Ẩm thực vỉa hè Sài Gòn – câu chuyện đến từ những chú cua


Trong những ngày gần đây, “cua” có lẽ là từ khóa được đề cập nhiều nhất khi nói đến ẩm thực vỉa hè tại Sài Gòn. Từ những tranh cãi gay gắt về vấn đề giá cả cho đến hàng loạt các món ăn được chế biến từ cua đang gây sốt đã tạo nên nhiều câu chuyện vô cùng hấp dẫn.

Ẩm thực Sài Gòn qua góc nhìn người trẻ

Bánh canh cua nguyên con ở Sài Gòn

Những tô bánh canh cua đắt đỏ

Bánh canh cua là một trong những món ăn quen thuộc, gần gũi với nhiều người. Tuy nhiên, trong một vài tháng trở lại đây, món ăn này đã trở thành tâm điểm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tô bánh canh cua vỉa hè trị giá 300.000 đồng.

Gian hàng bánh canh cua của bà Loan tại quận 6 bỗng trở nên tấp nập sau khi thông tin tô bánh canh cua trị giá 300.000 đồng tại đây được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Thực khách tìm đến để thỏa mãn sự hiếu kỳ cũng như tìm hiểu cho rõ tô bánh canh này như thế nào mà giá lại vô cùng đắt đỏ. Bà Loan khẳng định thức ăn có trong tô bánh canh đều được chính tay bà chế biến và chọn lựa kỹ càng. Thực khách sau khi thưởng thức món ăn này nhiều người khen ngon, xứng đáng với số tiền bỏ ra và cũng khá nhiều người tỏ ra thất vọng.

Từ nồi bánh canh cua của bà Loan, đã có hàng loạt những hàng quán bánh canh cua khác được cộng đồng mạng đưa ra so sánh. Nổi bật nhất trong số đó có lẽ là quán bánh canh cua 180.000 đồng của dì Tám tại chợ Hồ Thị Kỷ và gánh bánh canh cua 240.000 đồng tại chợ Hòa Bình quận 5.

Sở dĩ, có sự so sánh như thế này là hoàn toàn bình thường. Bởi vì nhu cầu và điều kiện thưởng thức của mỗi người là khác nhau. Có được sự đa dạng trong việc tiếp cận thông tin các món ăn không chỉ giúp thực khách dễ dàng chọn lựa mà còn chứng tỏ được sự đa dạng trong ẩm thực đường phố. Mặt khác, cũng cần nói rõ những tô bánh canh cua đắt đỏ kia thuộc hàng đặc biệt, ở riêng mỗi hàng quán vẫn có nhiều mức giá khác nhau phục vụ cho nhiều đối tượng.

67Hàng bánh canh cua của bà Loan tại quận 6.

Hàng bánh canh cua của bà Loan tại quận 6.

68Gánh bánh canh cua tại chợ Hòa Bình.

Gánh bánh canh cua tại chợ Hòa Bình.

Những mâm cua hấp gây sốt

Một trong những câu chuyện không thể không nhắc đến về cua đang rầm rộ trong hai tháng qua là mâm cua hấp của dì Ba tại con hẻm 565 Nguyễn Trãi, quận 5. Dì Ba năm nay 70 tuổi và đang sống một mình tại một căn nhà nhỏ thuộc quận 8. Hằng ngày, dì Ba đến vựa cua để lựa chọn từng con cua có gốc Cà Mau ngon nhất, sau đó mang về nhà và chế biến. Đến trưa, dì Ba nhờ một người em trai chở ra đường Nguyễn Trãi và bày mâm cua ra bán.

Dì Ba đã theo nghề bán cua được hơn 30 năm. Trước đây, mâm cua của dì Ba bán khá chậm, có khi phải bán đến chiều tối. Gần đây, một số kênh YouTube về ẩm thực phát hiện mâm cua của dì Ba đã đến quay quảng cáo. Từ đó, dì Ba bán cua khá nhanh, thậm chí để mua được cua phải bắt số để chờ. Theo nhiều thực khách nhận xét, cua của dì Ba thịt rất chắc và nước chấm có mùi vị rất đặc biệt.

Tuy nhiên, giá bán cua của dì Ba khá cao, dao động từ 650.000-700.000 đồng/kg đối với cua thịt và cua gạch, riêng cua cốm (cua đang trong quá trình thay vỏ) có giá 1 triệu đồng/kg. Lý giải về vấn đề này, dì Ba chia sẻ khi lấy về có kèm dây buộc cua rất nặng. Thông thường với 60kg cua thì số dây đã chiếm gần 25kg.

Sau một tháng được mọi người kéo đến mua cua ồ ạt, cua của dì Ba đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này không quá khó hiểu bởi đối với nhiều người cua chỉ là món ăn lâu lâu mới thưởng thức. Nhưng với chất lượng cũng như hương vị đặc sắc thì cua của dì Ba vẫn là một trong những lựa chọn uy tín của những người thích ăn cua tại Sài Gòn.

Vài ngày trở lại đây, cách chỗ dì Ba ngồi khoảng gần trăm mét đã xuất hiện thêm mâm cua hấp của dì Năm. Tại đây, bán cua Cà Mau sống với giá 350.000 đồng/kg và cua hấp tại chỗ là 550.000 đồng/kg. Theo nhận xét của một vài thực khách đã ăn qua, cua của dì Năm nhỏ hơn cua của dì Ba nhưng thịt cua khá ngọt. Có nhiều ý kiến cho rằng mâm cua của dì Năm là “ăn theo” mâm cua của dì Ba. Dì Năm chia sẻ năm nay đã 63 tuổi không biết làm gì nên có người thân dưới Cà Mau mang cua lên cho dì bán. Tuy nhiên, với lý do nào đi chăng nữa buôn bán tử tế thì mọi người đều có quyền bán chung một mặt hàng và cạnh tranh công bằng với nhau.

Ẩm thực vỉa hè từ lâu đã trở thành đặc trưng của Sài Gòn. Đã có rất nhiều món ăn trở thành trào lưu rầm rộ thu hút thực khách như chè khúc bạch, bánh mì nướng muối ớt, phô mai que, sữa tươi trân châu đường đen… Và hôm nay, câu chuyện đến từ những chú cua đã làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực. Sự so sánh giữa các hàng quán vỉa hè với các quán ăn hay nhà hàng lớn là một điều hết sức khập khiễng nhưng với giá tiền khá đắt ở một số món ăn, thực khách không chỉ có quyền đòi hỏi cao về mặt chất lượng mà cả về mặt dịch vụ cũng cần phải có sự thay đổi tốt hơn. Diện mạo của ẩm thực vỉa hè ắt hẳn sẽ có sự thay đổi lớn để phù hợp với xu hướng và sự phát triển trong thời gian tới.

Mâm cua hấp gây sốt của dì Ba.

Mâm cua hấp gây sốt của dì Ba.

Cua Cà Mau của dì Năm.

Cua Cà Mau của dì Năm.

Theo nguoitieudung


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: