Chàng trai nghèo nhận sửa giày dép miễn phí cho người nghèo…


“Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị” là câu chuyện đẹp của chàng trai nghèo 19 tuổi Nguyễn Bá Cường mưu sinh bằng nghề sửa giày dép. Một câu chuyện cổ tích hiển hiện giữa đời thường”.

Tuổi nhỏ, tấm lòng lớn

Không phải mất nhiều thời gian để gặp chàng trai đánh giày ở xóm chợ Bàn Cờ, quận 3, TP.HCM, có cái tên “cu Beo”. Nghe tên cậu từ trước, tôi từng liên tưởng đến hình ảnh một cậu bé yếu đuối, gầy gò, nhưng sự thật lại không phải vậy. Ngoài đời, cu Beo là một chàng trai 19 tuổi khôi ngô, mạnh mẽ và không kém phần điển trai có họ và tên thật là Nguyễn Bá Cường.

Ở khu chợ Bàn Cờ này, hỏi tới cu Beo ai cũng biết. Họ hiểu rất tường tận về đức tính cùng tấm lòng thương người đáng quý của em. Cu Beo từng là một đứa trẻ lắm thiệt thòi. Beo sớm gác bút nghiên khi chưa học xong lớp 3 để bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền”.

Cha mẹ không có mái ấm, ngày ngày hai anh em Beo phải dặt dẹo nhà này nhà khác, chỗ này chỗ kia. Rồi đến một ngày, Beo gặp anh Tuấn – một người thanh niên hành nghề sửa giày mưu sinh xóm chợ Bàn Cờ. Anh Tuấn là người thầy dạy Beo nghề sửa giày.

“Nhớ lại ngày tháng sống lay lắt trong căn nhà nhỏ mà đúng hơn là góc nhỏ cầu thang khu dân cư xóm chợ nghèo mà thấy thương cha mẹ và em gái. Khi đó, niềm ao ước duy nhất là mong sao có một công việc làm ổn định để đỡ đần cha mẹ già yếu. Thế là, hồi ấy, rảnh rỗi hay chạy ra quán anh Tuấn chơi, trò chuyện và xem anh đóng giày. Qua nhiều lần như thế, anh Tuấn đã hỏi “có muốn học không anh chỉ cho”. Vậy là niềm đam mê bắt đầu từ đó. Anh Tuấn như vị cứu tinh của cuộc đời em. Nhờ thầy Tuấn đã truyền cho em những cảm hứng trong nghề. Và ý nghĩ học việc để “giúp đời, giúp người” một phần cũng ảnh hưởng từ tâm tính tốt của thầy” – cu Beo nhớ lại.

Bắt đầu vào nghề bằng những công việc đơn giản tới những công việc khó khăn, phức tạp. Dần dà, Beo cũng thành thạo. Nhưng điều khác biệt ở Beo so với nhiều người học nghề khác là tìm công việc không chỉ kiếm kế sinh nhai mà trên hết là dùng cái chính nghề học được để đi giúp đỡ những người khó khăn, khổ cực như mình từng trải. Em luôn xem chuyện giúp đỡ người nghèo khó là chuyện cần phải làm như để báo đền tổ nghiệp đã cưu mang em bằng nghề lao động chân chính. Hơn nữa đó cũng chính là sự đồng cảm với những phận người bất hạnh trong cuộc sống này.

“Beo ơi, xem giúp chú cái đế giày”… “Beo ơi, dán hộ chị cái quai dép”… “Beo ơi, chiều cô đi về lấy nha…” là những câu nói đời thường rất thân thương mà ngày nào Beo cũng nghe. Beo kể: “Làm công việc này chỉ đủ trang trải miếng ăn qua ngày nhưng được cái là vui. Thấy những người khổ cực phải hàng ngày mưu sinh để kiếm đủ miếng ăn qua ngày mà tội lắm. Nhiều lúc trời mưa tầm tã không kiếm được chỗ trú mưa, rồi ốm đau, bệnh tật không có ai chăm sóc, nương tựa. Đôi giày, đôi dép đi lại nhiều cũng nhanh hỏng lắm. Bản thân không giúp được gì cho họ chỉ biết làm được công việc nhỏ nhỏ thế này thôi. Mong rằng những con người khổ cực đó có thể bớt được một phần gánh nặng trong cuộc sống.”

29-09-2016_bb_1475121471

Tấm biển ghi “Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị” trở nên quen thuộc với người dân xóm chợ.     Ảnh: N. Phẩm

Gia đình là điểm tựa tinh thần

Chỉ cần hỏi ai đó xóm chợ này, họ sẽ kể cho nghe những câu chuyện về gia đình Beo nghèo khó nhất nhì xóm chợ. Từ thời ông bà cố nội đã sinh sống nơi đây. Giờ đây cha mẹ em vẫn cố tiếp tục bám trụ với mảnh đất này. Em tâm sự: Chính vì bản thân được là người gốc Sài Gòn cũng là một phần động lực cho em thêm yêu công việc này. Bởi em nghĩ mình phải góp một phần công sức nhỏ để làm cho TP thêm tươi, thêm đẹp và cái quan trọng là giảm bớt được những con người khổ cực khi tới sinh sống trên mảnh đất mà mình là người dân gốc.

Nhà Beo có 2 anh em. Em gái Beo đang học lớp 6. Cha từng là ca sĩ hết thời. Ngày xưa ông thường đi hát đám tiệc đơn giản cho những người dân nghèo  như là sở thích đam mê nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Mọi công việc quán xuyến lo toan trong gia đình đều do mẹ gánh vác từ nghề làm thuê. Nghèo khó là vậy nhưng mái ấm gia đình em luôn tình cảm và đầy ắp tiếng cười ngày ngày. Không giàu sang phú quý, ngày ngày phải chật vật chạy với từng bữa ăn nhưng mẹ em luôn ủng hộ chuyện em sửa giày miễn phí cho người nghèo. Một gia đình nhỏ bé nhưng lại là niềm tự hào của em với tất cả niềm tin.

Khi được hỏi về chuyện gia đình, công việc, vợ con và cả tương lai, Beo chỉ cười đùa, nói trong sự thật thà, ngây ngô. “Năm nay 19 tuổi rồi nhưng em chưa một lần được yêu. Nếu được yêu, chắc chắn em cũng cố gắng kiếm tiền cưới vợ sinh con. Còn công việc thì vậy đây, được như thế này miết là vui rồi, yên ổn rồi. Em cười đùa – thế đó, con người em đơn giản vậy, vui vẻ vậy. Không mong ước gì thêm, không mơ cao sang gì thêm. Và nếu cho em một điều ước thì em sẽ mong sao cho mọi người trong gia đình luôn có sức khỏe, công việc em được ổn định để lo cho cha mẹ và nuôi em gái ăn học trưởng thành, đừng bỏ học giữa chừng”. Những câu nói rất dễ thương và hồn nhiên tuổi 19.

Từng nụ cười và chút ngượng ngập xen lẫn giọng lí nhí của Beo, tôi rất vui và xúc động khi chung quanh vẫn còn rất nhiều người tốt, biết sống vì mọi người và có tấm lòng nhân hiếm trong cuộc sống này. Càng trò chuyện, tôi lại thấy ấm lòng với đời trước một con người bé nhỏ như em.

Theo Nhuận Phẩm/phapluatxahoi.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: