Áo dài cần hiệu ứng kiểu “Cô Ba Sài Gòn”


Sau phim “Cô Ba Sài Gòn”, áo dài Việt bắt đầu có những chuẩn mực nhất định để mọi người nhìn ngắm và so sánh. Giá trị áo dài Việt dường như được tôn vinh. Thậm chí, cơn lốc sắm áo dài “Cô Ba Sài Gòn” đang thành trào lưu, xu hướng hiện nay

 Áo dài “Cô ba Sài Gòn” thành hot trend đón Tết Nguyên đán

Video: Nha – Tiệm áo dài của loạt nghệ sĩ vang bóng Sài Gòn một thời

Lễ hội áo dài lần thứ 5-2018 với chủ đề “Duyên dáng áo dài TP HCM”, do UBND TP HCM, Sở Du lịch TP HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM tổ chức, sẽ khai mạc vào lúc 19 giờ ngày 3-3 tại sân khấu chính phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) và được truyền hình trực tiếp trên các kênh HTV1, VTV9. 1.200 mẫu thiết kế áo dài, do 22 nhà thiết kế áo dài danh tiếng như: Sỹ Hoàng, Thuận Việt, Thủy Nguyễn, Liên Hương, Việt Hùng… thực hiện sẽ ra mắt công chúng tại lễ hội.

Áo dài kiểu “Cô Ba Sài Gòn” rất được ưa chuộng của phái nữ thời gian qua Ảnh: HUY TRẦN

Áo dài kiểu “Cô Ba Sài Gòn” rất được ưa chuộng của phái nữ thời gian qua Ảnh: HUY TRẦN

Nỗ lực cho lễ hội thường niên

Lễ hội áo dài lần thứ 5-2018 vẫn với mục đích góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua hình ảnh áo dài Việt Nam, đồng thời góp phần xây dựng và quảng bá du lịch

TP HCM là điểm đến “Hấp dẫn – thân thiện – an toàn” đối với du khách trong nước cũng như khách quốc tế của ngành du lịch thành phố”. Dù mục tiêu nhắm đến là tạo ra sự kiện về lễ hội áo dài lớn nhất Việt Nam thường niên để phục vụ du lịch là chính nhưng lễ hội áo dài TP HCM những năm qua phần nào đánh thức sự quan tâm của người dân Việt trong và ngoài nước về giá trị văn hóa và thẩm mỹ của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. Minh chứng là những năm gần đây, áo dài trở thành trang phục của nhiều người trong trong các dịp lễ, Tết.

Giới văn nghệ sĩ cũng góp phần không nhỏ trong việc truyền cảm hứng cho giới trẻ về văn hóa thời trang áo dài khi họ luôn xuất hiện trong các sự kiện trang trọng bằng những chiếc áo dài cách tân đủ kiểu, bắt mắt.

Để tăng thêm hiệu ứng cho lễ hội áo dài, ban tổ chức cũng không quên mời gọi giới văn nghệ sĩ tham gia để tạo hiệu ứng lan truyền. Lần thứ 5 này cũng vậy. 11 nghệ sĩ nổi tiếng sẽ đồng hành với lễ hội trong vai trò đại sứ áo dài, gồm hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Kim Xuân, MC Quỳnh Hoa, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, ca sĩ người Mỹ Kyo York, diễn viên Hứa Vĩ Văn, đạo diễn Đức Thịnh, diễn viên Thanh Thúy, giải nhất Duyên dáng áo dài TP HCM 2017 Nguyễn Thị Thạch Thảo, diễn viên Diễm My 9X…

Tuy nhiên, ngoài sự kiện lễ hội được tổ chức mỗi năm một quy mô và hoành tráng hơn, tính lan tỏa của văn hóa áo dài từ lễ hội vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, mặc dù tình yêu áo dài Việt đều có sẵn trong mỗi người Việt Nam, như nhận định của các nhà thiết kế thời trang. Vấn đề ở chỗ là vẫn có những tiếp nhận sai lầm trong việc cách tân áo dài Việt. Những bộ áo dài Việt phá cách mà thực tế là lai căng, hay thậm chí là trang phục của nước khác được may na ná áo dài Việt đang được phổ biến khiến cho mọi người đều tưởng rằng đó là áo dài truyền thống Việt. Nhiều nhà thiết kế nói họ cũng “đau đầu” nhưng chẳng thể làm gì để chỉnh sửa lại vì những thứ thuộc về quan điểm cần nhiều thời gian để thay đổi. “Muốn chỉ ra cái sai thì phải có cái đúng để đối chiếu. Không phải ai cũng đủ thời gian hay kiên nhẫn để theo đuổi hành trình ấy, trừ khi đó là những người có trách nhiệm phải làm” – một nhà thiết kế bày tỏ.

Thiếu nữ kiều bào tại Mỹ mặc áo dài du Xuân Mậu TuấtẢnh: SUSAN NGUYỄN

Thiếu nữ kiều bào tại Mỹ mặc áo dài du Xuân Mậu TuấtẢnh: SUSAN NGUYỄN

Hiệu ứng từ áo dài “Cô Ba Sài Gòn”

Khi Ngô Thanh Vân ra mắt dự án phim “Cô Ba Sài Gòn”, áo dài Việt bắt đầu có những chuẩn mực nhất định để mọi người nhìn ngắm và so sánh. Giá trị áo dài Việt dường như được tôn vinh. Thậm chí, cơn lốc sắm áo dài “Cô Ba Sài Gòn” đang thành trào lưu, xu hướng hiện nay, đặc biệt trong mùa Tết nguyên đán vừa qua ngay cả trên sàn diễn lẫn đường phố. Không chỉ người dân trong nước mê áo dài “Cô Ba Sài Gòn” mà bà con kiều bào, kể cả lớp trẻ, đều mặc áo dài “Cô Ba Sài Gòn” du Xuân như ở quê nhà.

Để tiện dụng hơn, nhiều nhà thiết kế cho ra mắt những mẫu áo dài ứng dụng hơn với việc cắt bớt độ dài của tà áo, quần, tay áo,… Dáng áo cũng rộng rãi thoải mái hơn cho sinh hoạt thường ngày. Những mẫu thiết kế này được yêu thích đến mức trở thành trang phục ngày thường của nhiều người. Cái chính là mọi người vẫn nhận ra đó là áo dài Việt.

Các cuộc thi người đẹp áo dài, các buổi trò chuyện truyền cảm hứng về nét đẹp áo dài trong giới trẻ vẫn được tổ chức qua các mùa lễ hội nhưng những chương trình này thiếu điểm nhấn, khó thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng nên cũng chỉ mang tính sự kiện, nhằm thỏa mãn đơn vị tổ chức và một bộ phận công chúng hẹp. Việc áp dụng phương thức quảng bá dựa trên hiệu ứng có sẵn đang bị bỏ quên.

Nhiều hoạt động trong Lễ hội Áo dài 2018

Lễ hội tổ chức theo 2 nhóm không gian chính: không gian dành cho biểu diễn nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp và không gian dành cho các hoạt động hưởng ứng lễ hội cho cộng đồng. Theo đó, ngoài những buổi trình diễn áo dài do các nhà thiết kế thực hiện, được tổ chức tại sân khấu chính (phố đi bộ Nguyễn Huệ) nhằm phục vụ đông đảo công chúng, lễ hội còn nhiều chương trình phụ khác. Với thông điệp “Tôi yêu áo dài Việt Nam”, lễ hội sẽ có 15 hoạt động chính cùng nhiều hoạt động đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng, được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra. Trong đó có các chương trình đáng chú ý như trình diễn thể dục đồng diễn áo dài lúc 7 giờ ngày 4-3 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ với 3.000 người tham gia. Chương trình nghệ thuật “Áo dài – Xu hướng thời trang và ứng dụng năm 2018” sẽ diễn ra lúc 19 giờ ngày 4-3, cũng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Cuộc thi Duyên dáng áo dài TP HCM lần 5 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 23-3. Diễn đàn “Nét đẹp áo dài Việt dành cho tổng lãnh sự, phu nhân tổng lãnh sự và cán bộ đang công tác tại cơ quan ngoại giao” sẽ diễn ra lúc 14 giờ 30 phút ngày 8-3 tại tòa nhà Saigon Times Square.

Chương trình talk show truyền cảm hứng về áo dài trong giới trẻ, dành cho học sinh, sinh viên cùng với các hoạt động quảng bá hình ảnh áo dài đến du khách như tạo không gian chụp ảnh cho du khách tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, diễn ra từ ngày 1 đến 8-3.

Bên cạnh đó, lễ hội năm nay cũng tạo nên không gian sáng tạo với mục đích gắn kết các bạn trẻ bằng việc kêu gọi sự tham gia của các sinh viên khoa thiết kế và thời trang của 9 trường ĐH ở TP HCM. Phát động chương trình “Đồng hành cùng Lễ hội áo dài” trong suốt tháng 3, ban tổ chức vận động các doanh nghiệp may bán áo dài có hình thức quảng bá thông qua việc may áo dài miễn phí hoặc giảm giá; đồng hành cùng các doanh nghiệp lữ hành thiết kế những tour mới gắn liền với hưởng ứng lễ hội, thông qua đó quảng bá về lễ hội bằng nhiều hình thức: miễn, giảm các loại phí cho du khách mặc áo dài đến tham quan vui chơi… Đến nay, có 111 nhà may áo dài hưởng ứng giảm giá may từ 5%-20%, 78 cửa hàng giảm giá bán vải áo dài từ 5%-10%, 12 đơn vị bán phụ kiện trang sức giảm giá từ 5%-30% trong thời gian lễ hội diễn ra.

Chương trình tổng kết Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 5-2018 sẽ diễn ra vào ngày 26-3 tại tòa nhà Saigon Times Square.

Theo nld


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: