về nhân sự, nguồn hàng nhập khẩu, quy định test nhanh Covid-19…

Về vấn đề chỉ được bán mang đi, đại diện doanh nghiệp này cho biết chi phí vận hành, phát sinh tại các nhà hàng rất lớn khi chỉ được phép bán mang đi.

“Khi phục vụ tại chỗ, các cửa hàng chỉ tốn chi phí cho nhân viên phục vụ nhưng khi bán mang về, doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí bao bì đạt chuẩn quốc tế”, ông Lê Hoài Nam nói.

“Đặc biệt là chi phí cho đối tác giao hàng công nghệ ở mức 15-25% trên doanh số bán ra”, ông Nam cho biết thêm. Giám đốc GRS Việt Nam còn khẳng định các ứng dụng giao hàng cũng gặp khó khăn về lực lượng tài xế.

Các chuỗi cửa hàng F&B lớn ở TP.HCM như Trung Nguyên Legend, Starbucks Coffee, Highlands Coffee… đều mong chờ ngày được cho phép bán tại chỗ. Ảnh: Phương Lâm.

Bên cạnh đó, ông Nam nhấn mạnh đặc thù của các nhà hàng là phục vụ tại chỗ. Ngoài đồ ăn ngon, khách hàng còn muốn trải nghiệm không gian, sự phục vụ chu đáo. Hiện nhà hàng chỉ được phép bán mang đi và khách hàng vẫn phải trả tiền như ăn uống tại chỗ.

“Hiện, vấn đề nhân sự vẫn là khó khăn, thông thường một nhà hàng sẽ có 30 nhân viên nhưng khi mở cửa trở lại chỉ có dưới 10 nhân viên, thậm chí một số cơ sở chỉ có 4 nhân viên. Chưa kể việc tiêm vaccine cho lực lượng này cũng gặp một số chậm trễ”, ông nói và cho biết khi việc đi lại giữa các tỉnh dễ dàng, số lượng lao động sẽ cải thiện.

CEO Công ty TNHH Gong Cha Việt Nam Nguyễn Hoài Phương cũng cho biết đa số khách hàng đều muốn được ngồi tại chỗ để thưởng thức cùng bạn bè và người thân hơn là mua mang về. Đặc biệt, việc chỉ bán mang về chưa được tận dụng hết, dẫn đến chi phí thanh toán cho mặt bằng vẫn cao so với nguồn thu nhập của cửa hàng.

Vẫn nhiều lo ngại

Đại diện Công ty GRS Việt Nam cho rằng trong tiêu chí số 6 thuộc Công văn 3326 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM quy định khu vực phục vụ ăn uống đảm bảo mật độ tối thiểu 4 m2/người gây khó cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

“Bình thường một nhà hàng có thể phục vụ tối đa 80 chỗ ngồi trong cùng một thời điểm nhưng với quy định đó chỉ có thể phục vụ được 25 chỗ. Hơn nữa, điều kiện này cũng sẽ gây khó cho các khách hàng đi theo gia đình, sở dĩ họ ở cùng nhà, ăn uống, sinh hoạt cùng nhau nhưng khi đi ăn lại yêu cầu ngồi cách nhau 2 m hoặc chỉ được ngồi 2 người/bàn”, ông nói với Zing.

Theo ông, nếu khách hàng là hộ gia đình nên cho phép họ ngồi cùng một bàn, tuy nhiên giữa các bàn vẫn phải giữ khoảng cách 2 m để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

“Cơ quan chức năng nên trao quyền quản lý, tự chịu trách nhiệm cho mỗi doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, bởi nếu có vấn đề phát sinh ca nhiễm, đơn vị đó sẽ phải đóng cửa và bị ảnh hưởng doanh thu”, ông Nam đề xuất.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp F&B phải cắt giảm số lượng cửa hàng. Ảnh: Phương Lâm.

Về tính hiệu quả kinh doanh khi mở bán tại chỗ với 50% công suất của các hệ thống chuỗi quán chuyên bán tại chỗ, Trung Nguyên Legend cho rằng khó có thể đảm bảo.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và tạo sự thích ứng dần khi sống chung với dịch bệnh. Hơn nữa, đây cũng sẽ là cơ hội để Trung Nguyên Legend đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thích nghi và chuyển đổi phương thức kinh doanh mới”, đại diện tập đoàn này khẳng định.

Khi được phép mở bán tại chỗ, các chuỗi cửa hàng của doanh nghiệp sẽ tuân thủ các quy định chung của chính phủ và cơ quan địa phương như nhân viên đều có thẻ xanh Covid-19, xét nghiệm theo định kỳ, quét QR code khai báo y tế và tuân thủ quy định 5K.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) – cũng nhìn nhận trong đề xuất của Sở Công Thương, cơ quan quản lý đang khá thận trọng trong việc nới lỏng hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Tỷ trọng các lĩnh vực dịch vụ chiếm trên 60% GRDP của TP.HCM. Do đó, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khôi phục, phát triển và tiếp tục đóng góp vào ngân sách của thành phố. – Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM

Tuy nhiên, ông Kỳ cho biết điều quan trọng hiện nay là quyết định từ phía thành phố, lãnh đạo TP có tin rằng địa phương đã an toàn hay chưa? “Quan điểm của hiệp hội là cần mạnh dạn nới lỏng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa. Ở những vùng an toàn có thể cho hoạt động 100% công suất”, ông đề xuất.

Chia sẻ với Zing, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM – cho biết tỷ trọng các lĩnh vực dịch vụ chiếm trên 60% GRDP của TP.HCM do đó cần phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khôi phục, phát triển và tiếp tục đóng góp vào ngân sách của thành phố.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng việc mở cửa cũng cần phải có lộ trình vì tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở riêng TP.HCM vẫn rất phức tạp. “Riêng về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống khi mở cửa trở lại phải cân nhắc 3 yếu tố. Thứ nhất là chi phí mặt bằng, đây là chi phí rất lớn khi mở cửa trở lại bởi nếu phải đóng lại lần nữa sẽ khiến các đơn vị phải cân nhắc”, ông nhìn nhận.

Vấn đề thứ 2 là nhân công phục vụ bởi hiện nay những lao động thông thường ở các tỉnh đã về quê rất nhiều, khi doanh nghiệp mở cửa trở lại sẽ gặp thách thức về nguồn nhân lực.

Chưa kể, hiện nay lượng khách hàng cũng sẽ bị giới hạn vì họ sẽ có tâm lý thắt chặt chi tiêu sau dịch bệnh. “Nhu cầu ăn uống tại chỗ sẽ tăng tạm thời khi được mở cửa bán tại chỗ nhưng khả năng để lượng khách tăng ổn định như trước sẽ cần thời gian dài”, ông nói. Ông cho rằng người kinh doanh phải tính toán kỹ càng trước khi quyết định mở cửa trở lại.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: