Kể về những người hùng cứu nạn giữa lằn ranh sinh tử: Chạy vào chỗ chết để giành lấy sự sống cho người khác!


Đằng sau cuộc chiến sinh tử giữa lằn ranh sống – chết, hàng trăm cư dân tại chung cư Carina Plaza may mắn được những người hùng cứu giúp. Bàn tay họ nắm lấy nhau, rồi khi đám cháy được dập tắt, có người trở về với bao thương tật bên mình, nhưng cũng có người mãi mãi nằm lại.

Vụ cháy chung cư Carina quận 8: đồ ăn miễn phí tặng người hoạn nạn

Sau vụ cháy, người dân vạ vật qua đêm ở vỉa hè

Cuộc chiến với “giặc lửa” tại chung cư Carina Plaza (quận 8, TPHCM) kết thúc vào chiều ngày 23/3. Mọi thứ đã chấm dứt, khói bụi cũng tạm bị đẩy lùi. Tòa nhà sừng sững giữa đất trời vừa trải qua một trận chiến ác liệt từ rạng sáng. Những vết bàn tay cào nhẹ trên tường, dấu chân người hỗn loạn dưới sàn nhà, tiếng hét thất thanh vang lên đến xé lòng, hàng trăm cư dân đã phải đấu tranh giữa lằn ranh sống – chết vào đêm định mệnh đó.

Đến bây giờ, ánh mắt của họ chứa đầy sự mệt mỏi, lo toan. Có người mất tất cả, tài sản, kỷ niệm và mất cả người thân.

Chúng ta ngồi đây và cùng kể về những người hùng đã xuất hiện trong cái đêm kinh hoàng hôm đó. Những anh hùng giữa thời bình, có thể là bất cứ ai, từ chú hàng xóm, bác bảo vệ, anh hùng cứu hộ hay thậm chí là 2 chú chó thông minh cố gắng “báo động” cho người chủ.

Những người lính cứu hỏa – bao giờ cũng thế, cứ ở đâu người kêu cứu, ở đó có các anh. Chỉ sau ít phút nhận tin báo, lực lượng chức năng PCCC quận 8 đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Lúc này hai tòa chung cư nghi ngút khói, tầm nhìn gần như bị che khuất. Thỉnh thoảng ở đâu đó dưới tầng hầm lại phát ra tiếng nổ. Còn trên những tầng cao, người dân đang kêu gào, la hét thất thanh. Họ khát khao được cứu sống, được thoát ra khỏi biến cố ghê gớm này

Lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường.

Lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường.

“Người dân cầu cứu bằng khăn, điện thoại và đèn pin”, Đại úy Châu Thanh Quang (Đội trưởng chữa cháy chuyên nghiệp quận 8) nhớ lại.

Do xe thang không thể vươn tới các tầng cao, rất đông chiến sĩ PCCC đã đeo mặt nạ chống độc rồi đu ban công lao vào “chảo lửa” cứu người. Hành lang mịt mù khói, các chiến sĩ mò mẫm, gõ từng cánh cửa để chắc chắn không còn nạn nhân mắc kẹt. Có những cư dân người mệt lã, ngất xỉu các anh phải ôm, cõng trên lưng đưa đến nơi an toàn. Tất cả nỗ lực tác chiến xé màn đêm, giải cứu được hàng trăm nạn nhân.

Đại úy Châu Thanh Quang (Đội trưởng chữa cháy chuyên nghiệp quận 8).

Đại úy Châu Thanh Quang (Đội trưởng chữa cháy chuyên nghiệp quận 8).

Một chiến sĩ trẻ tham gia cứu hộ tại hiện trường kể, anh chưa bao giờ gặp vụ hỏa hoạn nào kinh khủng đến như thế. Anh cùng đồng đội phát hiện 5 thi thể tại tầng 3, chủ yếu là phụ nữ. Thực sự đó là một nỗi ám ảnh không chỉ với cá nhân anh, mà còn với bất kỳ ai chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó: Những xác người cháy đen khó nhận dạng…

Trận chiến lửa giặc tại chung cư Carina lấy cạn sức của các chiến sĩ PCCC suốt 7 tiếng đồng hồ. Khuôn mặt lấm lem khói và dầu nhớt, các anh ngồi bần thần bên nhau, nhìn vào tòa nhà đầy trăn trở vì vụ cháy khiến nhiều người chết và bị thương quá.

“Làm nghề này thì trong đám cháy người ta chạy thoát ra, còn chúng tôi phải lao vào trong. Cứu được càng nhiều người thì càng vui vì mình đã làm một cái gì đó có ích cho đời”, Đại úy Quang mặt lem luốc khói đen chia sẻ.

Đồng nghiệp của anh An kể lại giây phút cùng anh cứu người dân.

Đồng nghiệp của anh An kể lại giây phút cùng anh cứu người dân.

Vụ cháy tại Carina cướp đi 13 sinh mệnh, trong số họ có những người hùng đã tạm quên sinh tử của mình để lao vào biển lửa, rồi mãi nằm lại dưới đống khói bụi lạnh lẽo kia… Anh Trần Văn An (48 tuổi) – là bảo vệ chung cư Carina. Hôm trước đó, anh vừa nộp đơn xin phép nghỉ một ngày để dự đám cưới người thân. Lúc hỏa hoạn ập đến, anh An cùng hai đồng nghiệp khác chạy lên tri hô, hỗ trợ người dân tìm đường tháo chạy.

“Hãy theo tôi”, anh An nói với hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Lam (30 tuổi) rồi đưa họ đến một căn hộ có ban công. Anh quăng nệm xuống đất, dùng dây, bắc thang cho họ lần lượt trèo xuống. Cứ như thế 40 người được anh và đồng nghiệp cứu thoát ngoạn mục khỏi tay tử thần.

Đến trưa 23/3, anh An qua đời vì ngạt khói. Khuôn mặt và chân tay anh lúc được đưa về nhà vẫn còn lấm lem. Ngôi nhà nhỏ của anh cách chung cư Carina chừng 2km trên đường An Dương Vương có treo chiếc cờ tang rũ xuống. Nhiều người may mắn được anh cứu sống lặng lẽ đến viếng. Họ gọi anh là anh hùng: “Nếu không có chú An, cả gia đình con mất rồi”.

Kể về những người hùng cứu nạn giữa lằn ranh sinh tử: chạy vào chỗ chết để giành lấy sự sống cho người khác! - Ảnh 5.

Đám cháy bùng phát quá bất ngờ, trong khi chuông báo cháy lại không hoạt động. Trước khi lực lượng chức năng kịp tiếp cận hiện trường, nhiều người dân trên đường tháo chạy đã cố gắng gõ cửa từng nhà để thông báo: Cháy rồi bà con ơi, cháy rồi!”. Trong ký ức của họ, nỗi ám ảnh và đau thương cứ mãi in hình trong từng lớp suy nghĩ vì không thể cứu được nhiều người hơn nữa. “Chỉ nghe tiếng la thất thanh, tiếng khóc lóc…! Cuộc đời chưa từng thấy bản thân bất lực đến vậy. Bởi chẳng thể giúp gì hơn nữa cho những người đang kêu cứu mắc kẹt bên trong”.

Chú chó bị thương và bỏng sau khi cùng gia đình chủ thoát khỏi đám cháy dữ - Ảnh: Biên Hòa Young

Chú chó bị thương và bỏng sau khi cùng gia đình chủ thoát khỏi đám cháy dữ – Ảnh: Biên Hòa Young

Hai trong số những “người hùng” đặc biệt cứu người giữa làn khói đen đêm 23/3, là 2 chú chó cưng của gia đình anh Danny Nguyễn (29 tuổi). Vào lúc xảy ra vụ cháy, anh cùng người vợ đang mang bầu ở trong phòng ngủ không hề hay chuyện. Khói độc bốc lên mỗi lúc một dày, thế rồi có lẽ gia đình anh đã chẳng thể kịp thời thoát được nếu như không nghe thấy tiếng sủa và cào cửa rất lớn của 2 chú chó. Anh Danny ra mở cửa thì thấy khói đã mù mịt cả căn phòng nên đã dẫn cả gia đình chạy thoát.

Trong hoạn nạn là lúc con người ta dũng cảm và “liều mình” nhất. Là khi nỗi đau của mình hòa cùng nỗi đau của đồng bào, cái chết khi đó cũng không còn đáng sợ nữa. Có những người hùng đã mãi nằm lại và sự hy sinh của họ biến thành động lực, bài học cho những người ở lại. Đám cháy được dập, nhưng vẫn còn đó những day dứt. “Giá mà cứu được nhiều tính mạng hơn”, “Giá mà gõ cửa được nhiều nhà hơn”. Nhưng chúng tôi tin mọi nỗ lực trong thời điểm đó đã vượt qua ngưỡng hạn chế và điều băn khoăn về sự hiểm nguy cũng đã tan biến theo.

“Thà mình chết chứ không để cư dân chết, đấy là trách nhiệm của chúng tôi!”, cậu thanh niên trẻ tuổi Lê Gia An (bảo vệ chung cư) khảng khái.

Vụ cháy Carina một lần nữa khiến chúng ta giật mình nhìn lại, bởi những mất mát thương đau quá lớn sau những sự cố cháy nổ. Những anh hùng xuất hiện đằng sau tấn khói lửa mịt mù, có người nằm lại, có người trở về với bao thương tật bên mình.

Anh bảo vệ Trần Văn An đã mãi nằm lại sau khi đánh đổi tính mạng của mình để giành sự sống cho 40 người khác. Anh chiến sĩ PCCC Chử Văn Khánh ra đi sau tai nạn giao thông khủng khiếp khi xe cứu hỏa va chạm với xe khách trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Anh dừng chân ở tuổi 26, khi mà những giấc mơ và hoài bão còn chất đầy.

Kể về những người hùng cứu nạn giữa lằn ranh sinh tử: chạy vào chỗ chết để giành lấy sự sống cho người khác! - Ảnh 8.

Kể về những người hùng cứu nạn giữa lằn ranh sinh tử: chạy vào chỗ chết để giành lấy sự sống cho người khác! - Ảnh 8.

Kể về những người hùng cứu nạn giữa lằn ranh sinh tử: chạy vào chỗ chết để giành lấy sự sống cho người khác! - Ảnh 8.

Ngày tiễn đưa anh Khánh trên nền nhạc Hồn tử sĩ tại nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai, hàng trăm chiến sĩ PCCC từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đều không giấu được những giọt nước mắt. Họ – những người lính bình thường gan dạ, can đảm trên trận chiến giặc lửa bao nhiêu thì lúc này lại yếu đuối bấy nhiêu. Các anh khóc một phần thì bố mẹ anh Khánh như đứt từng khúc ruột, khóc than cả vùng quê yên tĩnh giữa đêm khuya nhận tin con từ trần trong bệnh viện.

Anh Trần Tuấn Thanh – người chiến sĩ PCCC ôm cánh tay bị bỏng nặng, da gần như bị lột hoàn toàn trông vô cùng đau đớn. Tấm lưng của anh đỏ rát loang lổ. Anh Thanh lúc đó chỉ biết bặm chặt môi để “cản” nỗi đau của cơ thể. Anh chỉ ngồi một góc, rên khẽ trong miệng nhìn về hiện trường đám cháy nơi đồng đội của anh vẫn đang nỗ lực dập lửa. Trước đó anh vẫn mãi hì hục sửa chiếc máy bơm dưới tầng hầm chung cư nhưng không may gặp sự cố.

Kể về những người hùng cứu nạn giữa lằn ranh sinh tử: chạy vào chỗ chết để giành lấy sự sống cho người khác! - Ảnh 9.

Cũng trong hoàn cảnh bị thương nặng như anh Thanh nhưng chàng chiến sĩ PCCC 22 tuổi Nguyễn Văn Quang không may phải tạm gác giấc mơ sang một bên. Tai nạn xảy đến với anh vào 0h đêm 15/10/2015, khi đó Quang được đơn vị giao nhiệm vụ đi tiếp viện cứu chữa một đám cháy lớn ở cụm làng nghề Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội). Đến khi thấy bỏng rát ở chân anh mới biết đó là nhựa trong xưởng bị nóng tràn ra. Khi vừa kịp phát hiện thì dòng nhựa đặc quánh đã chảy quanh chân khiến anh trượt ngã. Một đồng đội từ phía sau vội kéo Quang ra khỏi vũng nhựa nhày nhụa.

Cứ mỗi lần nghe chuông, anh lại nhớ nghề, nhớ đồng đội.

Cứ mỗi lần nghe chuông, anh lại nhớ nghề, nhớ đồng đội.

Quang phải trải qua 4 lần phẫu thuật để chữa trị vết thương, cánh tay trái từng cầm vô lăng chiến đấu giờ đã tàn phế, cả bàn tay giống như chân vịt, không phân biệt được các ngón. Nhiều bộ phận khác trên cơ thể như lưng, chân vẫn biến dạng. Có những lúc chàng lính trẻ rất tuyệt vọng và chỉ ước mình mất trí nhớ đi để khỏi phải chịu sự đau đớn đến vậy.Nhiều lúc nghe được tin có vụ cháy lớn, Quang nói: “Nhớ nghề lắm nhưng đành ngậm ngùi vì không thể sát cánh được cùng đồng đội”.

Mới đây nhất vào trưa 25/3 ở Hà Tĩnh, vụ cháy lớn tại quán Karaoke Kingdom đã khiến một chiến sĩ cứu hỏa bị cắt gần đứt ngón tay. Đó là Trung úy Hoàng Trọng Điệp – thuộc Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh Hà Tĩnh, trong lúc khoan cắt tường ở tầng 4, tầng 5 của quán karaoke Kingdom Club để tiếp cận đám cháy, anh đã bị máy cắt đứt gần lìa ngón tay.

Trung úy Điệp được đồng đội lập tức chuyển xuống đất sơ cứu, sau đó đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Vụ cháy tại chung cư Carina ngày 23/3 như một nốt lặng “giáng” xuống Sài Gòn vào một ngày u buồn tháng 3. Là tin buồn, buồn nhất sau 16 năm thảm họa ITC. Tiếng khóc than, nước mắt và cả máu đã hòa vào nhau. Nhưng trong đau thương nhất vẫn có những trái tim yêu thương mãnh liệt đến vậy.

Cũng như nhà báo Thiên Chương từng hỏi một cậu chiến sĩ trẻ PCCC: “Em ơi, em có nhớ đêm đó em cứu được bao người không”. Thằng nhỏ cười hiền từ: “Lúc đó hoảng loạn lắm anh. Ai mà nhớ rõ chính xác mình cứu được bao nhiêu thì chắc người đó chỉ đứng chơi. Chứ tụi em ôm bình dưỡng khí, lao vô đám khói, tìm được người nào thì tìm cách đưa họ ra, rồi lại vội vã quay vào khói bụi để tìm tiếp. Người chứng kiến cũng chẳng ai mà rảnh đứng đó đếm coi ai cứu được bao người đâu anh ơi”. Nói xong nó cười tiếp.

Những con người hy sinh quên mình đó, họ nhận được gì, họ mong muốn gì? Không phải tiền, cũng chẳng phải để được tôn vinh. Họ làm chỉ vì một ý muốn duy nhất: Cứu người sớm nhất có thể!

Kể về những người hùng cứu nạn giữa lằn ranh sinh tử: chạy vào chỗ chết để giành lấy sự sống cho người khác! - Ảnh 12.

Mỗi vết thương in hằn trên cơ thể, mỗi ký ức nằm lại trong suy nghĩ nhắc nhở họ phải tiếp tục trên con đường của mình với một tôn chỉ duy nhất. Sự hy sinh, cái chết đôi khi chẳng là gì với những người vốn đã mang trong mình dòng máu anh hùng. Họ như những “con thiêu thân”, sẵn sàng lao vào mọi cuộc chiến mà chẳng màng tới bản thân mình.

Sài Gòn tháng 3, xin cảm ơn tất cả các anh – những người hùng trong gian nan, vì những điều đẹp đẽ và đáng trân quý nhất!

Kể về những người hùng cứu nạn giữa lằn ranh sinh tử: chạy vào chỗ chết để giành lấy sự sống cho người khác! - Ảnh 13.

Theo tinmoi


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: