Để phục vụ nhu cầu giặt giũ cho lượng cư dân đông đúc tại TP.HCM, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ giặt sấy tự động ngày càng mọc lên nhiều. Lý Hải rớt nước mắt nhớ lại thời hát lót, cầm cố nhà để duy trì nghiệp ca hát Dịch vụ cho thuê máy giặt quần áo nở rộ ở Sài Gòn Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ giặt sấy tự động mọc lên như nấm sau mưa ở Sài Gòn nhằm phục vụ nhu cầu giặt giũ quần áo cho lượng dân cư đông đúc tại đây. Kinh doanh cửa hàng giặt sấy tự động vốn không xa lạ đối với nhiều người trong những đô thị lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, làn sóng người di cư đổ về TP.HCM ngày một đông, diện tích sinh hoạt thu hẹp khiến cho nhu cầu thuê giặt của người dân tăng lên. Các cửa hàng giặt sấy tự động vì thế cũng mọc lên tương đối dày đặc. Chỉ trong khu vực với bán kính chưa đầy 1 km2 dọc theo hai con đường Nguyễn Kiệm và Thích Quảng Đức (phường 4, quận Phú Nhuận), người có nhu cầu có thể dễ dàng tìm được ít nhất 6 cửa hàng giặt sấy tự động. Mỗi tiệm nằm cách nhau chưa đầy 100 m. Chính điều này khiến nhiều người nghĩ đây là loại hình kinh doanh có thể “hái ra tiền”. Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn đúng như vậy. Vừa mở cửa hàng giặt sấy tự động được hơn 2 tháng nay, bà Hồ Thị Hải Yến cho biết vấn đề khó khăn nhất khi mở cửa hàng là ở thời gian đầu khi mà lượng khách quen chưa có. Ra đời sau những cửa hàng khác, để hút khách, tiệm của bà phải có các dịch vụ vượt trội hơn chỗ khác như máy giặt và máy sấy phải mới, sạch sẽ. Quần áo giặt xong cũng được bà gấp lại cẩn thận. Khách lấy đồ về chỉ việc cho vào tủ. Bà Yến mua mỗi chiếc máy giặt với giá 10 triệu đồng, máy sấy 8-9 triệu đồng. Chưa kể tiền thuê mặt bằng, chi phí để đầu tư một cửa hàng giặt sấy như vậy là trên 100 triệu đồng. Mỗi lần thuê giặt 7 kg quần áo, khách hàng phải bỏ ra 25.000 đồng (chưa bao gồm tiền xà bông, nước xả), tiền sấy 35.000 đồng. Tổng cộng, chi phí giặt và sấy khô cho mỗi 7 kg quần áo là khoảng 80.000 đồng. Là khách hàng thường xuyên của các tiệm giặt sấy, anh Tiếu Hoài Nam (nhân viên văn phòng) cho biết anh rất thích loại hình giặt sấy tự động này vì có nhiều ưu điểm. Công việc bận rộn và phải ở trọ nên những lúc cần giặt quần áo gấp, anh gửi đồ tại cửa hàng và chỉ 1-2 giờ sau là có thể lấy đồ, tự mang về phơi. Ngoài ra, quần áo được giặt sấy tự động còn có ưu điểm là sạch, thơm và được xếp sẵn ngay ngắn với giá cả rất phải chăng. Hôm nay, anh giặt sấy 5 kg quần áo với giá là 56.000 đồng. Tính đến nay, sau hơn 2 tháng mở cửa, tiệm của bà Yến đã có lượng khách hàng quen và ổn định, đảm bảo trang trải gần 10 triệu đồng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng. Tuy nhiên, không phải cửa hàng giặt là nào mở ra cũng đắt khách như vậy. Cách đó không xa là cửa hàng của bà Kim Loan nằm trên đường Thích Quảng Đức. Bà cho biết do càng ngày càng có nhiều cửa hàng mở ra nên giá cả rất cạnh tranh. Gần đây, giá nước xả tăng mạnh nên bà không dám tăng giá giặt sấy vì chỉ cần lên 5.000 đồng là khách bỏ dịch vụ. Cũng đầu tư trên 100 triệu đồng tiền máy móc, tuy nhiên, để gánh khoảng tiền 12 triệu đồng thuê mặt bằng mỗi tháng, bà phải cho thuê lại một phần mặt tiền cửa hàng cho dịch vụ ăn uống. Tính ra mỗi tháng, nếu tình hình kinh doanh thuận lợi, bà chỉ có lợi nhuận 5-7 triệu đồng và “thứ bảy, chủ nhật không có thời gian nghỉ vì hàng đổ về nhiều”. Cùng tình trạng như trên, ông Võ Văn Trung đã kinh doanh loại hình này gần 10 năm. Cửa hàng của ông duy trì được đến nay vì có lượng khách quen ổn định vì có thêm dịch vụ hấp áo vest, đầm dạ hội chuyên biệt. Mỗi bộ vest, đầm sau khi được tẩy sạch qua nhiều công đoạn và hấp thơm có giá từ 80.000 đồng. “Riêng một máy hấp đã có giá gần 100 triệu đồng và cũng nhờ có dịch vụ này mà cửa hàng của tôi mới có thể cạnh tranh với các cửa hàng giặt sấy mới ra sau này”, ông Trung cho biết. Tại nước phát triển, các cửa hàng giặt sấy thường được để cho khách hàng tự phục vụ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn chủ tiệm đều không để khách tự phục vụ. Vì thế, nghề trông coi các cửa hàng giặt sấy tự động được hình thành, phục vụ những cá nhân, hộ gia đình ở trọ tại các thành phố lớn. Theo TGTT