Câu chuyện lập nghiệp của bà chủ quán bò lá lốt trên đường Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), vừa nằm trong danh sách Michelin Guide khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. “Mẹ truyền lại quán phở, nhưng tôi không bán!” Trong niềm hạnh phúc còn đó, khi quán ăn có thâm niên hơn 30 năm của mình bất ngờ lọt vào danh sách đề cử của Michelin, bà Trần Thị Kim Liêng (71 tuổi) kể cho tôi nghe câu chuyện bất ngờ về những năm đầu mở quán. Với cách nói chuyện đầy từ tốn, khiêm nhường và giọng điệu hiền từ, tôi cảm thấy thương mến bà chủ ngay từ giọng nói. Phần bò lát lốt nổi tiếng ở quán của bà Liêng. Sinh ra ở Campuchia, bà Liêng theo gia đình hồi hương rồi chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp, sinh sống. Cũng như bao phụ nữ khác, bà cũng có cho mình một gia đình nhỏ và xây dựng tổ ấm hạnh phúc tại mảnh đất phồn hoa này. Không lâu sau, bà bắt đầu gắn bó một phần cuộc đời mình với quán phở của gia đình nhà chồng, ngót nghét cũng hơn chục năm. Bà kể đó là quán phở Vọng Các, được nhà chồng bà bán trước năm 1975, cũng nổi tiếng trên đường Võ Văn Tần này. Sau gần 1 thập kỷ phụ mẹ chồng buôn bán, cụ bà có ý định truyền lại quán ăn cho cô con dâu đảm đang, nhưng bà từ chối. Mẹ truyền lại quán phở cho tôi, nhưng mà tôi không thích bán món này. Sau đó, tôi có nhờ mẹ chỉ cho tôi cách làm bò lá lốt để bán riêng. Tôi thấy mình thích món này và có duyên bán món này hơn là phở! Bà Trần Thị Kim Liêng, Chủ quán Khách đông nghẹt trong không gian quán ấm cúng. Từ chối kế thừa quán phở nhà chồng, bà Liêng thành công với quán bò lá lốt của mình. Từ công thức mẹ chồng hướng dẫn, năm 1992, bà Liêng có cho riêng mình một quán ăn, cũng ở Q.3 này. Sau nhiều lần đổi mặt bằng, quán yên vị ở địa chỉ hiện tại từ năm 1995. Năm 2000, mẹ chồng bà mất, quán phở truyền thống của gia đình nhà bà cũng theo đó thất truyền. Nói về quyết định của mình ngày đó, bà Liêng nói rằng mỗi người đều có một sự lựa chọn riêng. Bà cảm nhận được rằng mình có tình yêu và niềm đam mê đặc biệt với món ăn này, nên mới lựa chọn nó và ngót nghét cũng đã gắn bó với nó tới tận giờ này. Quán ăn giờ đã là tình yêu, là cả cuộc đời, là công sức suốt 3 thập kỷ qua bà gây dựng. [CLIP]: Quán “bò lá lốt Michelin” ở TP.HCM. Từ công thức của mẹ chồng truyền lại, nghề dạy nghề, cũng như để phù hợp với khẩu vị của thực khách, ít nhiều bà có những thay đổi để có được công thức làm hoàn thiện như hôm nay. Cháu gái kế thừa Hiện, thực đơn của quán bà Liêng đa dạng không chỉ có bò lá lốt mà còn có cả bún thịt nướng, bánh hỏi thịt nướng, chả giò, nem nướng, chả đùm… Tôi gọi một phần bò lá lốt đặc biệt giá 80.000 đồng cũng như một phần bún thịt nướng giá 42.000 đồng để thưởng thức. “Góc tự hào” được đặt ở vị trí đặc biệt của quán. Thực đơn đa dạng. Gói phần bò lá lốt vào bánh tráng ăn kèm với rau sống, đồ chua kèm một ít bún, chấm thêm một chút nước chấm đặc biệt của quán, tôi hiểu vì sao quán lọt vào mắt xanh của các thẩm định viên Michelin. Theo đó, sự phối hợp các nguyên liệu hài hòa vượt cả sự tưởng tượng của tôi, nhất là sự đậm đà trong phần bò lá lốt được nướng lên thơm phức xứng đáng để món ăn đạt điểm 9/10. Bên cạnh đó, các món ăn phụ cũng ngon hết sẩy. Buổi trưa, quán ăn của bà Liêng với không gian ấm cúng, khách ngồi kín bàn. Đa phần, là khách nước ngoài. Trước khi có Michelin, quán ăn này cũng đã nổi tiếng với cộng đồng người nước ngoài có ý định du lịch đến Việt Nam. Bò lá lốt được làm theo công thức riêng. Chị Maël (một du khách nước ngoài) ăn ở quán cho biết chị biết đến quán ăn này thông qua lời giới thiệu của một người bạn từng đến TP.HCM du lịch. Sau khi ăn thử phần bò lá lốt và bún thịt nước, nữ du khách cho biết hương vị vượt xa sự tưởng tượng của chị. “Nó thực sự là một bữa tiệc hương vị bùng nổ trong miệng. Tôi không biết phải diễn tả như thế nào, nhưng nếu có dịp ghé lại, đây chắc chắn là một trong những nơi tôi phải ghé lại ăn”, chị cho biết. Trong quán ăn, bên cạnh nhân viên thì còn có 3 người cháu của bà Liêng phụ trách. Chị Thúy (34 tuổi), phụ cô của mình bán ở đây cũng gần 3 – 4 năm, đã có tình cảm đặc biệt đối với quán ăn này cũng như niềm đam mê nấu nướng. Món bún thịt nướng ở quán cũng được nhiều khách ưa chuộng. Bà Liêng cười, nói rằng chị sẽ là người kế thừa mình, khi sau này bà không còn sức. Bà chủ thấy được sự chịu thương chịu khó từ cô cháu gái. Dù có 1 cô con gái, nhưng bà chủ cho biết con mình cũng có công việc riêng và không thích theo đuổi công việc ăn uống. Cứ như vậy, quán ăn nhỏ của gia đình bà Liêng vẫn ngày ngày phục vụ cho những vị khách gần, xa, quen, lạ. Bà tự hào khi được góp một phần công sức của mình, mang ẩm thực Việt Nam đến với nhiều bạn bè quốc tế. Theo: Thanh Niên