(2SaiGon) – Người dân quê gọi thầy là “sư Phước Ngọc”, các em nhỏ gọi thầy là “cha”. Với tuổi đời hơn ba mươi, nhưng có tới hơn hai mươi năm xuất gia tu tập. Có lẽ ngần ấy thời gian tuổi Đạo đã đủ cho một người dấn thân tu hành mang sứ mệnh truyền Đạo và Đời. Nơi tình thương lan tỏa Đại đức Thích Phước Ngọc là trụ trì đời thứ năm của chùa Phước Quang – tiền thân là Trường Trung – Tiểu học Bồ Đề Khánh Anh, một ngôi nhà lá với am tranh vách nứa trở thành nơi đào tạo biết bao tăng tài yêu nước và nuôi giấu quân lương cho Cách mạng những năm kháng chiến ác liệt nhất của miền Tây Nam Bộ. Là lớp hậu sinh, thầy Thích Phước Ngọc ghi nhớ công lao của bao bậc tiền nhân đã giữ gìn bình yên và giữ gìn chiếc áo giải thoát, tiếng kinh, lời kệ xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua. Để hôm nay, diện mạo chùa Phước Quang (cũng là nơi đặt Văn Phòng Ban Trị Sự Phật Giáo huyện Tam Bình), đáp ứng cho nhu cầu tu học, tín ngưỡng của các tăng ni, đồng bào phật tử thập phương ngày càng đông đảo. Các cô nhi vui đùa trong “ngôi nhà” Suối Nguồn Tình Thương. Nối tiếp truyền thống yêu nước và giữ vững phương châm Đạo Pháp – Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội bên cạnh việc tổ chức các khóa tu học cho tăng ni, phật tử, đại đức Thích Phước Ngọc còn đầu tư vào các chương trình về nguồn để đưa lý tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sâu rộng trong cộng đồng người mộ Đạo. Nhiệt huyết và lòng từ bi của thầy vượt lên khỏi những lý thuyết, giáo điều, hóa tất cả thành hành động thiết thực và đầy hiệu quả. Minh chứng cho sự kế thừa và phát huy, yêu thương và hành động đó, một Trung tâm cô nhi viện Phật giáo ra đời với hàng loạt những công trình mang tầm kỷ lục Việt Nam: Tôn Tượng Quan Âm Thị Kính lớn nhất Việt Nam (cao 25m); Tôn tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương lớn nhất Việt Nam (cao 18m); tôn tượng Đức Phật Đản Sanh lớn nhất Việt Nam (cao 18m) và kiệt tác kiểng khô Kình Ngư từ gốc cây mù u 300 năm tuổi lớn nhất, lâu đời nhất tại Việt Nam… Sự quy mô này đem đến hàng loạt những thay đổi cho ngành du lịch, tín ngưỡng tâm linh của Giáo hội Phật giáo và tỉnh nhà Vĩnh Long và hơn hết là nơi dừng chân cho bao số phận trẻ thơ mồ côi, lang thang, khuyết tật được cất lên hai tiếng “gia đình”… Nhìn các em ở Cô nhi viện Suối Nguồn Tình Thương được chăm sóc chu đáo từ việc ăn ở, sức khỏe, học hành đến việc giáo dưỡng nhân cách, đạo đức mới thấy bao nỗi vất vả hằn lên gương mặt của người “cha” vốn phát thiện nguyện chịu khổ vì quá thương đời. Lòng từ bi của thầy Thích Phước Ngọc không chỉ gói gọn trong việc chăm chút cho những mầm non tương lai của đất nước, mà còn hướng đến nhiều hoàn cảnh éo le, bất hạnh… Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo cho Đại đức Thích Phước Ngọc Nối vòng tay yêu thương Thầy luôn đi đầu trong các công tác từ thiện an sinh xã hội mà các ban, ngành, mặt trận từ Trung ương đến địa phương phát động. Không tham gia một cách “có phong trào”, mà bằng sự hành đạo không mệt mỏi trong việc thức tỉnh lòng nhân đạo và tình đoàn kết tương thân tương ái của những người hằng tâm hằng sản. Thầy Thích Phước Ngọc đã mang lại những thành quả thiết thực, hữu ích cho công tác từ thiện xã hội với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Từ việc xây cầu, làm đường bê tông, xây nhà tình nghĩa, tình thương, nhà Đại đoàn kết, cứu trợ thiên tai, cho đến việc duy trì chăm lo cho các mẹ Việt Nam Anh Hùng, các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin, cho người nghèo, người già, người có hoàn cảnh khó khăn … Sư thầy Phước Ngọc trao quà cho bà con nghèo. Tinh thần đoàn kết và những việc làm thiện nguyện của thầy Thích Phước Ngọc đã đem đến sự đồng cảm, cảm phục của không chỉ người Việt mà còn lan tỏa đến cộng đồng quốc tế.Tại các buổi lễ, Pháp hội do đại đức Thích Phước Ngọc chủ trì tổ chức, đều có sự quang lâm chứng dự của Trung ương và các Đại Sứ quán, Tham tán đang công tác tại các Đại Sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam, như: Srilanka, Cuba, Nam Phi, Ấn Độ, Lào, Malaysia, Venuezela,… Trong buổi lễ đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những thành tích trong công tác xã hội từ thiện, góp phần vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của đại đức Thích Phước Ngọc vào tháng 5 năm 2016, thầy Thích Phước Ngọc đã phát biểu: “Sống giữa đời thường hãy tùy duyên mà vui với đạo. Thế nên, phàm là con người trong dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn, trước chân lý thì không có sự phân biệt giai cấp nào. Dưới nhãn quan của nhà tu hành trong hay ngoài đời thì chúng ta cần xem việc cứu khổ ban vui là trách nhiệm và bổn phận của chính mình trước dân tộc và đất nước, và đó cũng là cách báo đền ơn Phật một cách thiết thực nhất” Hoa Đinh