Chưa đầy 2 tuần sau khi Công an TP.HCM phát động “tổng tấn công” tội phạm trên toàn thành phố, một trường hợp du khách nước ngoài bị cướp ngay giữa trung tâm quận 1 khiến dư luận lại một phen dậy sóng. Theo lời các nhân chứng, sự việc xảy ra lúc 15 giờ 30 chiều 11/3. Hai du khách nước ngoài đang đi bộ trên đường Lương Hữu Khánh, theo hướng từ Công viên 23-9 về đường Bùi Thị Xuân thì bất ngờ bị hai thanh niên đi xe gắn máy chạy ngược chiều giật giỏ xách. Cô gái do quá hoảng loạn đã ngồi ập xuống ôm mặt khóc. Người đàn ông sau khi định thần liền đuổi theo hai thanh niên, hô to “Cướp! Cướp!” bằng tiếng Việt nhưng không ai kịp giúp đỡ. Nữ du khách người Ai Cập bật khóc nức nở khi bị giật mất túi xách. Hình ảnh nữ du khách nước ngoài ngồi khóc thảm thiết nhanh chóng lan truyền ngập tràn trên các trang tin điện tử lẫn mạng xã hội. Đặc biệt, dư luận không khỏi day dứt trước chi tiết người khách nước ngoài hô to từ “cướp” bằng tiếng Việt, đủ cho thấy khi đến Việt Nam, họ đã được cảnh báo trước việc bị cướp giật, chặt chém, chèo kéo,… và tự học những ngôn ngữ cần biết như: “Cướp”, “Tôi không mua”, “Không, cảm ơn”…! Trong đợt “tổng tấn công” tội phạm được phát động đầu tháng 3 vừa qua, Công an TP.HCM đã triển khai nhiều kế hoạch với quy mô chưa từng có như: tăng gấp đôi cảnh sát hình sự đặc nhiệm, lắp đặt thêm camera mở rộng phạm vi “phủ sóng” của mắt thần, tăng cường phương tiện kỹ thuật… Lực lượng trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) cũng phối hợp với lực lượng công khai như: CSCĐ, CSGT, thanh niên xung phong… tăng cường tuần tra 24/24 tại các khu vực, tuyến đường trọng điểm xảy ra trộm, cướp giật tài sản… Thế nhưng, loại tội phạm này trên đường phố ở TP HCM vẫn tiếp tục lộng hành như thách thức lực lượng chức năng. Không chỉ trộm cướp, nạn chèo kéo khách du lịch mua bán hàng rong cũng là một vấn nạn làm xấu đi hình ảnh TP HCM. Không chỉ người dân TP HCM mà dư luận trên cả nước lại một lần nữa hoang mang đặt ra câu hỏi: Phải chăng TP HCM không còn là điểm đến an toàn cho du khách? Sở Du lịch TP HCM cho biết, riêng trong năm 2015 Sở đã nhận được công hàm của các nước Hàn Quốc, Úc, Nhật… phản ánh về tình trạng công dân của họ bị cướp giật, mất hộ chiếu, tài sản… Trong đó có hơn 200 trường hợp du khách bị mất hộ chiếu. Tệ nạn này kèm với hiện trạng chèo kéo khách đến nay vẫn không có dấu hiệu suy giảm ở TP HCM – Thành phố chiếm 50% lượng du khách đến Việt Nam. Đây đang dần trở thành một vấn nạn nhức nhối của thành phố mà trong nhiều năm qua, chính quyền đã vật lộn với hàng chục biện pháp nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi đúng đắn. Có thể ví dụ như lực lượng hỗ trợ du khách do Thanh niên Xung phong đảm nhiệm với khoảng 250 đội viên được thành lập năm 2006. Nhưng với quân số mỏng và vẫn đang trong giai đoạn tập huấn hoàn thiện kỹ năng, lực lượng này khó có thể có mặt kịp thời để xử lý các tình huống khẩn cấp, như đuổi bắt, khống chế cướp, bảo vệ du khách… Hay như đề xuất của Thành phố về việc thành lập Cảnh sát du lịch thì năm lần bảy lượt, lực lượng này vẫn hiện đang chờ xét duyệt. Thậm chí, một biện pháp đơn giản nhất, thiết thực nhất được Công an quận 1 đưa ra thí điểm là phân phát những tờ rơi cảnh báo đến khách du lịch, hướng dẫn cách thoát khỏi những trường hợp trộm cắp, lừa đảo… cũng bị đình chỉ với lý do… nội dung không phù hợp, làm “xấu mặt” thành phố, mất đi “hình ảnh đẹp” của đất nước, con người Việt Nam trong lòng du khách. Việc phát tờ rơi cảnh báo du khách cẩn trọng gìn giữ tài sản, đề phòng cướp giật là thiết thực, nhưng bị buộc ngừng lại do làm “ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thành phố”. Trên thực tế, Công an TP HCM cũng đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn như: Thu giấy chứng nhận hành nghề, cắt quyền xin thị thực hay xem xét về lưu trú đối với các hãng lữ hành để xảy ra tình trạng du khách bị mất tài sản trong quá trình du lịch,… Những chỉ thị “mạnh tay” như vậy là rất cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp xử lý khi sự việc đã rồi chứ không mang tính chủ động ngăn chặn, phòng ngừa. Chưa kể phần đông các du khách sau khi gặp nạn rất ngại đi trình báo do sợ rắc rối, mất thời gian, bất đồng ngôn ngữ hoặc chưa tin vào cơ quan chức năng sở tại. Chính vì vậy, số lượng những vụ du khách bị trộm cướp, mất tài sản thống kê được luôn ít hơn nhiều so với thực tế. Thiết nghĩ, dù chính quyền sở tại có phát động dăm cuộc “tổng tấn công” rầm rộ, triển khai quy mô lớn, truy quét trên diện rộng đến đâu đi nữa… mà người dân hàng ngày ra khỏi nhà vẫn phải ôm chặt túi xách trong người, du khách đến thành phố phải học trước vài câu tiếng Việt để tri hô cầu cứu… thì việc trấn áp được tội phạm cướp giật ở TP HCM vẫn còn là một câu chuyện rất dài! Theo Nguyên Phương | Petro Times