Thêm nhiều chợ phiên nông sản an toàn


Từ nhu cầu được sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng, chợ phiên nông sản an toàn TPHCM (gọi tắt là chợ phiên) do Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức ra đời vào năm 2016, đến nay đã trở thành một kênh mua sắm quen thuộc của người dân TP.

TP.HCM nỗ lực lập chợ thực phẩm sạch

Sẽ “xóa sổ” chợ hóa chất Kim Biên, TP.HCM

Để chợ phiên có thể hoạt động lâu dài ổn định, Sở NN-PTNT hướng đến phương thức xã hội hóa, qua việc bàn giao cho doanh nghiệp điều hành để mở rộng ra nhiều nơi ở TPHCM.

Doanh thu cao

Từ năm 2016 đến nay, chợ phiên đã được tổ chức ở 5 địa điểm: khuôn viên nhà hàng Đông Hồ (quận 10), Trung tâm Văn hóa thể thao Tân Bình (quận Tân Bình), khuôn viên Ban điều hành khu phố 6 phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) – đều hoạt động vào sáng thứ bảy hàng tuần; Công viên Lê Văn Tám (quận 1) và Công viên văn hóa Lê Thị Riêng (quận 10) thì hoạt động vào ngày chủ nhật hàng tuần.

Có thể nói, chợ phiên đã dần tạo ra thói quen mua sắm thực phẩm an toàn cho người dân không chỉ tại nơi tổ chức phiên chợ, mà còn lan rộng ra các khu vực xung quanh. Bên cạnh việc bán lẻ sản phẩm cho khách hàng, các đơn vị đã quảng bá được thương hiệu và dần có những thỏa thuận, ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm lâu dài, giá trị cao.

Nhiều người đến chợ phiên mua sắm thực phẩm sạch, an toàn

Nhiều người đến chợ phiên mua sắm thực phẩm sạch, an toàn

Chợ phiên tại nhà hàng Đông Hồ bắt đầu từ tháng 8-2016, tính đến tháng 12-2017 đã tổ chức được 70 phiên. Mỗi phiên có 20 đơn vị tham gia với 24 gian hàng, trung bình có 500 lượt khách tham quan và mua sắm, tổng doanh số trung bình đạt 180 triệu đồng/phiên.

Sau 70 phiên tổ chức, chợ phiên có 60 đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị tham gia và khách hàng (chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn), thu về 6 tỷ đồng/tháng.

Chợ phiên tại Công viên Lê Văn Tám bắt đầu từ đầu tháng 8-2017, đến cuối tháng 12-2017 tổ chức được 20 phiên, doanh thu đạt 5,4 tỷ đồng. Bình quân mỗi phiên có 24 đơn vị tham gia, với 29 gian hàng. Đã có 28 thỏa thuận, đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm với giá trị khoảng 3,58 tỷ đồng/tháng. Bình quân, mỗi phiên chợ có hơn 700 lượt người đến.

Chợ phiên tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng có 18 đơn vị tham gia với 22 gian hàng. Doanh số trung bình một phiên chợ đạt 200 triệu đồng. Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng do nhiều người biết đến nên chợ phiên tại đây thu hút hơn 500 lượt khách/phiên.

Có 13 thỏa thuận, đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị tham gia với khách hàng. Chợ phiên tại Trung tâm Văn hóa thể thao Tân Bình có 26 đơn vị tham gia/phiên, với 30 gian hàng. Doanh số trung bình 250 triệu đồng/phiên. Có 20 thỏa thuận, đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm với 3,1 tỷ đồng/tháng.

Sẽ mở hàng ngày?

Theo UBND quận 10, chợ phiên ở nhà hàng Đông Hồ là địa điểm đầu tiên của TPHCM, đã giới thiệu đến người tiêu dùng nông sản sạch, an toàn và tiếp cận dễ dàng. Tín hiệu vui mừng là chợ phiên đầu tiên thành công, có lượng người đến mua tương đối khá.

Người mua và người bán đều phấn khởi và còn có thể quảng bá được thương hiệu ra thị trường. Thấy nhu cầu có thực, UBND quận tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT mở thêm một địa điểm nữa tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng.

Sau khi khảo sát thấy có nhiều người dân từ quận khác cũng đến chợ phiên mua hàng hóa nên UBND quận 10 muốn tiếp tục mở thêm nhiều chợ phiên, nhưng gặp không ít khó khăn.

Đặc thù của chợ phiên khi hoạt động là phải có đơn vị chuyên môn quản lý để kiểm tra chéo, tạo niềm tin cho người mua. Khó khăn thứ hai là phải tìm được địa điểm miễn phí (chỉ tính tiền vệ sinh môi trường) và thuận lợi cho người mua lẫn người bán.

Ngoài ra, nếu chợ diễn ra hàng ngày thì phải có nghĩa vụ đóng thuế cho ngân sách, điều này cũng sẽ gây khó khăn về giá bán.

Theo UBND quận Bình Tân, ban đầu UBND quận đã có chủ trương xin UBND TPHCM để mở chợ phiên, nhưng nếu một mình quận làm thì rất khó do không thể kiểm soát được chất lượng.

Khi biết Sở NN-PTNT có tổ chức chợ phiên, địa phương đã cùng phối hợp khảo sát địa điểm. Sau thành công của chợ phiên ở phường Bình Trị Đông B sẽ tiếp tục mở ở khu vực phường Bình Hưng Hòa.

UBND quận Bình Tân rất muốn mở thêm nhiều chợ phiên, chỉ lo ngại không có đơn vị chuyên môn quản lý, còn về địa điểm, điện, nước và an ninh thì quận sẽ miễn phí.

Ông Bùi Văn My, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp – đơn vị tổ chức chợ phiên, cho hay chủ trương về việc tổ chức chợ phiên theo hướng xã hội hóa và đơn vị vẫn quản lý về chất lượng sản phẩm.

Trong tháng 6-2018, Sở NN-PTNT sẽ giao chợ phiên tại nhà hàng Đông Hồ cho Công ty cổ phần Chuỗi nông sản Sài Gòn (SG S.A.P) quản lý. Nếu như SG S.A.P làm tốt thì sẽ tiếp tục bàn giao tất cả chợ phiên.

Như vậy, nếu mở thêm chợ phiên, khâu quản lý chuyên môn có thể đảm bảo, nhưng vấn đề là các đơn vị bán hàng không đủ nhân lực, sản phẩm để mở nhiều chợ. Trong tương lai, nếu số lượng chợ phiên tăng nhiều thì có thể sẽ hoạt động luân phiên, thay vì diễn ra hàng tuần thì 2 tuần/lần.

Theo ông Nguyễn Tấn Lực, Tổng Giám đốc SG S.A.P, chợ phiên ở quận Tân Bình đã do công ty quản lý, đứng ra tổ chức điều hành mọi việc. Công ty này do các thành viên tham gia chợ phiên tại đây cùng sáng lập. Khi được tiếp nhận quản lý chợ phiên ở nhà hàng Đông Hồ, Công ty SG S.A.P sẽ đứng ra vận hành, cung cấp nhân sự, đứng pháp nhân ký thuê mặt bằng…

Ông Lực cho biết thêm, công ty đang có kế hoạch, tính toán phương thức tổ chức để có thể đưa chợ phiên thành chợ thường nhật, hoạt động tất cả các ngày trong tuần, bán đầy đủ những mặt hàng của các đơn vị tham gia chợ phiên và giao hàng tận nơi.

Chợ phiên tạo điều kiện liên kết cho nhà sản xuất tiêu thụ sản phẩm, qua việc ký hợp đồng với các bếp ăn tập thể địa phương với giá hợp lý, sản lượng ổn định, không tăng giá bán.

Các chợ phiên hiện nay khó thể hoạt động liên tục mỗi ngày, do các vị trí đang sử dụng thường xuyên diễn ra hội chợ, triển lãm (như Công viên Lê Văn Tám, Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, Trung tâm Văn hóa thể thao Tân Bình…). Điều này khiến cho các thành viên tham gia gặp khó khăn, bởi muốn có sản phẩm để bán vào ngày đó thì người sản xuất phải canh thời vụ.

Khai mạc chợ phiên thứ 6

Ngày 6-5, Sở NN-PTNT TPHCM đã khai trương chợ phiên nông sản an toàn tại Công viên Bình Phú (đường Bình Phú, quận 6), diễn ra vào chủ nhật hàng tuần. Các đơn vị tham gia phải đảm bảo về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng và có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP hoặc Global GAP, sản phẩm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (đối với các đơn vị sản xuất tại TPHCM).

Trong năm 2018, trên địa bàn TPHCM, dự kiến sẽ khai trương thêm chợ phiên tại 2 địa điểm: khu chung cư An Lộc – An Phúc (quận 2), Trung tâm Thể thao tổng hợp và giáo dục hướng nghiệp cho học sinh (quận 7).

Theo sggp


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: