Những người đàn ông châu Phi ăn nhậu, nghe nhạc to đến khuya rồi cãi vã, đánh nhau; nhiều người cặp kè với phụ nữ trung niên Việt. Một ngày sau khi bị Công an TP HCM rà soát, kiểm tra hành chính, quanh khu chung cư Khang Gia trên đường Phan Huy Ích (phường 14, quận Gò Vấp), những người châu Phi vẫn ngồi uống bia, tán gẫu, chạy xe lượn quanh nhưng thưa thớt hơn. Khu vực này có 3 địa điểm người châu Phi thường xuyên tập trung ăn uống, giải trí, buôn bán quần áo. Quán do người Việt hùn hạp với người gốc Phi mở, hoạt động theo hình thức hộp đêm, mở nhạc rất lớn. “Họ nhậu nhẹt đến nửa đêm vẫn chưa dẹp, có hôm cãi vã, đánh nhau huyên náo cả khu phố không ai ngủ được”, anh Hoài Lam (40 tuổi) sống cạnh chung cư cho biết, ánh mắt lộ vẻ ái ngại khi hai nam thanh niên da màu không đội mũ bảo hiểm phóng xe ào ào qua. Người Phi vẫn tập trung nhiều ở khu vực chung cư Khang Gia. Ảnh: Sơn Hòa “Khoảng 20 ngày trước, đám đông người Phi lao vào nhau đấm đá rất hăng dù được can ngăn. Vụ ẩu đả huyên náo cả khu phố, công an địa phương phải đến giải quyết, kiểm tra nhà hàng này“, đại diện khu phố 9, phường 14, cho biết thêm. Tại quán ăn chuyên phục vụ người gốc Phi, nam nhân viên thường xuyên tiếp chuyện với cộng đồng này cho hay họ đều nghèo, có người biết tiếng Việt. “Tôi phục vụ ở quán 3 tháng rồi, họ chi tiêu rất khắt khe. Tôi chưa từng được bo đồng nào dù mang tiếng phục vụ cho người nước ngoài. Dư 1.000-2.000 đồng họ cũng lấy lại”, nam thanh niên kể. Theo ông Huỳnh Thanh Tùng, trưởng khu phố, có gần trăm người châu Phi đến khu này thuê nhà, mỗi nhà có cả chục người. Buổi sáng họ tỏa đi làm đủ nghề như bán quần áo ở cửa hàng, dạy học ở trung tâm anh ngữ… Nhưng chiều tối, nhiều người cặp kè với các phụ nữ trung niên người Việt tụ tập ăn nhậu hát hò ầm ĩ, gây mất trật tự. “Ở đây ra đường thấy toàn người Phi, trong quán thì họ ngồi nhậu đầy. Khu này giống như phố của họ”, ông Tùng chia sẻ. Quán bar mini dành riêng cho người Phi lúc bị cảnh sát kiểm tra. Ảnh: N.V Có vợ là người Việt, anh King (quốc tịch Nigeria) hiện là chủ quán cà phê và nhà hàng ở khu vực. Nói về cộng đồng gốc Phi tại đây, King cho biết họ đến từ nhiều nước như Ghana, Algeria, Nigeria, Cameroon… Nhiều người visa hết hạn nhưng không có người Việt bảo lãnh nên phải thông qua “cò” hết 500 đôla, ai không có tiền làm dịch vụ này phải sống chui. Quán của Kinh thu hút nhiều khách nhất khu vực, mở cửa cách đây 7 tháng, nhưng từ hôm công an kiểm tra hành chính thì nơi này vắng dần. Người đàn ông nói được tiếng Việt khẳng định quán của mình vẫn đảm bảo an ninh trật tự, khách không quậy phá. “Ở đâu cũng có người tốt, người xấu. Đa phần chúng tôi qua đây làm thuê để kiếm sống, cũng như người Việt mưu sinh ở Mỹ, Canada… Việt Nam có câu ‘con sâu làm rầu nồi canh’ thì ở đây cũng vậy, chỉ một ít người gốc Phi quậy phá đã ảnh hưởng đến hình ảnh chúng tôi”, King nói. Nơi được mệnh danh là “khu người Phi” tại Gò Vấp. Ảnh: N.V Trước đó, khuya ngày 28/12, gần trăm cảnh sát bất ngờ kiểm tra các quán ăn, khu vui chơi tại đây. Một số người gốc Phi bỏ chạy, hoặc tỏ thái độ chống đối khiến lực lượng chức năng phải dùng roi điện và công cụ hỗ trợ khác mới vãn hồi được trật tự. Đến gần nửa đêm, cảnh sát đưa hàng chục người không xuất trình đầy đủ giấy tờ về trụ sở làm việc, nhiều xe máy bị tạm giữ. Thượng tá Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) – Công an TP HCM – cho biết, trong 52 người bị đưa về trụ sở có 16 trường hợp đang bị tạm giữ vì không có giấy tờ, 8 người quá hạn visa đến 9 năm. Những người này sẽ bị xử phạt hành chính và trục xuất. Động thái này nằm trong kế hoạch cao điểm trấn áp tội phạm trước Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Theo Sơn Hòa/Vnexpress