Không ngồi chờ con cái nuôi Trời trưa nắng, dòng xe qua lại tấp nập trên đường. Trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM) có một xe bánh bao quen thuộc với nhiều người. Ông ngồi đó nhìn xe cộ trên đường, có khách dừng mua, ông mở nồi hấp nghi ngút khói lấy bánh đưa cho khách. Ông Trần Văn Thông (86 tuổi), tóc bạc phơ, dáng người cao cao và làn da rám nắng, là chủ xe bánh bao này. Ông Thông bán bánh bao đã 20 năm Xe bánh bao vô cùng đơn giản gồm một tủ kính nhỏ và chiếc nồi hấp đặt bên cạnh. Khách đến mua, ông lấy bánh cẩn thận cho vào túi giấy thay vì hộp nhựa để khách tiện ăn. Chiếc tủ nhỏ đặt đôi ba chiếc bánh tượng trưng, tấm biển cũng viết vài dòng đơn giản với nội dung: “Bánh bao, kính mời!’. Trời trưa nắng, xe bánh bao của ông khá vắng khách nhưng ông vẫn kiên nhẫn ngồi đó. Đi đôi dép cũ kỹ, bộ quần áo giản dị, ông ngồi bên xe bánh bao với hy vọng “hôm nay không ế hàng”. Chia sẻ với Thanh Niên, ông Thông cho biết, ông bắt đầu bán bánh bao từ năm 2002. Ông quê ở Sóc Trăng lên bôn ba, kiếm sống ở Sài Gòn hơn 60 năm nay. Miệt mài làm việc từ nhỏ tới tuổi xế chiều, cố gắng bán bánh kiếm chút đỉnh trang trải cuộc sống. “Tôi lên Sài Gòn từ hồi còn trẻ nhưng không có việc gì làm cố định nên đẩy xe nước đi bán lề đường. Ban đầu cũng đi bán ở quán phở. Rồi có người nói biết mối bánh bao ăn ngon kêu tôi đi bán. Tôi đồng ý nên gắn bó từ đó đến giờ”, ông Thông kể lại. Xe bánh bao đơn giản, ông đặt ít chiếc bánh tượng trưng Thời gian đầu, ông Thông cũng chật vật, đẩy xe đi bán khắp nơi nhưng khách không đông. Có khi gặp đường xấu, vắng người qua lại nhưng ông không nghỉ ngày nào, vẫn cố gắng bươn chải. Tôi mua một bánh bao trứng cút và một bánh bao cadé của ông Thông. Bánh còn nóng nên ăn rất mềm, nhân đầy đặn với thịt và trứng cút, rất vừa ăn. Giá bánh từ 10.000 – 20.000 đồng/cái. Buổi sáng ông bán từ 6 giờ – 11 giờ, buổi chiều bán từ 3 giờ đến tối. Mỗi ngày ông bán 2 buổi từ sáng đến trưa và từ chiều đến tối Ông Thông có 8 người con, người con trai đầu đã mất. Nhà ông cách xe bánh bao một đoạn đường ngắn. Đó là một căn nhà có 3 lầu nhưng diện tích mỗi lầu nhỏ xíu, cũ kỹ được xây từ lâu đời. Ông ở đó cùng con trai, con gái. Căn nhà nhỏ là nơi sinh hoạt của gia đình. “Nhìn xe chạy, chuyện buồn gì cũng quên hết!” Ông Thông cho biết, khách mua bánh bao không cố định, có ngày nhiều, ngày ít. Nhiều khách quen thường ghé mua ủng hộ nhưng có những người không ăn thường xuyên nên có khi ngồi hoài không ai mua. Dù vậy, ông vẫn kiên nhẫn ngồi bán, vắng khách ông trầm tư nhìn dòng xe hối hả trên đường. “Tôi bán đây kiếm ít lời bù trừ cho con chứ ở nhà buồn lắm. Nhiều khách ghé mua cũng nhắc tôi giữ gìn sức khỏe. Tôi thấy vẫn bán được nên nhất định không ở nhà chờ con nuôi, kẹt công chuyện mới nghỉ còn không vẫn bán bình thường. Nhiều khách biết đến tôi từ hồi nhỏ, đến giờ vẫn ghé mua ăn thường xuyên”, ông chia sẻ. Ông lấy bánh ở mối lớn, bày ít bánh bao trên xe để tượng trưng vì sợ bụi bặm. Ông hy vọng luôn có khách ủng hộ để có chút tiền chi tiêu, phụ gia đình. Ông Thông dù tuổi cao nhưng vẫn đi bán tự lo bản thân “Hồi xưa bán xe nước có vợ đi theo, giờ vợ không còn nên một mình tôi bán. Bán bánh khỏe hơn lại gần nhà nên cũng tiện. Đi bán khuây khỏa, nhìn xe chạy chuyện buồn gì cũng qua hết. Nghề bán hàng rong nhìn vậy chứ kỳ lắm, đi ngoài đường quen, mỏi chút nghỉ là khỏe”, ông bộc bạch. Ông bán bánh bao thịt và bánh bao cadé Gần trưa, ông Tấn Tài (52 tuổi, con trai ông Thông) ra thay ba trông xe bánh bao để ông về rửa mặt. Ông Tài làm thợ bạc tại nhà. Căn nhà cũ kỹ của gia đình ông Thông “Tôi ở nhà có việc gì chạy ra thay cho ba. Xe bánh bao ba tôi bán lâu đời, ba là người chăm chỉ lao động từ nhỏ tới giờ. Lắm lúc ba mệt, tôi chở vào phòng khám đa khoa vì ông có bảo hiểm ở đó”, ông Tài nói. Theo: Thanh Niên