Tiếng khóc xé lòng của một phụ nữ bị cướp và một xã hội kiếp nhược trước cái ác


Hình ảnh một phụ nữ bị cướp bật khóc, kêu xin hỗ trợ chống trả trong vô vọng giữa đường phố đông người của TP.HCM vào chiều 16-3 đã làm nhiều người chạnh lòng.

Người phụ nữ ấy từ miền Bắc vào làm thuê ở Đồng Nai đang trên đường trở về quê thăm con bị bệnh nặng thì bị cướp. Tiếng kêu cứu của bà chỉ được đáp lại bằng sự lo sợ của những người xung quanh bởi ai cũng ngại nếu xông vào can thiệp sẽ bị trả thù. Lòng nghĩa hiệp, sự bất bình, tình thương mến… đã co rúm trước cái ác và đáng buồn thay, cái ác đang ngày càng lộng hành.

Chị Nguyễn Thị Phương ôm cổ khóc nức nở khi bị hai tên cướp giật dây chuyền và túi xách trên đường ra sân bay về quê.

Chị Nguyễn Thị Phương ôm cổ khóc nức nở khi bị hai tên cướp giật dây chuyền và túi xách trên đường ra sân bay về quê.

Cái ác ở đời sống hiện tại đâu chỉ là cướp giật, giết người! Nó xuất hiện ở mọi mặt của đời sống với nhiều diện mạo khác nhau. Khi một đứa trẻ bệnh tật nhưng không có đủ tiền để chạy chữa do những nhà thầu bắt tay với bệnh viện nâng giá thuốc và thiết bị y tế, đó cũng là cái ác. Nó đã được ẩn nấp dưới sự minh bạch giả hình. Môi trường sinh sống của bao người dân đang yên bình bỗng dưng bị quy hoạch, giao cho các đại gia kinh doanh nhà đất làm cho họ mất đường sống, đó cũng chính là cái ác. Nó đã được khoác chiếc áo mỹ miều của sự phát triển sặc mùi tiền. Những đứa trẻ lặn lội, co ro dưới mái trường rách nát bởi nạn tham nhũng bòn rút tiền công cũng chính là nạn nhân của cái ác. Đó là “sản phẩm” của những con người dù được đào tạo kỹ càng nhưng đã biến chất tận gốc rễ…

Địa điểm xảy ra vụ cướp rất đông người nhưng không ai kịp cứu giúp chị Phương. Bà cụ bán nước vỗ vai an ủi: "Người không sao là tốt rồi! Không ai giúp đâu! Không ai dám giúp đâu"

Địa điểm xảy ra vụ cướp rất đông người nhưng không ai kịp cứu giúp chị Phương. Bà cụ bán nước vỗ vai an ủi: “Người không sao là tốt rồi! Không ai giúp đâu! Không ai dám giúp đâu”

Khi đã bị những điều ác khuất phục, thân phận của những người lương thiện như người phụ nữ kia dễ dàng bị chà đạp. Đáng buồn hơn, nhiều người nhìn thấy lợi lộc của nó mà hoa mắt. Từ khiếp sợ, họ ngoảnh mặt đi và có khi trở thành đồng lõa, thậm chí chính mình đi gieo rắc cái ác. Thực tế, trong đời sống, không ít người làm ác nhưng với tài sản kếch xù, thế lực to lớn đã trở thành thần tượng, là mục tiêu phấn đấu của không ít người trẻ. Quả là tai họa cho bất cứ xã hội nào, quốc gia nào.

Ngăn chặn cái ác là trách nhiệm của bộ máy chính quyền. Trách nhiệm này gắn liền với từng con người ở những vị trí cụ thể trong bộ máy nhà nước. Họ phải biết xấu hổ, thậm chí là nhục nhã, khi được tin cậy nhưng không giữ được cuộc sống an bình cho người dân. Hôm nay có thể người đàn bà kia khóc, có thể những người dân mất đất khóc nhưng rồi mai đây sẽ còn ai khóc nữa? Những đứa trẻ vô tội của những người có trách nhiệm trong xã hội, những người vợ của các đại gia, cha mẹ của những người quyền thế… đều có thể trở thành nạn nhân của cái ác.

Xã hội nào cũng thế, cái ác luôn hiện diện nhưng khi mà pháp luật được kiện toàn, những người được giao trách nhiệm ngăn chặn cái ác dốc tâm dốc sức làm việc thì nó sẽ bị ngăn chặn. Ngược lại, cái ác sẽ ngày càng phổ biến, sinh sôi, sẵn sàng gieo rắc nỗi khiếp sợ cho người dân và cả những người nắm trong tay quyền lực. Khi cái ác lên ngôi, điều thiện sẽ bị khuất lấp. Vì thế, để diệt cái ác, không chỉ tập trung đẩy lùi nó mà còn phải biết khơi dậy và làm lan tỏa điều thiện.

Theo Phạm Hồ | Người Lao Động


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: