Sài Gòn thành phố đông dân nhất Việt Nam với gần 10 triệu người, có vẻ càng như đông hơn khi dân khó khăn từ tứ xứ đổ về nhất là sau khi Ðà Nẵng thành phố đông dân nhất miền Trung thẳng tay truy quét ăn mày cùng những người bán hàng rong trên phố. Bán bánh tráng nướng ở Hồ Con Rùa. Nhịp sống Sài Gòn luôn ồn ào sôi động với những dòng xe cộ ngược xuôi hối hả, triền miên trên khắp các ngả đường, ít ai thấy, hay dừng lại để nhìn những thân phận người lặng lẽ mưu sinh nơi đường phố, dù cho mưa nắng. Một chiều, chúng tôi dừng chân nơi bùng binh Hồ Con Rùa để trò chuyện với những chị em bán hàng rong nơi đây. Khi chúng tôi đưa máy chụp hình lên, cô gái bán bánh tráng nướng đứng chắn ngang nhất quyết không cho chúng tôi chụp hình bằng một giọng khá gay gắt của người miền Bắc. Nhưng khi chúng tôi mua một cái bánh thì cô gái khoảng 20 mươi tuổi này nhanh nhẹn nướng bánh, quết lên đó một chút pa-tê tự làm, chút mỡ hành, chút tôm chà, đập thêm cái trứng cút… chưa đầy 3 phút cô trao cho chúng tôi cái bánh pizza “Made in SaiGon” với giá 7 ngàn đồng. Vị bánh khá lạ, hèn chi hai cô gái ngồi trên xe Honda gần chúng tôi nãy giờ đã thong thả dùng tới cái… thứ ba. Hỏi thăm, cô gái bán bánh tráng nướng trứng cút cho biết cô quê Nam Ðịnh, vô Sài Gòn thuê nhà ở đã hơn ba năm nay, chồng đi phụ hồ, cô bán bánh tráng trừ các chi phí một ngày cô cũng thu nhập hơn một trăm ngàn đồng. Nghề này là do một người trong xóm trọ truyền cho cô, nghề thì không cực, chỉ cực mỗi cái căn chạy xe dẹp lòng lề đường của công an… Gần chỗ cô bán bánh tráng nướng trứng cút là một chiếc xe đẩy bán bánh tét, loại bánh nhỏ, năm ngàn đồng một cái. Cô gái bán bánh nhỏ con, lặng lẽ, khi chúng tôi mua bánh, hỏi thăm mãi thì cô cũng chỉ cho biết có hai điều, thứ nhất là cô quê Bến Tre, thứ hai cô mười tám tuổi, ngoài ra thì cô chỉ cười cười, không cho biết thông tin gì thêm. Thấy một chị bán nước ngọt và khô mực khá lớn tuổi gần đó, chúng tôi ngồi uống nước và hỏi thăm. Chị L., ngoài năm mươi tuổi, gương mặt buồn, cho chúng tôi biết chị là dân Sài Gòn gốc, đi kinh tế mới trở về bán ở khu Hồ Con Rùa này đã được mười mấy năm. Theo chị L. cho biết thì mỗi ngày từ bốn giờ chiều cho tới 11 giờ đêm bất kể trời mưa hay nắng, ngày lễ, ngáy Tết hay là ngày Chủ Nhật, chị đều có mặt tại đây, đó là chưa kể những đêm Giáng Sinh chị thức bán tới hai, ba giờ sáng. Sau 1975, gia đình chị phải rời bỏ Sài Gòn đi kinh tế mới, mấy năm lăn lóc trên vùng đất đỏ Long Khánh, không sống nổi, chị trở về Sài Gòn tá túc nhà người em ở quận Bình Thạnh. Lấy chồng, chồng bỏ đi từ khi đứa con gái còn nhỏ xíu, chị làm đủ thứ nghề để kiếm sống, để nuôi con, cuối cùng chị may mắn “dừng chân” nơi Hồ Con Rùa. Niềm an ủi lớn nhất của đời chị bây giờ là cô con gái đã lớn, đã biết phụ mẹ và tỏ ra ngoan hiền, hiếu thảo. Khi chúng tôi trò chuyện với chị L., cô con gái tới phụ mẹ có tới chào chúng tôi. Khác với vẻ mệt mỏi, buồn phiền của người mẹ, cô con gái của chị L. khá xinh xắn, với dáng vẻ tươi tắn của thiếu nữ tuổi đôi mươi. Một cụ già đến Sài Gòn từ miền Trung với ít cái bánh tráng nướng trên vai rong ruổi khắp phố Sài Gòn. Chị L. cho biết, hiện con gái chị đang đi làm cho một công – ty chuyên về trang điểm tạo kiểu tóc của người Hàn Quốc. Lương rất thấp, chỉ có một triệu rưỡi mỗi tháng, nhưng sống được nhờ tiền “boa” của khách. Con gái chị đang mơ ước khi đã thành thạo về các kiểu tóc sẽ ra mở một tiệm riêng, vì ở Sài Gòn này nếu tay nghề đã giỏi thì không bao giờ sợ thiếu khách. Công ty mà con gái chị L. làm chúng tôi có biết, đây là nơi khá nổi tiếng ở Sài Gòn, vào những tháng cao điểm khách tới làm tóc phải lấy số thứ tự chờ tới lượt. Nhưng vì trả lương quá thấp nên nhân viên ở đây đã không ít lần phải “đình công”. Những lúc như vậy, các cô thợ “rỉ tai” khách tới làm tóc tại một tiệm của một nhân viên cũ ở đây ra mở tiệm tại một con hẻm tại quận 3, chất lượng y chang mà giá thành chỉ bằng 1/3 của công ty Hàn Quốc. Ðiều chị L. buồn phiền nhất hiện nay là, khi cơn mưa xuống co ro núp dưới gốc cây lo mấy con khô mực bị ướt, ế ẩm không bán được. Lo bị trật tự hốt về phường là mất vốn. Chị cho biết, thường họ cũng “phân biệt đối xử” lắm, dân bán vỉa hè nếu là cư dân có hộ khẩu ở phường sở tại thì thường được đóng phạt, thậm chí có thể xin tha mà không bị nộp tiền. Còn những người ở xa như chị, chưa bao giờ xin được, dù chỉ một lần. Chúng tôi rất hiểu những nỗi lòng như chị L. và những người đi kinh tế mới về. Họ bị mất hộ khẩu thường trú tại thành phố, dù lỗi không do họ, nhiều người thậm chí đến lúc chết vẫn còn ao ước có mảnh giấy lận lưng. Bởi lẽ họ không cam lòng làm cư dân “lậu” trên chính mảnh đất của ông bà, tổ tiên họ để lại. Gánh hàng bún riêu trên phố Nguyễn Huệ. Chúng tôi đã từng chứng kiến một tay giang hồ Sài Gòn dạy vợ bán thuốc lá trên vỉa hè Sài Gòn, như sau: “Mày để tủ thuốc đây bán, trật tự đi dẹp mầy đập bể tủ lấy kiếng rạch tay, máu chảy rồi lu loa lên, tao sẽ ra mặt. Sau nầy tao đi ăn cướp hay đi buôn xì-ke thì tao nói trên vận động giang hồ hoàn lương, nhưng phường không muốn dân lương thiện yên ổn làm ăn!” Câu chuyện vỉa hè Sài Gòn thì còn dài, nhưng chúng tôi muốn tạm dừng bằng câu hỏi của một bác giáo già đã nghỉ hưu: “Nếu nhà báo các anh không viết về nỗi khổ, nỗi oan khuất của người dân thì các anh viết báo để làm gì?!” Chúng tôi thì tự hỏi, có thay đổi được gì không, những phận người lặng lẽ mưu sinh nơi hè phố Sài Gòn? Nguồn: Văn Lang