Chợ Bà Hoa như một miền Trung thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn với đủ thứ đặc sản như mỳ Quảng, bánh đậu xanh Hội An, tỏi Lý Sơn, bánh ít Bình Định, chả bò Đà Nẵng… khiến ai cũng có thể phải lòng mỗi khi muốn tìm lại hương vị quê hương. Chợ người Quảng Từ lâu, chợ Bà Hoa (ngụ đường Trần Mai Ninh, P. 11, Q. Tân Bình, TP. HCM) đã trở thành trung tâm buôn bán sầm uất của người Quảng Nam xa xứ. Khách hàng đến đây đa phần đều là dân miền Trung. Họ không chỉ ghé chợ để mua vài thức quà truyền thống mà còn để nghe giọng nói quê nhà gần gũi, thân thương. Năm 1967, một người phụ nữ tên Hoa đã mua khoảng đất trống ở khu vực này để lập chợ cho người cùng quê – Quảng Nam, buôn bán. Ban đầu, chỉ có vài hộ gia đình sản xuất một số sản phẩm thủ công như kim chỉ, sợi vải,… Song ít lâu sau, người dân quê tìm đến lập nghiệp đông đúc hơn. Các mặt hàng truyền thống Quảng Nam được bày bán phong phú, thu hút nhiều thương nhân Sài Gòn. Vì vậy, người thành phố vẫn hay gọi bằng cái tên thân mật “chợ xứ Quảng.” Tràn ngập hương vị xứ Quảng Ngày nay, chợ đã có nhiều thay đổi để phục vụ tốt hơn nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, nó vẫn còn lưu lại những nét đặc trưng truyền thống. Chợ Bà Hoa không bán thiếu bất kì một đặc sản của xứ Quảng. Từ những chiếc bánh nổ, bánh thuẫn, bánh tráng, bánh xèo,… đến những viên kẹo đậu phụng, mạch nha, kẹo gừng… Từ hủ mắm cá cơm, mỳ Quảng, chả giò Đà Nẵng đến cân cải muối, tỏi Lý Sơn, cá bống sông Trà,… Điều đặc biệt, nhiều món ăn truyền thống ở đây được làm tại chỗ. Trước cửa hàng, người bán đặt lò than hồng. Ai gọi đâu, nướng tới đó. Những chiếc bánh tráng được lật trở thoăn thoắt, đều màu và đẹp mắt. Vừa nướng xong, vẫn còn nóng hổi, cắn một phát giòn tan trong miệng. Đến chợ Bà Hoa, có hề gì cũng phải nếm qua một ít món ăn mới cảm nhận hết hương vị của con người xứ Quảng. Chén bánh bèo hòa quyện trong nước tương tôm thịt nóng hổi; dĩa ốc hút xào sa tế cay xè sống mũi; hay chiếc bánh tráng vàng giòn thơm phức… khiến ai ai cũng yêu thích. Còn nhắc về giá cả ở chợ này thì khá rẻ, phù hợp với mọi đối tượng. Mỗi chiếc bánh tráng có 5000 đồng/chiếc, bánh thuẫn 2500 đồng/cái, mỳ Quảng 15000 đồng/cân, hủ mắm nêm 100.000 đồng/kg,… Cô Nguyễn Thị Bông (SN 1978, quê Quảng Ngãi) tâm sự: “Mỗi ngày, từ sáng đến tối, khách hàng ghé chợ rất nhiều. Không chỉ có người miền Trung, cả dân Sài Gòn hay du khách nước ngoài cũng tới đây. Người vừa đi vừa cắn chiếc bánh đập, bánh thuẫn,… người ngồi vỉa hè nhâm nhi tô mỳ Quảng, chén chè,… rất chân chất.” Trăn trở với nghề Trước sự phát triển của thành phố, khu chợ ngày càng thu hẹp dần. Nhiều tiểu buôn không duy trì được nên đã chuyển hướng sang làm nhiều nghề khác. Người cầm cự ở lại thì thu nhập cũng chẳng mấy khấm khá hơn xưa. Nếu 5-10 năm trước, chỉ đặt chân đến chợ đã thấy tràn ngập quán xá, hương vị món ăn quê xông vào mùi; vậy mà nay chỉ còn lác đác, số lượng giảm đi đến 70%. Bà Nguyễn Thị Sáu (SN 1942, quê Quảng Nam) cho biết: “Tôi bán mỳ Quảng ở đây trên 38 năm. Ngày trước, vợ chồng tôi làm trên 100 ký mỳ, đem lại thu nhập kha khá. Nay, nhiều nơi cạnh tranh, mỗi ngày chỉ kiếm tầm 100000 đồng, đủ chi tiêu cho mình.” Cùng quan điểm với bà Sáu, cô Nguyễn Thị Bông ngao ngán: “Trước đây, bánh tráng nướng trên 1000 cái mỗi ngày, khách hỏi không kịp bán. Giờ, tôi chỉ còn bỏ mối cho quán ăn kiếm tầm 200000 đồng.” Bên cạnh đó, nghề buôn bán phải chấp nhận muôn vàn cực nhọc. Dậy sớm thức khuya, bỏ mối khắp thành phố, trời nắng nóng,… nên hầu như ít ai muốn truyền nghề lại. Cả cụ Sáu và chị Bông đều mong muốn con cháu ăn học thành tài, riêng mình kiếm chút tiền về quê sinh sống, an dưỡng. Chợ Bà Hoa nay đã thêm nhiều hình hài mới, sản phẩm trăm miền, dân buôn khắp nơi đổ về nhiều. Song, nó vẫn mang đậm hồn quê miền Trung. Chợ Bà Hoa sẽ mãi trở thành một nét văn hóa đáo đáo đầy cốt cách xứ Quảng trong thành phố phồn hoa này. Bài & ảnh: Huy Hậu