Đó là chia sẻ của hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Thanh Tạo khi nói về “hiện tượng” phố đi bộ Bùi Viện vừa đưa vào hoạt động chục ngày qua (từ 20.8). Chia sẻ trên có vẻ lạ kỳ, phải chăng có sự nhầm lẫn? Phố Tây Bùi Viện khoác áo mới trong đêm đầu tiên trở thành phố đi bộ Người mẹ ngậm dầu phun lửa mỗi đêm ở phố Tây Bùi Viện để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học Từ khoá “phố đi bộ Bùi Viện” Theo anh Tạo, tuy mới hoạt động hơn chục ngày nhưng giờ lên Google tra từ khoá “phố đi bộ Bùi Viện” thì lập tức hiện lên con số gần 2.000.000. Nói vậy để thấy phố đi bộ Bùi Viện đang là địa điểm vui chơi công cộng “hot” nhất TP.HCM hiện tại. Du khách đổ về phố đi bộ Bùi Viện đông nghẹt. Nhiều người dân cho rằng người Việt đến đây không thua gì người nước ngoài. “Nếu trước đây khách Tây nhiều hơn khách ta, thì giờ, ở Bùi Viện khách ta lại chiếm đa số. Và đối tượng khách ta cũng không còn co hẹp như trước mà còn có cả những đoàn khách là công nhân các khu công nghiệp đổ về. Trông vui và nhộn nhịp hẳn”, bà Thuỷ, một cư dân ở phố Bùi Viện, chia sẻ. Lý giải lý do “đổ” về phố đi bộ tối chủ nhật 27.8 vừa rồi, anh Huỳnh Văn Hoá, công nhân khu công nghiệp Tân Bình, cho hay: dù phố đi bộ Bùi Viện mới hoạt động chục ngày nhưng tui đã dẫn hai nhóc tì và bà xã đi dạo hai ngày cuối tuần. Cũng theo anh Hoá, ở phố đi bộ Bùi Viện ngoài việc không phải tốn tiền vé, thì vợ chồng anh và hai con còn được thưởng thức đủ loại âm nhạc đường phố. Hơn cả, khi khát hay cần ăn uống gì đó thì giá cả cũng không quá “cắt cổ” như ở trong các khu vui chơi khác. Đặc biệt, khi dạo chơi ở phố Bùi Viện còn được xài nhà vệ sinh, wifi… miễn phí nữa thì còn gì bằng. Còn một nam du khách người Pháp thì cho rằng từ khi trở thành phố đi bộ, đến Bùi Viện du khách có thêm nhiều không gian trải nghiệm, tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống và con người Sài Gòn thông qua các hình thức khám phá ẩm thực, nghỉ dưỡng, tour tuyến, giải trí về đêm tại đây… Đặc biệt, phố đi bộ còn giúp du khách né được các tay “đua nóng” bằng xe máy. Nghịch lý nhưng lại có lý Từ việc đoan chắc phố Bùi Viện sẽ quá tải, theo anh Tạo, là hướng dẫn viên du lịch, là dân Sài Gòn anh phải mừng, vì không ít người và các hãng lữ hành nói rằng đây là một bước tiến mới của ngành du lịch trong cố gắng giới thiệu với thế giới bên ngoài một bộ mặt tươi sáng của TP.HCM. Bởi phố đi bộ Bùi Viện đã khoác lên mình một bộ trang phục nghiêm chỉnh và đàng hoàng, xoá sạch sự nhếch nhác và xô bồ của khu phố Tây balô trước đây. Phố đi bộ Bùi Viện sẽ là “biểu trưng du lịch” của Sài Gòn như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà… Vậy tại sao mình lại buồn và thương cho dân Sài Gòn? Tự trả lời luôn rằng thương là vì Sài Gòn quá ít sân chơi công cộng. Công viên thì bị trưng dụng thành quán càphê vỉa hè, hay thỉnh thoảng bị biến thành nơi bán hàng hội chợ, bán hàng giảm giá. Các khu vui chơi như Đầm Sen, Thảo cầm viên, Suối Tiên thì giá vé vào cửa là cả một vấn đề đối với những cặp vợ chồng công nhân hay lao động tự do sinh sống ở Sài Gòn. Buồn nhất, là chuyện Thảo cầm viên nhưng giá vé vào cửa cá nhân như hiện tại là quá cao, nếu không muốn nói là “ngăn cửa” đối với những gia đình công nhân. Nhẩm tính thế này nhé, một cặp vợ chồng công nhân có hai con, lớn chín tuổi, nhỏ bảy tuổi, muốn vào Thảo cầm viên thì tiền vào cổng ít nhất phải mất 160.000 đồng cho bốn người (50.000 đồng/người lớn, 30.000 đồng/trẻ có chiều cao từ 1 – 1,3m – NV). “Giá vé vào cổng ngốn cả ngày lương, rồi chưa kể vào đó cái gì cũng phải bỏ tiền ra chơi. Nào là đi xe điện vòng quanh Thảo cầm viên. Nào là trò chơi dưới nước… Đặc biệt hàng quán trong Thảo cầm viên thì đắt khỏi chê. Vậy gia đình công nhân nào dám vào chơi. Thương cho dân Sài Gòn là chỗ đó!”, anh Tạo tính toán. Cũng theo anh Tạo, cứ mỗi lần nhắc đến giá vé vào Thảo cầm viên cao như trên thì không riêng anh, mà cả các cử tri ở TP.HCM cũng bức xúc. Bằng chứng là trước phản ánh của cử tri TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã yêu cầu giảm giá vé vào cổng. Việc giảm giá vé sẽ được báo cáo UBND thành phố vào cuối tháng 9.2016. Vậy mà đến nay giá vé vẫn vậy. Đẩy ước mơ của không ít trẻ em con nhà nghèo, gia đình công nhân muốn một lần nhìn thấy những chú voi, chú khỉ, chú cáo, chú cọp… bằng xương, bằng thịt càng xa. Thời điểm đó, lý giải cho việc tăng giá lên gần gấp đôi, đại diện Thảo cầm viên Sài Gòn, cho biết việc tăng giá là do từ ngày 1.1.2015, Thảo cầm viên không còn được hưởng hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nên mọi hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng… thú nuôi ở đây đều phải tự túc, vì vậy phải tăng giá vé như trên. Thực tế lý giải trên khó chấp nhận bởi nếu biết khai thác tốt du lịch, quản lý chặt chẽ, bài bản (không dư thừa) thì Thảo cầm viên sẽ thành con gà đẻ trứng vàng, dù có miễn phí hoàn toàn cho trẻ em. “Nếu không tin thì cứ xã hội hoá hoạt động của Thảo cầm viên đi. Tôi tin chắc sẽ có cả vạn nhà đầu tư ‘nhào vô’ mà không cần thu tiền trẻ em đâu. Thật đấy”, hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Thanh Tạo thẳn thắng đề xuất, xen lẫn “thách thức” Thảo cầm viên Sài Gòn. Theo Dân Việt