Cậu bé Hoàng Lâm ú ớ đến 30 giây mới phát âm ra thành tiếng “cái qu… ần” rồi cầm nó bỏ vào đúng giỏ và ngay lập tức nhận được lời tán thưởng của cô giáo: “Đúng rồi! Con giỏi lắm”. Trường học đẹp như khách sạn Ngôi trường Khai Trí dành cho trẻ tự kỷ nằm ẩn sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo tĩnh lặng giữa Sài Gòn ồn ã, ở đây có hơn 160 trẻ đang được trị liệu về tâm lý và hành vi. Giáo viên đang dạy bơi cho các bé.Ảnh: Hoài Nhơn. Hàng ngày lên lớp, các giáo viên phải vận động liên tục: dạy bơi, vận động, dạy phân biệt màu sắc, quần áo… Khoảng sân trường nhỏ lúc nào cũng rộn rã, khi các lớp Sơn Ca, Sóc Nâu thường tập trung giữa sân để tập xếp hàng. Ở lớp Sóc Nâu có hơn 10 trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ, các em không nói được. Giáo viên phải hướng dẫn các bé chơi trò chạy lòng vòng sân, leo cầu thang trượt, thổi bong bóng. “Trò chơi kết hợp với thổi bong bóng nhằm khởi động bộ máy phát âm cho trẻ tự kỷ. Phải kiên trì như vậy cả năm trời các em mới có thể bập bẹ được một vài từ”, một cô giáo chia sẻ. Không dễ dàng dụ được các em nghe theo hiệu lệnh, hầu như học trò lúc nào cũng chạy lung tung khiến các giáo viên phải toát mồ hôi đuổi theo. Một giáo viên đang hướng dẫn bé đi thăng bằng.Ảnh: Hoài Nhơn Ở lớp Sơn Ca, một cô giáo phải rất vất vả và nhẫn nại khi hướng dẫn một cậu học trò phân biệt quần và áo. Cô giáo cầm cái quần hỏi: “Hoàng Lâm ơi, cái này là gì?”, cậu bé phải mất khoảng 30 giây mới phát ra thành tiếng “Cái quâ… ần”. Sau mỗi lần như thế, cô giáo không quên những lời khích lệ “Đúng rồi! Con giỏi lắm! Yeah!” cùng một màn đập tay thể hiện tinh thần đồng đội. Học cứ như thể chơi, người thầy cứ như một đứa trẻ con hiểu được tâm lý trẻ luôn đồng hành động viên các em. Cô giáo Phạm Hồng Thắm với hơn 6 năm kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ cho biết, hồi vào nghề nhận lớp nhiều trẻ không nói, thường khóc, quấy và đánh cả cô giáo. Rồi sau cả năm ròng cùng chơi, khích lệ các em từng ngày, bé cảm thấy được yêu thương nên dần dần cũng mở lòng với cô giáo. Ở lớp cô giáo Thắm, có khoảng 10 em. Cô giáo chỉ đằng xa có một cậu học trò đang nghiêm chỉnh đồ theo những con chữ trên vở, cô cười và kể chàng ấy ngày xưa quậy nhất, đánh cả cô giáo. Với tiến độ phát triển tốt thêm vài tháng nữa cậu học trò của cô Thắm có thể hòa nhập lớp 1 như bao bạn bình thường. Phụ huynh Võ Thị Hồng Lan (37 tuổi, Tiền Giang) rơi nước mắt khi chia sẻ về bao công sức chiến đấu với căn bệnh tự kỷ của hai mẹ con chị, nay đã được đền đáp. Cách đây hơn 3 năm chị đem con lên trường Khai Trí, sau một năm bé học tiến triển rất tốt nhưng kinh tế khó khăn khiến chị dừng lại giữa chừng. Khi đó, chị Lan nuốt nước đem bé Minh Mẫn vào gửi trường khuyết tật Thị Nghè để đi kiếm tiền nuôi con. Người mẹ tuyệt vọng khi con cứ khóc và liên tục đòi đi học. Biết hoàn cảnh chị khó khăn, nhà trường đã nhận lại hai mẹ con, giảm học phí, cho chị Lan được làm tạp vụ tại nhà ăn của trường để có tiền trang trải tiền trọ và học cho con. Chị khoe, ngày 15/8 tới con trai chị sẽ được nhập học ở một trường bình thường, chị đang chuẩn bị sách vở, quần áo cho con nhập học. “Nhìn lại gần 4 năm chiến đấu, tôi thấy nhìn lên mình không bằng ai nhưng nhìn những người mẹ có con tự kỷ tôi là người hạnh phúc nhất”, chị Lan vừa nói với rơm rớm trong niềm hạnh phúc. Giáo viên nước ngoài đang trò chuyện với một học sinh.Ảnh: Hoài Nhơn Bà Võ Thị Thùy – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ, mỗi năm trường đưa khoảng 20 em hòa nhập với cuộc sống bình thường. Hiện tại trường đang cố gắng giữ những giáo viên yêu nghề, truyền lửa cho các em có tình yêu thương đối với trẻ khuyết tật. Theo Hoài Nhơn/vnexpress.net