Cơm từ thiện Sài Gòn: Làm việc tốt còn bị mắng!


Tại TP.HCM, có nhiều nhóm thiện nguyện phát suất cơm từ thiện cho người nghèo đang hoạt động tự phát, trùng lắp và thiếu gắn kết

CLB thiện nguyện Nhịn Ăn Sáng là hình ảnh đẹp của học sinh, sinh viên thành phố về tấm lòng thơm thảo, sẻ chia với người nghèo. Để duy trì đều đặn các bếp ăn thiện nguyện, những thành viên trong nhóm nhiều lúc phải khóc thầm.

Làm việc thiện vẫn bị hắt hủi

Thùy Trâm (một thành viên của CLB thiện nguyện Nhịn Ăn Sáng) kể: Một hôm, CLB chỉ nấu 100 suất cơm. Khi các thành viên nhễ nhại mồ hôi mang cơm tới bệnh viện (BV) thì cũng đúng giờ trưa, bà con đã tụ tập rất đông. Do số người có mặt vượt quá suất cơm mà CLB chuẩn bị nên chẳng mấy chốc, cơm đã hết sạch. Lúc này, một người đàn ông trung niên lao đến, chỉ thẳng tay vào mặt Thùy Trâm, la lớn: “Tưởng có cơm phát miễn phí là ngon sao? Không thấy người ta đứng chờ cả buổi hả. Tôi nghèo tôi mới ra đây, chứ có tiền ra chen lấn làm gì để mấy người vô tâm khinh rẻ”.

Quán cơm xã hội Nụ Cười 1 (quận 1, TP HCM) đã cung cấp suất ăn với giá 2.000 đồng cho người nghèo 4 năm nay Ảnh: LÊ PHONG

Quán cơm xã hội Nụ Cười 1 (quận 1, TP HCM) đã cung cấp suất ăn với giá 2.000 đồng cho người nghèo 4 năm nay .Ảnh: LÊ PHONG

Bất ngờ bị phản ứng, Thùy Trâm ngơ ngác rồi không kịp giải thích, cũng không nói được câu gì, em bật khóc ngon lành giữa đám đông đang nháo nhác tò mò. “Cũng nhờ lần đó mà em hiểu được nhiều điều. Mới đầu chán và thất vọng lắm, cứ đặt câu hỏi là tại sao mình đang giúp họ mà lại bị hắt hủi. Thế rồi Trâm không buồn nữa và cứ nghĩ đó là bài học kinh nghiệm để mình mạnh mẽ hơn trong cuộc sống” – Trâm cười.

Không chỉ riêng Thùy Trâm, chuyện vấp phải phản ứng tiêu cực khi đi tặng cơm cho người nghèo, người vô gia cư… cũng là trải nghiệm để đời của nhiều bạn trẻ khác. Trần Nam, sinh viên năm cuối Trường CĐ Phát thanh – Truyền hình 2, từng gặp sự cố khi cùng nhóm phát cơm đến đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP HCM). Thấy một bác xích lô co ro ngủ bên đường, Nam đã lén bỏ hộp cơm nóng hổi bên cạnh bác. Vừa quay lưng, Nam bất ngờ bị ném trả hộp cơm.

“Tôi nghèo chứ không hèn, tự làm tự ăn, không nhận của ai thứ gì cả” – câu nói của người chạy xích lô đã làm Nam vô cùng thấm thía. Sau này, Nam có thêm một bài học khi phát cơm thiện nguyện: Phải xin phép trước khi muốn tặng ai cái gì đó!

Bên cạnh niềm vui khi hỗ trợ phần nào những hoàn cảnh khó khăn, các cá nhân và tổ chức phát cơm từ thiện ở TP HCM cũng rất bối rối khi vô tình tạo nên một đám đông nhốn nháo, lộn xộn, thậm chí giành giật, xô xát ở nơi công cộng. Anh Lê Văn Trung (chủ nhiệm CLB từ thiện Sen Hồng) cho biết đã vài lần liên hệ BV Ung bướu xin vào tận bên trong phát cơm cho bệnh nhân nhưng phía BV mong muốn cùng họ nấu cơm để bảo đảm chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Do nhóm hoạt động tự phát, nếu vào BV nấu cơm sẽ bị lệ thuộc thời gian nên đành tự nấu rồi mang đến trước cổng. Dẫu biết phần lớn cơm bị những người bên ngoài lấy nhưng dù sao cũng đã làm một việc ý nghĩa nên chúng tôi không bận tâm lắm” – anh Trung giải thích.

Làm từ thiện đúng cách

Quán cơm xã hội Nụ Cười 1 (số 6 Cống Quỳnh, quận 1) đến nay đã trở thành một địa chỉ uy tín được nhiều người tin tưởng đặt hàng những suất cơm từ thiện phân phát cho người nghèo. Quán cơm xã hội Nụ Cười 1 là quán cơm 2.000 đồng đầu tiên nằm trong dự án trợ giúp suất ăn giá rẻ của Quỹ từ thiện Tình Thương TP HCM. Quán khai trương tháng 10-2012. Ban đầu, quán bán khoảng 300 suất ăn vào các buổi trưa thứ hai, tư, sáu trong tuần. Hiện quán phục vụ khoảng 500 suất ăn từ thứ hai đến thứ bảy. Quán cơm xã hội Nụ Cười 1 thành công là bước đệm quan trọng cho chuỗi các quán cơm Nụ Cười khác ra đời sau này. Đến tháng 9-2015, các quán cơm Nụ Cười đã cung cấp hơn 1 triệu suất ăn giá rẻ cho người nghèo.

Khác với cách làm tình nguyện truyền thống, quán cơm Nụ Cười đã phát triển theo một cách bài bản với những đóng góp từ đội ngũ nhân viên và các tình nguyện viên xã hội. Thay vì phát cơm miễn phí, quán bán những suất cơm từ thiện với giá chỉ 2.000 đồng. Một con số tuy nhỏ nhưng lại giúp những người tới ăn bớt mặc cảm, thoải mái dùng bữa mà không phải lo nghĩ quá nhiều.

Từ thời sinh viên, chị Kiều Vân (quản lý quán) giống nhiều người bạn khác vẫn thường xuyên nhịn ăn sáng, trích ra một số tiền nhỏ để cuối tuần cùng nhau làm cơm từ thiện.

Theo chị, việc làm từ thiện cũng như chuyện làm dâu trăm họ. Chín người mười ý, người dễ tính thì cảm ơn, ai nóng tính thì la mắng, quát tháo vì cho rằng bị coi thường. Kể từ khi tìm đến quán cơm Nụ Cười,  chị Vân hiểu ra phương pháp làm từ thiện hợp lý hơn. Không nhất thiết miễn phí mới là hay, nhiều khi mua bán bằng tiền lại là phương án hợp lý giúp giảm khoảng cách giữa người làm từ thiện và người nhận quà từ thiện. Theo chị Vân, hiện nay, đa số hoạt động tình nguyện tại TP đều là những hoạt động mang tính tự phát nên rất khó khăn trong khâu quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Phần nhiều lượng thực phẩm đều được các nhà hảo tâm mang đến nên chất lượng nhiều khi cũng may rủi. Ngoài ra, sự liên kết giữa những nhà hảo tâm với nhau, giữa những CLB từ thiện với nhau vẫn khá lỏng lẻo.

“Chỉ cần mọi người chịu ngồi lại, chung tay đóng góp hoặc phân định thời gian phát sao cho phù hợp thì chắc chắn những cảnh tượng giành giật hay lựa chọn phần từ thiện nào ngon hơn mới lấy sẽ không còn” – chị Vân nói.

Ngoài ra, sự gắn kết giữa các CLB thiện nguyện sẽ giúp kêu gọi tài trợ bảo đảm nguồn kinh phí, sử dụng các nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng thì việc xin được cấp phép phát cơm từ thiện tại các BV lớn hoàn toàn có thể.

Theo Huỳnh Hoàng – Lê Phong | Người Lao Động


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: