Xe bán bằng giấy ủy quyền, lỡ có tai nạn, chủ xe cũ có chịu trách nhiệm?


Hiện nay một trong những hình thức mua bán xe phổ biến được nhiều người thực hiện là thông qua hình thức hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, nếu sau khi bán xe, người sử dụng xe lỡ xảy tai nạn thì chủ xe cũ có phải chịu trách nhiệm?

Khi cần bán xe mô tô, ô tô cũ do mình đứng tên và đang sử dụng dụng, các chủ cửa hàng buôn bán xe nhận bàn giao xe và thường yêu cầu chủ xe cũ chỉ ký hợp đồng ủy quyền cho họ, thay vì phải ký hợp đồng bán xe. Theo hình thức này, chủ cửa hàng mua được xe cũ và dễ bán hơn cho người mua vì chủ cửa hàng không phải làm thủ tục đăng ký sang tên, không phải đăng ký di chuyển xe theo hộ khẩu của người mua trong trường hợp khác tỉnh, không phải nộp thuế phí trước bạ… Như vậy, người bán là chủ cũ xe, dù không muốn nhưng muốn bán được xe thì chủ xe cũ đành phải chấp nhận việc bán xe thông qua hình thức hợp đồng ủy quyền này.

Luật sư Trần Đức Phượng – Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt

Theo Điều 601 Bộ luật dân sự 2016, phương tiện giao thông vận tải cơ giới (xe mô tô, xe ô tô) là nguồn nguy hiểm cao độ và phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó hầu hết các chủ xe cũ dù đã “bán” xe nhưng vẫn lo lắng về trách nhiệm nếu sau đó lỡ xảy tai nạn giao thông từ người sử dụng xe sau này.

Trước hết, việc ký các hợp đồng ủy quyền này là vi phạm hành chính đối với chủ xe cũ, chủ cửa hàng và người mua với mức phạt từ 400 đến 600 nghìn đồng theo điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, bán.

Khi chủ xe cũ bàn giao xe cho chủ cửa hàng buôn bán quản lý với mục đích đã bán chiếc xe và chủ cửa hàng bày bán chiếc xe, do đó trong trường hợp chủ cửa hàng giao cho một bên thứ ba hoặc giao xe cho người mua xe mới nếu sau đó lỡ xảy tai nạn giao thông từ người sử dụng xe sau này thì chủ xe cũ sẽ không phải chịu trách nhiệm vì họ không phải là người đã giao cho người đã gây tai nạn chiếm hữu, sử dụng và mặc dù có vi phạm hành chính không thực hiện thủ tục đăng ký sang tên xe nhưng bản chất vụ việc đã hoàn thành việc mua bán xe.
Để tránh vi phạm và những rắc rối liên quan, chủ xe cũ đề nghị với chủ cửa hàng buôn bán xe về việc ký hợp đồng mua bán hoặc chỉ ký hợp đồng ủy quyền trong đó quy định không cho phép chủ cửa hàng xe được quyền ủy quyền lại. Khi đó, chủ cửa hàng bán xe sẽ sẽ buộc phải ký hợp đồng mua bán xe cho người mua mới và thực hiện thủ tục đăng ký tại Cơ quan công an.

Ảnh: Chuyenxe.com

—————-
Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Luật sư Trần Đức Phượng – Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: