Là một trong những xe quà vặt quen thuộc trong hẻm trường Gia Định song bạn sẽ bất ngờ khi số năm có mặt của xe phá lấu lớn hơn số tuổi bất kỳ học sinh nào trong trường: 21 năm. Từ sáng đến chiều, con hẻm nhỏ số 195 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh) yên bình không khác gì các con hẻm trong gần đó. Thế nhưng, từ 3h chiều, khi từng tốp học trò đến hay rời trường cho ca học kế tiếp, hàng loạt hàng quán cũng xôn xao hoạt động. Con hẻm cũng “trở mình” thành thiên đường ăn uống của học sinh Gia Đình, ngôi trường phổ thông trung học nằm cuối hẻm. Bạn có thể tìm thấy bất kỳ món ăn nào tại đây. Từ các món ăn chơi như bánh tráng trộn, bánh mì, trà sữa… đến các món ăn no như hủ tíu, phở, cơm tấm… Mỗi xe, mỗi món đều có câu chuyện riêng, song xét về tuổi thọ thì xe phá lấu cô Đến là cao nhất: 21năm. “Ngoài nhóm khách chính là học sinh của trường, còn có rất nhiều thực khách là có độ tuổi nghề nghiệp khác nhau đến thưởng thức phá lấu”, cô Đến, chủ xe không giấu vẻ tự hào. Những vị khách ấy thường là cựu học sinh của trường, khi có dịp, lại đến nơi này để thưởng thức và sống lại những ngày vui. Cũng có những gia đình mang con đến như ngầm giới thiệu với bọn trẻ nơi mà ba hay mẹ chúng đã trải qua những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời. Như tất cả các hàng phá lấu khác, nồi nước dùng tại đây luôn trong tình trạng sôi sùng sục và tỏa ra mùi hương khó cưỡng. Theo đánh giá của nhiều thực khách, nước dùng tại đây hương vị đặc trưng, màu sắc bắt mắt và nêm nếm đậm đà đến nỗi với những vị khách có sở thích ăn nhạt thì, không cần dùng mắm me, chỉ vắt thêm trái tắc đã khiến món ăn thêm hấp dẫn. Ngay khi có khách gọi món, lòng, lá sách, lá mía… sẽ được người bán xắt nhỏ, cho vào vợt, trụng nóng, rồi cho vào chén. Bên cạnh nước dùng, “phần cái” của phá lấu cũng được mọi người đánh giá cao vì được cắt vừa miệng và có độ dai vừa phải chứ không quá mềm hay cứng như các nơi khác. Dọn kèm phá lấu luôn là rau răm xanh mướt, tắc thơm lừng và nước me chua đậm để bạn nêm thêm theo khẩu vị. Cô Đến cho biết, lúc đầu, cô chỉ bán phá lấu (chén) và bánh mì dùng kèm. Dần dần, thị hiếu tăng, xe của cô có thêm hai món là mì phá lấu khô (tương tự hủ tíu hay phở khô) và mì phá lấu nước. Trong mì phá lấu nước còn chia thành 3 loại là mì phá lấu một vắt, hai vắt và mì phá lấu ly. Việc cho món ăn vào trong ly giúp mọi người dễ mang đi hơn và tiện dụng hơn. Được đánh giá cao về hương vị và chất lượng, song một phần phá lấu hay mì phá lấu ở đây có giá khá mềm. 15.000 đồng/chén và 20.000 đồng/tô mì phá lấu. Mức giá khá mềm trong thời điểm hiện nay. Song, như chia sẻ của chị Kim Cương, nhân viên kinh doanh, mức giá hiện này đã cao hơn rất nhiều so với khi chị còn là học sinh ở trường chỉ có 7.000 đồng/chén. Tuy nhiên, “cao so với ngày trước chứ với mặt bằng chung hiện nay, đây vẫn là mức giá có thể chấp nhận”, chị nói thêm Phá lấu cô Đến trường Gia Định bán từ 15 – 20h hàng này. Nguồn: Huỳnh Hằng