Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cho biết có sự tham gia của các tổ chức tín dụng liên quan vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hủy 9 đợt phát hành trái phiếu với tổng trị giá hơn 10.000 tỉ đồng của nhóm doanh nghiệp (DN) liên quan Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tân Hoàng Minh). Trong đó, có ngân hàng (NH) mua trái phiếu (NH cho DN vay vốn thông qua trái phiếu) và 2 NH nhận quản lý tài sản bảo đảm của DN phát hành trái phiếu.

Mượn danh ngân hàng để huy động vốn (!?)

Chiều 6-4, NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) khẳng định “VietinBank không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu trên”. VietinBank chỉ thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý tài sản cho các đợt phát hành trái phiếu của nhóm DN liên quan Tân Hoàng Minh.

Trước đó, NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng khẳng định chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil trị giá 800 tỉ đồng và lô trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trị giá 800 tỉ đồng.

Ngăn bom trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu với mục đích huy động vốn cho nhiều dự án bất động sản. Ảnh: MINH CHIẾN

Lãnh đạo một công ty chứng khoán tại TP HCM nhìn nhận nếu Tân Hoàng Minh không đủ tiền để trả vốn gốc và lãi trái phiếu thì đồng nghĩa tổ chức tín dụng mua trái phiếu “dính” nợ xấu và không biết khi nào mới thu hồi vốn được.

Còn việc nhóm DN liên quan Tân Hoàng Minh giao cho NH quản lý tài sản bảo đảm là một trong những chiêu thức khiến nhiều người nhầm tưởng NH sẽ chi trả thay nếu DN không thanh toán được. Từ đó, để thu hút người mua, các công ty chứng khoán làm kênh phân phối thường tiếp thị rằng trái phiếu có sự tham gia của NH để thu được 0,2%-1% tiền phí từ DN phát hành.

“Thực chất của việc NH quản lý tài sản là để thu phí DN. Đồng thời, NH có trách nhiệm phối hợp với DN bán các tài sản bảo đảm, quản lý dòng tiền chi trả thay cho người mua trái phiếu nếu DN phát hành mất khả năng thanh toán” – vị lãnh đạo công ty chứng khoán nói rõ.

Ngăn bom trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 2.

Dự án D’. Palais Louis của Tập đoàn Tân Hoàng Minh ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội .Ảnh: MINH CHIẾN

Thâm nhập thực tế, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận một công ty chứng khoán làm đại lý phát hành trái phiếu tập đoàn S. (trụ sở chính ở TP Hà Nội). Nhân viên công ty này chào mời người dân mua trái phiếu tập đoàn S. kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 10%, tài sản bảo đảm là các dự án mà tập đoàn này đầu tư tại Hà Nội, Nha Trang (Khánh Hòa)… Khi người mua hỏi có đơn vị bảo lãnh thanh toán không, nhân viên công ty chứng khoán cho biết có một NH tham gia quản lý tài sản, đồng thời người mua trái phiếu được thế chấp trái phiếu để vay lại vốn tại một NH.

Đáng lưu ý, chủ của tập đoàn S. còn là chủ của NH nhận thế chấp trái phiếu! Như thế, nhà đầu tư mua trái phiếu rồi thế chấp trái phiếu để vay vốn NH đồng nghĩa với NH đã gián tiếp cho tập đoàn S. vay tiền thông qua trái phiếu mà tập đoàn này bán cho khách hàng. Nếu tập đoàn S. mất khả năng thanh toán trái phiếu dẫn đến người đã thế chấp trái phiếu vay tiền NH không trả được nợ thì NH sẽ dính nợ xấu.

Tương tự, chủ của một NH ở TP HCM đồng thời là chủ của DN bất động sản cũng “hợp tác” phát hành trái phiếu. Theo đó, NH làm kênh phân phối trái phiếu cho DN và sẵn sàng thu mua trái phiếu khi nhà đầu tư có nhu cầu bán lại. Như vậy, NH này gián tiếp cho DN vay tiền – chiêu thức phát hành trái phiếu DN mà các “đại gia” NH và bất động sản từng áp dụng từ hơn 10 năm trước.

Thực tế đáng lo ngại

Không phải đến khi vụ việc các lô trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tân Hoàng Minh bị hủy, các chuyên gia mới cảnh báo về những lỗ hổng của trái phiếu DN. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục cảnh báo việc phát hành trái phiếu DN riêng lẻ bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Báo cáo thị trường trái phiếu DN năm 2021 của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy bức tranh đáng lo ngại. Chỉ tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172.500 tỉ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành năm 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản bảo đảm.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, phân tích thời gian qua, dù phát hành riêng lẻ nhưng thông qua kênh phát hành từ các NH và công ty chứng khoán, trái phiếu của nhiều DN bất động sản đã được phân phối đến nhà đầu tư cá nhân. Số lượng trái phiếu phát hành dưới hình thức huy động vốn nhắm vào cộng đồng nhà đầu tư cá nhân này có thể lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng. Trường hợp DN phát hành sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả nợ, nhà đầu tư cá nhân sẽ gặp nguy hiểm.

“Huy động vốn dưới dạng tiền gửi NH được thực hiện dưới cơ chế giám sát rất chặt của NH Nhà nước. Trong khi đó, huy động vốn từ trái phiếu, do các NH, công ty chứng khoán phân phối cho nhà đầu tư cá nhân lại đang có sự giám sát rất lỏng lẻo. Nếu đây là tác nhân dẫn đến việc kiểm soát nợ xấu không hiệu quả thì rủi ro sẽ đổ dồn về nhà đầu tư cá nhân” – luật sư Trần Minh Hải nhìn nhận.

Theo TS Nguyễn Quốc Anh, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM, trong điều kiện hệ thống NH ngày càng siết chặt dòng vốn tín dụng trung dài hạn, phát hành trái phiếu là một trong những kênh huy động vốn của DN. Dù vậy, thị trường này đang có những lỗ hổng rất lớn đòi hỏi cơ quan quản lý sớm siết chặt để phát triển lành mạnh.

“Lỗ hổng này nằm ở đặc điểm “3 không” (không có xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản bảo đảm và không có bảo lãnh thanh toán) của trái phiếu DN. Rất nhiều trái phiếu của DN nhỏ và vừa phát hành trên thị trường có đặc điểm này gây rủi ro cho nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cần rà soát lại quy định cụ thể về DN nào được phát hành trái phiếu huy động vốn, cụ thể là DN hoạt động trong lĩnh vực nào, huy động cho mục đích gì và sử dụng vốn đã huy động ra sao? Những yếu tố này cần phải công khai để nhà đầu tư biết trước khi quyết định mua trái phiếu” – TS Nguyễn Quốc Anh phân tích.

Cũng theo TS Quốc Anh, xếp hạng tín nhiệm độc lập DN cũng là một lĩnh vực cần phải được chú trọng trong thời gian tới để có những tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm khách quan, minh bạch. Ngoài ra, cơ chế giám sát, thanh – kiểm tra và hậu kiểm của cơ quan quản lý cũng cần được tăng cường. “Có tình trạng DN thông qua đơn vị trung gian quảng cáo trái phiếu để phát hành với mục đích huy động vốn nhưng sử dụng ra sao, hiệu quả không… là dấu hỏi lớn, đẩy rủi ro về phía người mua và nắm giữ trái phiếu này” – ông Quốc Anh nói thêm.

Lưu ý nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu DN, ông Nguyễn Nhật Hoàng, Phó Phòng Phân tích rủi ro tín dụng FiinRaings, nhấn mạnh nhà đầu tư cần đọc kỹ điều khoản hợp đồng trái phiếu với các nội dung như: cam kết bảo lãnh là bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh cho phía nhà phát hành; cam kết mua lại thì điều kiện để được mua lại là gì… Đồng thời, lưu ý đến sức khỏe của DN phát hành trái phiếu, đặc biệt là mục đích huy động vốn để triển khai dự án nào, có đúng tiến độ không? Cuối cùng, nhà đầu tư cần biết khoản đầu tư bỏ ra có hiệu quả không và rủi ro ra sao?

Hàng loạt vụ bán “chui” trái phiếu

Công ty CP APEC (APEC Group) vừa bị xử phạt 600 triệu đồng vì từ ngày 18-1 đến 6-8-2021, đã chào bán một số lô trái phiếu, tổng trị giá hơn 500 tỉ đồng, ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký UBCKNN theo quy định. Ngoài ra, DN này còn bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán cũng như hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của NH nơi mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc.

UBCKNN quyết định xử phạt Công ty CP Tập đoàn VsetGroup 600 triệu đồng vì đã chào bán trái phiếu sai quy định, đồng thời yêu cầu VsetGroup thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả tiền hoặc tiền đặt cọc cho nhà đầu tư tính thêm tiền lãi (tiền gửi không kỳ hạn). Trước đó, từ ngày 1-1-2020 đến 27-10-2021, VsetGroup đã chào bán trái phiếu của công ty cho các nhà đầu tư nhưng không nộp hồ sơ đăng ký cho UBCKNN theo quy định. Theo thông tin từ VsetGroup, đợt phát hành trên đã có 2.000 nhà đầu tư tham gia. Trước đó, DN này quảng cáo rằng đầu tư trái phiếu vào DN sẽ có lợi nhuận hấp dẫn, không cần kinh nghiệm, không rủi ro. Đáng lưu ý, VsetGroup cho biết đơn vị phát hành là Công ty CP Chứng khoán BOS.

Theo Báo Người Lao Động