Từ lâu, người Sài Gòn đã nổi tiếng với tấm lòng hào hiệp. Nếu một ngày không tiền, không việc, người ta vẫn có thể sống tốt ở Sài Gòn khi có những quán cơm, trà đá, cơ sở khám bệnh… miễn phí luôn chào đón. Sài Gòn là mảnh đất bao dung của tình người. Người Sài Gòn luôn sẵn sàng làm việc thiện giúp người, giúp đời. Dọc các tuyến đường luôn có những bình trà đá miễn phí giúp những người lao động vất vả, nghèo khổ giải cơn khát giữa trưa nắng gắt. Đó là tô phở 1.000 đồng, dĩa cơm 2.000 đồng cho người nghèo được phục vụ bởi các bạn trẻ, những vị mạnh thường quân. Là lớp dạy ngoại ngữ miễn phí ở chùa Lá. Là hình ảnh tủ thuốc miễn phí, dịch vụ bơm xe, xe ôm không tính tiền… Còn nhiều, rất nhiều nữa những hình ảnh thể hiện cái tình của người Sài Gòn… Và đặt giả sử, một ngày không có đồng tiền nào trong túi thì người ta có lẽ vẫn sống tốt ở mảnh đất Sài Gòn. Ở Sài Gòn, những quán cơm từ thiện xã hội ngày càng nhiều. Điển hình là chuỗi quán cơm xã hội mang tên Nụ Cười. Quán không phân biệt thành phần nhưng là điểm đến quen thuộc của những người mưu sinh nghèo, sinh viên, người già.. Mỗi trưa, mọi người tự đứng xếp hàng ngay ngắn chờ lấy phiếu cơm. Giá cơm chỉ có 2.000 đồng với đầy đủ các món xào, món mặn rau… tương đương với dĩa cơm 20.000 đồng. Các mạnh thường quân muốn miễn phí hoàn toàn nhưng lại e người đến ăn ái ngại nên lấy giá tượng trưng 2.000 đồng. Đôi khi, quán Nụ Cười đổi khẩu vị bằng các món bún bò, phở bò, hủ tiếu… với giá 1.000 đồng. Những phần cơm chất lượng, miễn phí từ tấm lòng người Sài Gòn đã mang đến nụ cười, cái bụng no để mọi người tiếp tục hành trình mưu sinh Ngoài những hệ thống quán cơm mở đều đặn hàng ngày thì còn có những nhóm từ thiện tự phát. Trong ảnh là các thành viên phật tử của chùa Bình Nhơn (Q.1) đang phát đồ chay cho người dân lao động trong khu vực. Ngoài đồ chay, còn có cả một ly chè tráng miệng. Việc thiện nguyện này mang tính tự phát, do các phật tử tự quyên góp nhằm giúp đỡ người nghèo. Từ nhiều năm nay, người dân ở TP.HCM đã quen thuộc với hình ảnh những bình nước lọc và trà đá miễn phí được đặt trên vỉa hè của các tuyến đường. Trong ảnh là bình nước nóng lạnh hiện đại do chủ một quán cà phê ở quận 7 lắp đặt. Chú Nguyễn Thị Lệ (38 tuổi) vừa uống xong hai cốc nước cho biết: “Đối với những người lao động nghèo như chúng tôi, thì việc mua một chai nước năm bảy ngàn cũng là cả một vấn đề. Một ngày lượm ve chai được vài chục ngàn và việc lấy tiền túi ra mua chai nước để uống thì quả là phí phạm, mỗi lúc khát nước tôi ghé lại đây uống xong rồi đong thêm 1 chai để dành để uống cả buổi”. Việc làm đầy tính nhân văn và đậm tình người này được người dân rất ủng hộ. Chủ nhân của những bình nước này cũng lấy đó làm niềm vui. Chị Thu chủ nhân bình trà đá ở vòng xoay Lý Thái Tổ làm việc này đã gần 2 năm nay cho biết: “Mỗi lần có ai uống nước của mình, tôi đều lấy đó làm niềm vui, cảm thấy mình đã đóng góp được một phần sức mọn của mình cho xã hội”. Người Sài Gòn cũng sẵn sàng cưu mang những người khó khăn hơn mình có nơi cư ngụ. Trong ảnh là ngôi nhà nhỏ nhưng ấm của các cụ làm nghề bán vé số, xe ôm, ve chai… Căn nhà nằm gần cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.5). Chủ căn nhà là ông Nguyễn Văn Tiến, làm nghề lái xe ôm. Ông Tiến vào Sài Gòn từ chục năm nay. Ông thấy có nhiều mảnh đời cơ nhỡ, nên bỏ tiền ra thuê phòng và gọi mọi người đến ở cùng. Ai thiếu thốn thì ông chẳng bao giờ tính tiền trọ nhưng mọi người cũng góp một phần tiền bạc giúp ông duy trì căn nhà này. Ông Đỗ Văn Phúc chạy xe ôm ở con hẻm 96, Phan Đình Phùng (Q.3) đã hơn 30 năm. Đặc biệt, ngoài việc chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập ông Phúc cũng giúp đỡ miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật, người già. Nhiều lúc đêm khuya, trời mưa không có xe, ông cũng chở miễn phí về đến tận nhà. Ngoài ra những người dân sống trong hẻm có nhu cầu đi xe ôm thì ông cũng sẵn sàng chở với giá rẻ. Cũng trên đường Phan Đình Phùng, tiệm sửa xe của anh Út từ hơn chục năm nay đã treo bảng bơm xe miễn phí cho người khuyết tật, người nghèo. Hình ảnh bơm vá xe miễn phí cũng dễ dàng bắt gặp trên nhiều con đường ở Sài Gòn. Với nhiều người, vài bạc lẻ bơm xe không đáng bao nhiều nhưng với người nghèo nhất là người khuyết tật thì cũng là phải bớt đi một phần chi phí cuộc sống. Việc làm này của anh Út đầy ý nghĩa, thấm đậm cái tình của người Sài Gòn. Đáng quý hơn, anh Út còn có cả hai thùng tủ thuốc miễn phí để người cơ nhỡ, khó khăn chẳng may đau bệnh có thuốc uống. Tủ thuốc miễn phí của anh Út có cách đây khoảng 10 năm, ban đầu dùng để giúp đỡ những người bị tai nạn giao thông. Anh cho biết con đường này thường xảy ra tai nạn giao thông nên làm tủ thuốc này để kịp thời sơ cấp cứu người bị tai nạn. Đến nay tủ thuốc có nhiều loại dùng để chữa trị một số bệnh thông dụng như cảm cúm, đau răng, tiêu chảy, dạ dày,… Ở Sài Gòn, những cơ sở khám chữa bệnh miễn phí bằng thuốc nam cũng rải đều ở các quận. Trong ảnh là phòng khám của chùa Hưng Gia tự (Q.Bình Thạnh). Bình quân, mỗi ngày nơi đây phát thuốc cho khoảng 80 bệnh nhân. Trong ảnh, anh Phạm Tấn Hồng đến lấy thuốc trị đau thần kinh tọa. Anh điều trị ở đây được hơn 1 năm và cảm thấy bệnh tình đã đỡ hơn nhiều. Lương y Cao Thanh Trường cho biết, cơ sở phát thuốc miễn phí đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Thuốc nam được nhà chùa xin hoặc đặt mua ở nhiều nơi để cấp phát cho mọi người. Đã ngoài 80 tuổi, ngày ngày vẫn phải bán vé số, chạy ăn từng bữa nhưng cụ Phan Thị Ngọc Huệ (Q.Phú Nhuận) vẫn đi hái lá thuốc miễn phí cứu giúp người bệnh. Bà đã làm công việc thiện nguyện này từ nhiều năm qua. Thứ bà thường hái là những cây thuốc nam như lưỡi đồng, chó đẻ…hay các loại cây mọc hoang khá quen thuộc với mọi người. Số thuốc hái được, bà Huệ đem phơi khô rồi cất lại thành một túi lớn. Cứ cuối tháng, bà đưa lên chùa để nhờ các sư thầy gửi tới người nghèo. Và cũng có những cơ sở miễn phí dạy học. Nhiều năm liền Trung tâm ngoại ngữ Thiện Nhơn ở Chùa Lá – Gò Vấp (12/2E, Quang Trung TP.HCM) do nhà sư Thích Nhuận Tâm chủ trì đã tổ chức dạy ngoại ngữ miễn phí giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng để bước vào đời. Rất nhiệu sinh viên, cả những người đi làm, người già tìm đến trung tâm tâm ngoại ngữ miễn phí để học. Bạn Hồng Tuyết (áo xám, Học viện công nghệ bưu chính viễn thông) đã theo học tiếng Hàn ở trung tâm được gần một tháng. “Mình có học ở một nơi khác nhưng không như ý. Học ở chùa Lá, các thầy dạy nhiệt tình, vừa miễn phí, lại gần nhà nên mình rất hài lòng. Mình sẽ cố học thêm nhiều khóa học khác ở đây nữa”. Nhà chùa mời các giáo viên ở các trung tâm khác về dạy và cũng trả lương đầy đủ. Nhưng nhiều giáo viên thấy việc làm ý nghĩa nên sẵn sàng dạy miễn phí. Hiện tại chùa dạy 5 ngoại ngữ là tiếng Anh, Hàn, Hoa, Nhật, Đức với 70 lớp, mỗi lớp khoảng 30 học viên. Mỗi ngày có rất nhiều bạn trẻ đến đăng ký học. Ngoài ăn, uống, học hành, khám bệnh… miễn phí thì ở Sài Gòn cũng có những cơ sở cắt tóc miễn phí. Ở cạnh chân cầu Nguyễn Văn Cừ là tiệm cắt tóc của anh Kỳ Quân. Từ 1 năm nay, anh treo bảng cắt tóc miễn phí cho người bán vé số, xích lô, xe ôm, thu gom rác… Từng đi lên từ nghèo khó nên khi có chút thành công, anh liền nghĩ đến việc làm việc thiện. Anh chia sẻ, cắt miễn phí nhưng người nghèo vào tiệm cũng được phục vụ như mọi khách khác. Những con người Sài Gòn, dù nghèo, vẫn phải chật vật mưu sinh nhưng không thôi nghĩ đến người khác. Như anh Lý Ngọc Bình (30 tuổi, quê Gia Lai), bản thân từng đi dép rách để mưu sinh nên anh đồng cảm với những lao động nghèo. Vì vậy anh đã trưng tấm bảng “Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác”. “Ngồi bên đường làm việc thấy nhiều người còn khổ hơn mình. Họ mang những đôi giầy cũ rách nát, lê lết giữa mặt đường mà không dám thay vì sợ tốn tiền. Chợt thấy hình ảnh của chính mình 5 năm gian khổ, từng đi giày dép rách để mưu sinh khắp Sài Gòn. Đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn nên người nghèo đến sửa là tôi không bao giờ lấy tiền”, anh Bình nói. Và sự hào hiệp, bao dung của người Sài Gòn còn dành cho cả những người đã khuất. Ở con hẻm 96 (đường Phan Đình Phùng, Q.3), cơ sở mai táng Vạn Phúc luôn sẵn lòng giúp đỡ quan tài, dịch vụ mai táng miễn phí cho gia đình có người mất mà không đủ điều kiện mai táng. Nguồn: http://myidol.com.vn/