Đeo găng tay cả ngày và làm việc dưới trời nóng khiến bàn tay của Hoài Biệt (31 tuổi) nhăn nheo vì ngấm mồ hôi, những đường chỉ tay bị nứt, rát buốt. Hoài Biệt (tên thật Trương Đình Diệu, 31 tuổi) từ Quảng Ngãi vào TP.HCM làm việc cách đây hơn 4 tháng. Thời gian dịch bùng phát, công ty nơi anh làm chuyên viên truyền thông phải cho nhân viên nghỉ không lương. Từ đầu tháng 7, khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhận thấy tình hình thiếu hụt nhân sự tuyến đầu, Hoài Biệt đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch. Với suy nghĩ “Người ta làm được, họ không ngại nguy hiểm thì cớ gì mình không thể”, anh luôn hết mình với nhiệm vụ, bất chấp mọi khó khăn. Công việc đầu tiên anh được giao là trực chốt phong tỏa ở một con hẻm tại phường 1, quận 3. Sau đó, anh tham gia điều phối lấy mẫu xét nghiệm tại TP Thủ Đức, vận chuyển hàng hóa ở quận Bình Thạnh, hỗ trợ bếp ăn ở quận Gò Vấp. Nửa tháng nay, anh nhận làm trưởng nhóm điều phối tiêm vaccine tại quận 3 (do Quận Đoàn quận 3 quản lý). Bàn tay của Hoài Biệt nhăn nheo, nổi mụn nước vì đeo găng tay cả ngày. Liên tục phải mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo găng tay cả ngày nên đến lúc kết thúc công việc, đôi tay của Hoài Biệt đã nhăn nheo vì ngấm nước, lớp da phồng rộp và những đường chỉ tay nứt nẻ. “Công việc của mình là check-in, giúp người dân sát khuẩn, khai báo y tế và đo thân nhiệt nên phải đứng dưới nắng nóng. Da mình và một số bạn trong nhóm khá nhạy cảm nên đeo găng tay kín mít, lại đứng dưới trời nắng cả ngày khiến tay nổi mụn nước, khi cọ xát dễ bị chảy máu theo đường nứt”, anh chia sẻ với Zing. Anh chàng quê Quảng Ngãi cho hay mỗi ngày, anh được phát 2 bộ bảo hộ (cho 2 ca sáng, chiều), găng tay, khẩu trang, kính chống giọt bắn, cồn sát khuẩn. Vì phải mặc bảo hộ liên tục, chỉ được tháo găng tay lúc ăn cơm nên không thể tránh được việc da tay bị ngấm mồ hôi. Hoài Biệt hỏi bác sĩ và được hướng dẫn các loại kem, thuốc bôi để khắc phục tình trạng này. Một số thành viên trong nhóm thường mang theo kem dưỡng, thuốc bôi để khi ai cần thì có thể dùng ngay. Chiến đấu để mọi người sớm đoàn tụ với gia đình Ngoài công việc mỗi người đảm nhận, các thành viên trong nhóm của Hoài Biệt còn phải dọn vệ sinh, phân loại rác thải sau mỗi ngày làm việc. Có những người vì đứng quá lâu hoặc đi lại nhiều nên gót chân bị tê, các khớp bị chuột rút và phải tự xử lý. Thường xuyên làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, không chỉ sức khỏe thể chất mà tinh thần của các tình nguyện viên cũng bị ảnh hưởng. “Có không ít người dân vì quá nóng vội mà không tuân thủ quy định, thậm chí quát tháo bọn mình. Chúng mình chỉ có thể nhẹ nhàng giải thích cho họ hiểu. Vì là trưởng nhóm nên khi các thành viên khác gặp khó khăn, mình phải đứng ra giải quyết mâu thuẫn, hiểu lầm đó để người dân hiểu và thông cảm hơn. Đã có nhiều bạn nhụt chí, không đủ tinh thần để làm tiếp. Những lúc như vậy, chúng mình vẫn hay động viên nhau cùng cố gắng. May mắn là anh em trong đội đoàn kết và sẵn sàng chia sẻ với nhau mọi khó khăn”. Dù khó khăn, các thành viên trong đội tình nguyện luôn động viên nhau cố gắng Mong muốn lớn nhất của Hoài Biệt là mọi người hiểu hơn về công việc mà anh và những đồng đội khác đang làm. “Khi tham gia làm tình nguyện chống dịch, mình cũng giấu gia đình, bạn bè. Người thân cứ bảo về quê, nhưng mình nhất quyết bám trụ ở đây. Không ít người ngăn cản, họ cho rằng làm những điều nguy hiểm. Nhưng mình nghĩ nếu ai cũng sợ nguy hiểm, cũng thờ ơ thì làm sao có thể chống dịch được. Làm công việc này, bọn mình đều sợ, nhưng cái mình sợ nhất là dịch cứ mãi kéo dài, đầy nguy hiểm”. Đi làm tình nguyện, Hoài Biệt càng hiểu được sự cực khổ của những y, bác sĩ, các chiến sĩ công an ở tuyến đầu chống dịch. Anh chàng quê Quảng Ngãi muốn cùng chiến đấu đến khi Sài Gòn hết dịch. “Hôm trước, ngồi rảnh được vài phút, mình nói chuyện với một nữ bác sĩ. Chị ấy bảo: ‘Hơn 2 tuần rồi chị chưa được về nhà, con chị mới bỏ bú, chị nhớ con lắm!’. Câu nói ấy khiến mình xúc động và rất thương chị. Đó là một trong những động lực khiến mình và đồng đội quyết tâm mỗi ngày, cùng đỡ đần phần nào công việc để họ sớm được về gặp gia đình. Mình nghĩ, quyết tâm tham gia công việc này nghĩa là các bạn tình nguyện viên đã hiểu được giá trị cuộc sống, biết sẻ chia với mọi người. Họ có chung một mục tiêu, trên hết là muốn đại dịch này sớm được đẩy lùi để cuộc sống được trở lại như trước kia. Hy vọng mọi người được nhìn nhau với nụ cười thật tươi mà không phải đeo lớp khẩu trang ngột ngạt kia nữa”, anh tâm sự. Theo Zing News