Những tấm biển thông báo ấm áp tình người giữa Sài Gòn hoa lệ


Giữa phố phường Sài Gòn tấp nập, phồn hoa với đầy những lo toan khắc nghiệt, tình người vẫn hiện hữu, ấm áp nhờ những tấm biển thông báo giản dị mà đáng quý.

mien-phi-5

Một bình nước uống miễn phí được nhà hảo tâm đặt tại Ngã 7 Lý Thái Tổ (quận 10, TP. Hồ Chí Minh) dành cho khách đi đường. Hằng ngày, có rất nhiều khách đi đường ghé lại đây để lấy nước uống miễn phí.

mien-phi-2

Mỗi ly nước dù mua có giá chỉ 2.000 đồng nhưng đối với những người lao động nghèo khổ, đó là số tiền không hề nhỏ.

mien-phi-3

Lái chiếc ba gác cà tàng, rồi chầm chậm ghé vào góc đường, bác Hòa (60 tuổi, ngụ Quận 10) vừa run run lấy nước vừa nói: “ Người Sài Gòn thế mà tình nghĩa lắm con à, nếu không có những bình nước uống miễn phí như thế này, chắc bác phải nhịn, chịu khát thôi chứ mua nước uống thì thâm hụt tiền, chiều về không có tiền đong gạo thổi cơm cho tụi nhỏ đang ngóng ở nhà”.

mien-phi-4

Cô Hằng (40 tuổi, quê ở Quãng Ngãi) kể, cô vào Sài Gòn cũng hơn 20 năm rồi, nhưng hằng tháng phải đóng tiền thuê trọ, với số tiền lời vài chục ngàn ít ỏi từ việc bán vé số mỗi ngày, cô để dành, ăn uống kham khổ, tiết kiệm tiền gửi về quê cho chồng nuôi 3 đứa con nhỏ. Cô chia sẻ: “ Giữa trưa nắng nóng, khát cháy cả họng, nhìn thấy bình nước đá lạnh miễn phí thì người nhẹ hẳn, vậy là đỡ tốn 2.000 đồng”.

mien-phi-1

Hằng ngày, đều đặn, mỗi sáng và trưa, anh Tài đều ghé lại đây đong nước rồi mang đi phát cho những người bán vé số quanh đó.

mien-phi-6

Tấm biển “Bơm vá sửa xe – Người khuyết tật bơm vá miễn phí” được đặt ở ngã ba giao giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và Cống Quỳnh gần 2 năm trở lại đây.

mien-phi-7

Anh Phạm Văn Lương (sinh năm 1965, quê ở Quảng Ninh) là chủ tiệm. Anh chia sẻ: “Tôi làm nghề này cũng được hơn 3 năm rồi. Mỗi ngày cũng vá được hơn 10 chiếc xe, kiếm được vài chục nghìn đồng. Thấy mấy người tàn tật thương lắm, họ cũng vất vả mưu sinh, chắt chiu từng đồng để lo cho gia đình. Bây giờ mà tốn thêm tiền để sửa xe nữa thì lấy gì mà sống”.

mien-phi-8

Gọi là tiệm cho oai, thật ra chỉ đặt một tấm biển cùng bình hơi nhỏ, ngoài ra, không có vật dụng cơ khí nào cả. Người chủ tiệm này cho biết, anh không bao giờ mong có thể giàu lên từ việc vá xe này. Anh chỉ muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mà thôi.

mien-phi-9

Một tấm biển bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật khác cũng được đặt trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh).

mien-phi-10

Chủ nhân nơi đây là anh Trương Tấn Sang (SN 1986, người Sài Gòn), anh vừa vá xe cho khách vừa cười nói: “Nghề vá xe này bạc bẽo lắm. Một ngày anh kiếm được khoảng 100.00 đồng, với số tiền đó không đủ lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng bù lại, anh có thể giúp được những người tàn tật, nghèo khổ. Mặc dù là nhỏ nhoi, không đáng vào đâu nhưng anh thấy vui. Như vậy là đủ rồi”.

mien-phi-12

Cũng trên đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, một bình trà đá miễn phí được một số người dân quanh đây đặt cho người đi đường khát nước.

mien-phi-13

Em Huy Hòa mới 15 tuổi nhưng trông khá già dặn. Nhấp vội ngụm nước, em nói: “Nhà em có 4 anh chị em, em là anh cả. Hằng ngày, em đi bán vé số dạo để kiếm sống. Nhiều lúc khát khô cả cổ nhưng không dám vào hàng quán ven đường để mua cốc trà đá uống vì sợ tốn tiền. Em phải dành dụm, tiết kiệm để còn lo cho mấy đứa em ở nhà nữa”.

mien-phi-14

Chị Hòa sinh năm 1976, quê ở Bình Định. Vì gia đình quá khó khăn nên chị vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 20 tuổi. Hằng ngày, chị rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng đi bán chổi lông gà để kiếm sống. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chị vẫn đi bán đều đặn, lúc may mắn thì kiếm được vài chục nghìn, ngày ế ẩm thì chẳng được đồng nào. Chị cho biết: “Đất Sài Gòn còn nhiều người tốt lắm. Nếu không có những người hảo tâm đặt bình trà đá miễn phí ở đây thì những người cực khổ như chị lấy gì để uống”.

mien-phi-15

Trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh), những ai đi ngang qua đây cũng đều ngạc nhiên bởi tấm biển “ Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác” và “Nơi đây có phát mì chay miễn phí vào ngày rằm, mồng một hằng tháng”.

mien-phi-16

Chủ tiệm sửa giày này là anh Lý Ngọc Bình (SN 1984, quê Gia Lai). Vừa làm việc, anh vừa cười hiền chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại Gia Lai. Nhà nghèo lắm, bố mất sớm, mẹ già yếu, lại có em nhỏ đang đi học. Năm 2007, tôi xuống Sài Gòn lập nghiệp bằng nhiều nghề khác nhau như lễ tân, trông xe… nhưng không đủ sống. Đầu năm 2012, sau khi chắt chiu, dành dụm được một ít vốn, tôi mở quầy sửa giày dép nhỏ ở đây”.

mien-phi-17

Anh Bình cho biết, hằng ngày có nhiều bác xe ôm, người bán vé số, chú đạp xích lô đến đây để sửa những đôi giày rách chỉ, mòn đế… nhưng anh không bao giờ lấy tiền. “Mặc dù tôi khổ, nhưng vẫn còn những hoàn cảnh còn cơ hàn hơn nữa. Khi nào tôi còn gắn bó với cây kim, mũi chỉ, đôi giày cũ thì tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ những lao động nghèo với tất cả tâm huyết của mình”.

Nguồn:Theo: Hải Âu / MASK Online

Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: