Đêm 4/12, hình ảnh người cha đưa hai con xuống phố hát rong bán kẹo mút kiếm tiền nuôi con đã khiến hàng trăm người đi đường tại góc Xuân Diệu – Hoàng Văn Thụ (Tân Bình, TP HCM) xúc động. Cha con cậu bé 11 tuổi hát rong ở quán nhậu Sài Gòn Những phận người nghèo trong đêm mưa Sài Gòn Quê ở Thừa Thiên Huế, năm 2004 vợ chồng Nghị vui mừng chào đón đứa con trai đầu lòng. Tuy nhiên niềm vui không thể kéo dài bởi gần một năm sau đó, bé Đặng Hữu Toàn vẫn không phát triển cân nặng và chiều cao, đặc biệt vòng đầu bị teo nhỏ. Anh Nghị cùng hai con trai xuống phố hát rong bán kẹo. Ảnh: Thiên Chương Lo lắng vì nghĩ còn gặp chuyện chẳng lành, người bố đưa bé đi khắp các bệnh viện ở Huế và các bệnh viện ở Hà Nội để khám. “Kết quả nhận được như sét đánh ngang tai. Các bác sĩ cho biết con tôi bị teo não không thể chữa trị được”, anh Nghị nói. Gạt nước mắt nuôi con, đến năm 2007 vợ chồng anh Nghị nuôi ước mơ có đứa con thứ hai lành lặn nên đã thăm khám thật kỹ trước khi mang thai. Mọi việc xảy ra hoàn toàn bình thường, thai nhi phát triển tốt, thế nhưng điều xấu lần thứ hai lại ập xuống. Bé Đặng Hữu Tùng ra đời mang căn bệnh giống hệt như anh trai mình. “Tôi đã khóc đến không còn nước mắt mỗi khi nhìn hai con mặt mày sáng sủa nhưng ngờ nghệch ngây ngô. Đến 3 tuổi, rồi 5 tuổi, hai bé vẫn không thể nói chuyện, mồm miệng cả ngày chỉ há há. Tôi đau như thể ai cầm dao cứa vào tim mình nhưng vẫn cố hết sức để nuôi con”, người bố kể. Năm 2010, thấy ở Huế loay hoay mãi không đủ tiền lo cho con, anh Nghị quyết định đưa vợ con vào Nam sinh sống đồng thời cũng muốn tìm kiếm cơ hội chữa trị cho các con. Chọn vùng ven để tiết kiệm chi phí, anh và vợ thuê căn nhà nhỏ ở thay nhau đi bán vé số và chăm con, thế nhưng chỉ vài tháng sau, túng thiếu vẫn quàng túng thiếu, cả nhà đưa nhau trở lại quê. “Về Huế được 2 năm thì vợ tôi quyết định chia tay. Tôi đồng ý vì xem như hết duyên. Cô ấy ra đi cùng cậu con trai nhỏ. Nhưng chỉ được một năm sau đó, chắc quá túng thiếu vợ tôi trở về giao luôn con cho tôi chăm sóc. Một lần nữa tôi quyết định một mình đưa hai con vào TP HCM”, anh Nghị nói. Gom góp tiền từ những tấm lòng nhân ái, anh Nghị thuê căn phòng nhỏ ở quận Bình Tân làm nơi nương náu. Hai bé bệnh tật hoàn toàn phụ thuộc vào cha nên anh Nghị không còn thời gian để làm việc kiếm sống, nhiều lần anh có ý định bỏ con ở ngôi chùa nào đó rồi bỏ đi biệt xứ nhưng đêm lại nằm mơ thấy các con anh bị người ta đánh đập, ý định nhanh chóng tan biến. Anh quyết định “sống chết cũng ở cùng con”. Hai cậu bé ngô nghê khiến nhiều người xúc động. Ảnh: Thiên Chương Những ngày đầu về Sài Gòn sinh sống, trong tận cùng của khốn khó, người cha vun vén những đồng tiền dành dụm để mua sữa mua cháo đút cho con còn mình chỉ dám ăn mì tôm uống nước lã. Chứng kiến cảnh gà trống nuôi con của Nghị, hàng xóm cầm lòng không đặng, chẳng phải giàu có gì hơn nhưng có thứ gì ngon cũng mang sang cho. Hình ảnh ba cha con có cảnh sống chật vật sau đó được nhiều người biết hơn khi một số người chia sẻ trên mạng xã hội. Được nhiều người thấy thương đến thăm và giúp đỡ, thậm chí nhiều người tốt và một số cán bộ còn giúp đỡ tạo điều kiện để cất một căn nhà nhỏ che nắng che mưa cho hai bé, thế nhưng anh Nghị vẫn muốn tự thân mình làm lụng “chứ không thể ngửa tay xin tiền người tốt mãi”. Ban đầu anh chế chiếc xe kéo, cho hai con vào bên trong rồi kéo ra phố bán kẹo mút. Đầu tháng 12, được tiền từ các nhà hảo tâm, anh quyết định sắm chiếc xe tốt hơn và mua cả dàn karaoke xuống phố đi hát. Đêm 4/12, lần đầu tiên xuống phố hát bolero bán kẹo cùng hai con, anh Nghị đã khiến nhiều khách vãng lai trên góc đường Xuân Diệu – Hoàng Văn Thụ tò mò vây kín. Nhìn cảnh hai đứa trẻ trông như hai chú khỉ ngồi trên chiếc xe còn người cha say sưa hát, người không biết rõ sự tình cứ nghĩ “chắc lừa đảo, mượn trẻ bệnh để kinh doanh”, riêng những người từng biết anh thì rưng rưng khích lệ. “Nghị ơi, cố lên nha anh”. Theo IONE