50 năm tuổi nghề, trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, đoàn xiếc Ngọc Viên do ông Nguyễn Văn Đức (68 tuổi, quê Đồng Nai) gầy dựng đến nay được xem là đoàn xiếc gia đình duy nhất còn sót lại ở Sài Gòn. Vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thế nhưng nghệ sĩ xiếc Văn Đức (nghệ danh Ngọc Viên) vẫn âm thầm bắt đầu lại. Vì gia đình, vì niềm đam mê và sự theo đuổi cả một cuộc đời cho xiếc nghệ thuật, ông chưa từng nghĩ đến việc bỏ nghề. Trái lại, nghệ sĩ xiếc Văn Đức ngày càng phát huy các bộ môn biểu diễn, tự mình tìm tòi, học hỏi chế tạo nhiều công cụ ảo thuật, ông truyền đam mê cho con, cho cháu mình. Đến nay, sau 50 năm thăng trầm, đoàn xiếc Ngọc Viên đã qua ba thế hệ, là đoàn xiếc gia đình duy nhất còn sót lại ở Sài Gòn. Nói về thành công của ngày hôm nay, ông Đức cho biết: “Rất khổ sở, đó là chuỗi thời gian dài cả nhà cùng nhau trải qua bao vui buồn, cười có, nước mắt có, tiền bạc có, trắng tay có. Thế nhưng, cuộc đời tôi may mắn có được người vợ, người con thấu hiểu tôi. Chúng tôi luôn sát cánh bên nhau vượt qua bao trắc trở để đi đến thành công. Đến nay, tôi rất vui mừng khi những đứa cháu của mình cũng đam mê nghề. Mỗi lần được mời biểu diễn, vợ chồng, con cái lại cùng nhau lên đường, nhìn những tràng pháo tay, cùng ánh mắt thích thú của khán giả, tôi tự hứa với lòng sẽ biểu diễn đến khi không còn sức nữa mới thôi”. Dù đã 68 tuổi, nhưng được tiếp xúc với các em thiếu nhi nên ông Đức vẫn còn trẻ lắm. Ông Đức nói nghe nhẹ nhàng, thế nhưng khi nhìn lại chuỗi ngày phấn đấu với niềm đam mê xiếc nghệ thuật, người ta không khỏi khâm phục trước nỗ lực phi thường của ông. Từ bé, khi được xem những màn biểu diễn của các đoàn Sơn Đông mãi võ (những đoàn biểu diễn để bán thuốc gia truyền), cậu bé Đức mê mệt với những kỹ thuật của họ. Thế nhưng xin mãi họ vẫn không truyền nghề, nhiều lần cậu đứng chôn chân tại nơi biểu diễn để suy nghĩ làm sao họ có thể làm được như thế. Nhận thấy “bí ẩn” nằm ở các công cụ diễn xiếc, ảo thuật, nhân lúc diễn viên mải lo biểu diễn, cậu ăn cắp các công cụ đó để tìm hiểu, thế là bị người ta rượt đuổi về tới nhà, rồi ăn những trận đòn xé da. Thế nhưng, cậu bé Đức dường như không cảm thấy đau mà ngược lại, cậu hạnh phúc vì đã tìm ra được “bí quyết” hành nghề. Xem đoàn mãi võ không bỏ sót buổi nào, cứ có “chiêu” mới, cậu lại về nhà tập. Nhờ sự đam mê, siêng năng tập luyện, đến khi lên trung học, cậu bé Đức đã có nhiều “ngón nghề” cho riêng mình, những trò chơi huyền bí của cậu thu hút được rất nhiều bạn bè trong lớp. Từ đó, niềm đam mê ngày càng lớn, Đức từ bỏ ngành Luật của một trường đại học để tham gia vào hoạt động nghệ thuật. Anh Minh Tâm (chú hề) và Minh Quang (áo trắng) đang biểu diễn ảo thuật cho các bé tiểu học. Đối với đoàn xiếc Ngọc Viên, họ không cầu kỳ chọn lựa sân khấu, đối tượng nào, nơi nào mời dù xa xôi họ cũng đến. Từ Bắc chí Nam, ông không ngại buổi biểu diễn lớn hay nhỏ, cứ gọi là ông đến, có nơi để trổ tài là ông hạnh phúc, tiền nhận được lúc ấy cũng chỉ đủ sống qua ngày. Năm 1972 với những màn ảo thuật mạo hiểm cắt người thành ba khúc, thôi miên người nằm trên một thanh kiếm,… mà ông sáng tạo khiến ông nổi danh khắp cả nước, đưa tên Ngọc Viên trở thành một trong những ảo thuật gia nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Đây cũng là thời gian ông cùng vợ và 5 người con lang thang khắp nơi kiếm sống, sáng đi biểu diễn, chiều đến cả nhà cùng nhau tập luyện các màn xiếc, ảo thuật. Ông Đức tự hào khi các con của mình chỉ mới vài tuổi đã đam mê môn nghệ thuật huyền bí này, tích cực tập luyện không ngại đau, chẳng ngại khổ. Thời gian ông Đức đi biểu diễn, cũng là những lần ông bắt gặp trẻ em lang thang, cơ nhỡ sống nay đây mai đó một cách khổ cực, không đành lòng nhìn, ông tới nhận chúng làm con nuôi, đem về đoàn cho học xiếc, học văn hóa. Ông tâm sự: “Chúng cũng như các con của tôi, sao có thể đi qua những đứa trẻ đang cần một ngôi nhà. Lúc đó tôi chỉ có một ý nghĩ phải làm một điều gì đó cho bọn trẻ, nên tôi đem tất cả chúng về, cứ dạy chúng hết mình, không thành danh chúng cũng thành nhân… Cho dù một mai có đứa nào muốn rời đi, thì chúng cũng có một cái nghề, con chữ để tự phấn đấu trong cuộc sống”. Anh Minh Mẫn (con trai cả ông Đức) biểu diễn cùng một học sinh, các em luôn háo hức khi được tham gia vào các tiết mục biểu diễn. Những nụ cười giòn giã, những tiếng vỗ tay là nguồn động lực để đoàn xiếc có thể vững bước tới ngày hôm nay. Nghĩ như vậy, nên ông Đức không phân biệt con nuôi, con ruột, đứa con nào ông cũng đối xử như nhau. Có thời điểm gần 200 đứa trẻ thay nhau đến và đi tại ngôi nhà 20 mét vuông. Trong số đó có người theo nghề, có người được ông Đức nuôi ăn học đến đại học, cao đẳng,… tự tin bước trên đường đời bằng học thức và tâm huyết của người cha luôn sẵn sàng chở che, bao bọc. Bé Nguyễn Ngọc Minh Tuấn (10 tuổi, cháu nội ông Đức) học ảo thuật từ năm 4 tuổi, em đang biểu diễn tiết mục chiếc bàn bay lên không trung trong sự ngưỡng mộ của các bé cùng trang lứa. Minh Tuấn cho biết: “Em rất thích những màn ảo thuật của ông nội, từ nhỏ em đã được ông nội dạy nhiều cách biểu diễn. Ước mơ của em sau này trở thành ảo thuật gia như ông nội”. Hiện tại, Tuấn đang học văn hóa nên gia đình chỉ cho em đi biểu diễn vào cuối tuần. Màn ảo thuật của Tuấn khiến nhiều bạn đồng trang lứa thích thú, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông Đức tâm sự để có được ngày hôm nay, phần lớn là nhờ sự hy sinh to lớn của những người phụ nữ trong gia đình, luôn là làm hậu phương vững chắc để ông và các con tự tin khi lên sân khấu. Với ông Đức, bao nhiêu trẻ cũng được, bao nhiêu miệng ăn cũng không sao, còn gánh xiếc ông vẫn còn gánh được cả gia đình. Không những thế, đi đến đâu biểu diễn, sau khi trừ ra tất cả chi phí, lương cho các con, ông luôn trích một phần doanh thu để làm từ thiện ngay tại địa phương. Chính vì vậy mãi đến năm 2001, sau 20 năm hoạt động không ngừng nghỉ, đại gia đình xiếc mới sắm được căn nhà bạt và các phương tiện kỹ thuật để hoạt động quy mô hơn. Thế nhưng trong một lần lưu diễn ở các tỉnh miền Tây, đến An Giang đoàn xiếc Ngọc Viên gặp biến cố lớn nhất trong sự nghiệp khi cơn bão lũ đi qua, quét theo cả nhà bạt khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn, kiệt quệ khi trước đó, cả đoàn đã ủng hộ gần 100 triệu để làm từ thiện. Ông Đức đang dạy một bạn học sinh màn ảo thuật quạt rách thành quạt mới. Gương mặt rạng rỡ của những cô bé, cậu bé khi được xem các tiết mục xiếc, ảo thuật. Hỏi ông có nản không, ông chỉ cười: “Nếu kể về sự cố, kể về khó khăn vất vả thì… cả tuần cũng không kể hết được. Khi đoàn biểu diễn, những lần bị bảo kê tại địa phương xin đểu, đập phá đồ đạc diễn ra như cơm bữa, tôi vẫn có thể gồng gánh được. Dù cơn bão năm ấy quá khủng khiếp, mọi người bất lực nhìn niềm tự hào của mình tan hoang trong cơn lũ, nhiều thành viên trong đoàn bật khóc tại chỗ. Tôi cũng ngậm ngùi lắm. Thế nhưng tôi nghĩ, mình đi lên cũng từ tay trắng, cứ từ từ bắt đầu lại”. Hiện tại, ông Đức đã không nhận con nuôi nữa vì sợ mình không còn đủ sức để lo cho chúng, thay vào đó những đệ tử nào muốn theo thì ông đều trả lương đầy đủ sau mỗi lần biểu diễn. Ông trân trọng công sức của họ, cũng giống như họ trân trọng cái nghề của mình. 9 năm trước, một cơn bạo bệnh khiến ông tưởng không thể qua khỏi nên sức khỏe của ông giờ đã cạn kiệt, trong ông giờ đây chỉ còn nhiệt huyết và đam mê. Ông ít khi tham gia biểu diễn mà dồn hết tâm huyết vào các con, các cháu và đệ tử của mình. Cũng từ đây, ông không nhận thêm con nuôi vì sợ không đủ sức lo đến nơi, đến chốn cho mọi người. Đệ tử đồng ý đi theo ông, ông truyền nghề và trả lương cho họ. Phần còn lại, ông từ thiện luôn ở những nơi mình đến. Ông Đức chưa bao giờ có ý định từ bỏ sân khấu, khi biết mình không còn sức để biểu diễn, ông tiếp tục truyền đam mê tới con cháu. Với ông, còn khán giả thì đoàn xiếc Ngọc Viên còn vĩnh viễn tồn tại. Trời cũng không phụ lòng người khi các con của ông đang phấn đấu từng ngày để phát huy truyền thống của gia đình và chưa bao giờ họ hỏi cha sao đoàn của mình nổi tiếng là thế, đi diễn nhiều thế mà vẫn không đủ ăn. Bởi khi nhìn thấy nụ cười hạnh phúc, pha lẫn niềm tự hào của cha lúc xem họ biểu diễn trên sân khấu, các con của ông biết rằng họ đã là những tài sản quý giá nhất của cha mình. Nhìn chồng, con mình biểu diễn, chị Huyền Nga (vợ anh Minh Tâm) mỉm cười hạnh phúc: “Cha tôi truyền cho chúng tôi không chỉ nghề, mà còn cả lòng đam mê. Trong nhà từ con ruột, con nuôi, cháu, cho tới con dâu như tôi cũng được cha truyền nghề. Nhưng tôi ít khi biểu diễn mà thường chuẩn bị đồ nghề giúp mọi người, và cổ vũ tinh thần cho chồng và con mình. Xiếc, ảo thuật đã là truyền thống trong gia đình chúng tôi nên mọi người đều quyết tâm phát huy. Chồng tôi cũng luôn nói với tôi rằng, biểu diễn xiếc, ảo thuật đã ngấm vào trong máu, dù khó khăn gian khổ thế nào anh ấy vẫn không thể dứt ra được”. Theo Phạm An / Trí Thức Trẻ