Hồi sinh chợ truyền thống


Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM đang không ngừng đổi mới, linh hoạt áp dụng khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho khách hàng, chấp nhận thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử…

Vừa kết thúc đợt khuyến mãi kéo dài gần 1 tháng (từ ngày 15-6 đến nay), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) đang chuẩn bị cho đợt khuyến mãi mới đối với ngành hàng gia dụng, sành sứ, bách hóa. “Đã có một số tiểu thương đăng ký khuyến mãi như “mua 300.000 đồng hàng hóa được tặng 1 ly nhựa trị giá hơn 100.000 đồng”, “mua nước giặt được tặng nước lau sàn”…” – chị Đàm Vân, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, cho biết.

Chợ khuyến mãi như siêu thị

Chợ Nguyễn Tri Phương là một trong những chợ truyền thống tích cực hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung Shopping Season của TP HCM đợt này. Từ ngày 15-6, nhiều tiểu thương ngành hàng thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm, giày dép, quần áo… đã treo bảng giảm giá 5%-20%, có sạp giảm giá đến 50% và gặt hái thành công ngoài mong đợi. “Lượng khách đến chợ tăng khoảng 30% so với trước đó và tăng 70%-80% so với thời điểm sau dịch COVID-19. Các sạp rau củ, thịt, cá có khuyến mãi luôn bán hết hàng, hầu như không còn hàng tồn, hàng ế như trước, bà con tiểu thương rất vui” – chị Đàm Vân cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, sạp 134B, phấn khởi cho biết nhiều khách hàng đi từ bất ngờ đến vui vẻ khi được mua tôm khô, cá khô… giảm giá 5%. Kinh doanh ở chợ đã nhiều năm, chị Thúy có nhiều khách hàng “ruột” và luôn chủ động “bớt chút đỉnh” cho khách vui. “Nhưng khi tôi treo bảng giảm giá công khai thì khách thích hơn, yên tâm mua sắm hơn. Nhiều sạp cùng khuyến mãi, khách biết đến chương trình nhiều hơn thành ra chợ đông vui, có sinh khí hơn hẳn” – chị Thúy nói.

Tiểu thương chợ truyền thống bán hàng khuyến mãi để thu hút khách Ảnh: THANH NHÂN

Để duy trì và gia tăng lượng khách đi chợ, Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương đang có kế hoạch vận động tiểu thương tham gia khuyến mãi thường xuyên. Cụ thể, ban quản lý chợ sẽ làm bảng khuyến mãi cho tiểu thương, đưa thông tin khuyến mãi công khai lên các nhóm chat… Ngoài ra, mỗi ngày ban quản lý sẽ phát loa thông báo quầy sạp có khuyến mãi để khách hàng biết, tìm đến mua sắm. Ban quản lý cũng vận động tiểu thương áp dụng thanh toán không tiền mặt. “Những nỗ lực hiện tại nhằm tập trung vô nhóm khách hàng thường xuyên, trung thành với chợ. Ban quản lý xác định cần thêm nhiều thời gian lẫn giải pháp để kéo khách đến chợ nhiều hơn nữa” – chị Đàm Vân bày tỏ.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, tại các chợ truyền thống như Xóm Chiếu (quận 4), Thị Nghè (Bình Thạnh), Bến Thành (quận 1), Hòa Hưng (quận 10)…, nhiều tiểu thương sẵn sàng giảm lợi nhuận để làm khuyến mãi. Trong đó, phổ biến nhất là giảm giá trực tiếp hoặc tặng quà thiết thực cho khách hàng. Chợ Xóm Chiếu có đến 300 tiểu thương tham gia khuyến mãi cho hơn 800 sản phẩm, chủ yếu là giảm giá 10% – 20% trên tổng hóa đơn hoặc tặng kèm sản phẩm phụ như gia vị, rau củ, hóa phẩm. Chợ Bà Chiểu đang vận động thêm nhiều tiểu thương kinh doanh 600 quầy sạp tham gia khuyến mãi.

Làm mới không gian mua sắm

Theo phản ánh của các tiểu thương, hầu hết chợ truyền thống xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp kịp thời khiến khách hàng ngại vào chợ. Nếu được sửa chữa hoặc xây mới, sạch đẹp, hiện đại hơn thì tiểu thương sẽ dễ buôn bán hơn.

Thực tế, một số chợ sau khi được “thay áo mới” đã dần “thay da đổi thịt”, từng bước hồi sinh. Chợ Bến Thành (quận 1) sau khi sơn sửa, tu bổ khang trang hơn đã thu hút nhiều du khách hơn, tiểu thương cũng dần mở quầy sạp kinh doanh trở lại. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chợ đón hơn 5.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Chợ An Đông (quận 5), Tân Định (quận 1) cũng có được lượng khách ổn định sau khi sửa chữa thông thoáng, hiện đại hơn. Tiểu thương các chợ này cũng chịu khó thay đổi cách bài trí quầy hàng, chào bán hàng trực tuyến qua điện thoại, Facebook, Zalo…

Ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình (quận 1), cho hay đa phần tiểu thương ở chợ đều trang bị wifi để kết nối với khách hàng. Những người đi chợ không phải đến tận nơi như trước đây mà chỉ cần lên mạng kết nối với tiểu thương sẽ được cung cấp hàng hóa tận nhà.

“Hàng hóa trong chợ đều được niêm yết giá rõ ràng, đây cũng là yếu tố giữ chân khách hàng. Hiện nay, buôn bán ở chợ còn ế ẩm nên ban quản lý chợ đã kiến nghị hỗ trợ các loại phí, thuế cho tiểu thương. Trong khả năng của mình, ban quản lý chợ cố gắng sửa chữa để cải thiện môi trường chợ, sắp xếp lại các ngành hàng sao cho hợp lý, bắt mắt hơn. Những kiến nghị của tiểu thương cũng được ban quản lý cố giắng giải quyết trong ngày, tạo điều kiện tối đa để tiểu thương kinh doanh thuận lợi nhất” – ông Châu nói.

Chợ đầu mối gặp khó

Trong khi nhiều chợ truyền thống đang nỗ lực hồi sinh thì các chợ đầu mối ở TP HCM đang gặp khó vì lượng hàng lẫn khách ra vào chợ giảm đáng kể so với trước dịch COVID-19. Nguyên nhân chính được các chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền đưa ra là do tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ quá nhiều, cạnh tranh trực diện với tiểu thương bên trong chợ. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng cơ quan chức năng kể cả đoàn kiểm tra liên ngành cũng chưa thể giải quyết được.

Ông Lê Phúc Hậu, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết trước tình hình này, công ty cố gắng hỗ trợ tiểu thương bám chợ. “Công ty cắt giảm tối đa các khoản phí, từ nay đến cuối năm cố gắng giữ ổn định; tăng cường công tác an ninh trật tự, sắp xếp lại các lối đi sao cho thông thoáng, đồng thời hỗ trợ tiểu thương vận chuyển hàng hóa ra vào chợ nhanh chóng, tránh tình trạng ách tắc, chậm trễ” – ông Hậu nêu giải pháp.

Theo Người Lao Động Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: