Sài Gòn là một đô thị đang phát triển, tốc độ đô thị hóa được tính theo tốc độ sinh sản của những con đường. Ở các quận mới, tên đường được đánh số, không biết là do hết tên để đặt hay do người ta không kịp nghĩ ra tên cho chúng. 1.Sài Gòn xưa là Thành Gia Định. Năm 1859 quân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Đúng như lãnh binh quân Pháp, tướng De Genouilly, dự đoán, chỉ trong hai ngày tấn công bằng đường sông theo ngả Cần Giờ quân Pháp đã chiếm được thành, dù trong thành lúc ấy có đủ vũ khí và lương thực để một vạn quân có thể cầm cự trong hai năm. Tổng Trấn Gia Định lúc ấy là Võ Duy Ninh, dù mới nhậm chức nhưng vẫn giữ vững sĩ khí, anh dũng lãnh đạo binh sĩ chiến đấu với quân Pháp và bị thương. Sau khi thành Gia Định thất thủ, ông đã rút gươm tự sát. Hôm ấy là 17-02-1859. Ngày nay quan Tổng Trấn Võ Duy Ninh được đặt tên cho một con đường nhỏ, nhiều hẻm hóc và hay bị ngập nước theo thủy triều ở khu vực Bình Thạnh. 2.Sài Gòn vừa có đường Nguyễn Huệ lại có đường Quang Trung. Đường Quang Trung tuy là Hoàng Đế nhưng lại nằm ở Gò Vấp, dài thuột đến nỗi sau này qua địa phận Quận 12 phải đổi tên thành Tô Ký, còn Nguyễn Huệ tuy thân là nông dân nhưng chắc nhờ quen biết nên được bố trí nằm ở Quận Nhất, một con đường ngắn nhưng sầm uất nhất nhì thành phố với rất nhiều cao ốc và thường là nơi được tổ chức lễ hội hoa mấy ngày Tết. Đường Nguyễn Huệ về đêm 3.Có hai khu vực ở Sài Gòn đặt tên đường rất hay, một là khu Phường 2 quận Tân Bình, nơi được mệnh danh là Little HaNoi với những hàng quán Phở Hà Nội, Bún Chả, Miến Ngan, Bún Thang, Nếp Bắc…thứ hai là khu cứ xá Bắc Hải, thủ đô của các quán café, từ bình dân cho tới cao cấp. Ở hai khu vực này đường phố được đặt tên theo núi và sông, trục dài sẽ mang tên núi và trục ngắn sẽ mang tên sông: Ở Phường 2 quận Tân Bình thì trục chính là tên núi như: Trường Sơn (đường vào Sân Bay Tân Sơn Nhất), rồi đến Đống Đa, Lam Sơn, Yên Thế… các trục ngang sẽ là tên các dòng sông như: Hát Giang, Cửu Long, Tiền Giang, Sông Thao, Đồng Nai, Sông Đáy, Sông Nhuệ, Sông Đà, Trà Khúc… Tương tự như vậy ở Khu Bắc Hải, trục núi là Trường Sơn, Châu Thới, Bửu Long, Thất Sơn, Hồng Lĩnh, Bạch Mã, Ba Vì… còn trục sông thì có Hương Giang, Cửu Long, Đồng Nai… 4. “Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế” Hai câu đối này rất nổi tiếng, nhưng ít người biết gốc tích của nó, tra Wiki được đoạn này, chép ra đây hầu chuyện: Tương truyền Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường có quen biết với nhau. Lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Nhậm thét bảo Thường: Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác. Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi vào Nam theo Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi nhà Tây Sơn mất, các võ tướng và một số quan văn bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu, trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó là Đặng Trần Thường. Vốn có thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm: Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp: Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế Ngô Thì Nhậm bị đánh chết hôm đó. … Hầu như các đô thị lớn đều có con đường mang tên Ngô Thì Nhậm nhưng đặc biệt riêng ở Sài Gòn thì có đường Ngô Thời Nhiệm, một con đường nhỏ nhưng rất đẹp, rợp bóng cây và yên bình, ở Quận 3. 5.Sài Gòn có những tên đường rất hay bị trùng, có khá nhiều. Do đó hỏi đường bạn phải nói kèm quận. Những tên đường nổi tiếng như đường Nguyễn Đình Chiểu, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi… đều có đến 2 hoặc 3 đường ở các quận khác nhau. Cũng có khi là cùng một con đường nhưng lại đi qua 2 đến 3, thậm chí là 4 quận khác nhau, như đường Điện Biên Phủ, bắt đầu ở Quận 10, đi qua Quận 3, Quận 1 rồi kết thúc ở quận Bình Thạnh. Ở Sài Gòn cũng có rất nhiều đường có tên là … Nối Dài, Sư Vạn Hạnh nối dài, Lê Hồng Phong nối dài… Đó là những con đường đúng bản chất là nối dài của một con đường nào đó nhưng số nhà thì có thể là riêng. Ở Sài Gòn có rất nhiều tên đường được đặt theo tên chợ và có rất nhiều chợ được đặt tên theo con đường mà nó nằm trên đó, hoặc chí ít là cái cầu nơi người ta họp chợ, như những Vườn Chuối, Vườn Lài, Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối, Bàn Cờ, Hạnh Thông Tây… Cá biệt như ở Gò Vấp có Chợ Cầu vì chợ nằm cạnh cầu, rồi người ta đặt tên cho cây cầu đó là Cầu Chợ Cầu. Sài Gòn là một đô thị đang phát triển, tốc độ đô thị hóa được tính theo tốc độ sinh sản của những con đường. Ở các quận mới, tên đường được đánh số, không biết là do hết tên để đặt hay do người ta không kịp nghĩ ra tên cho chúng. Những con đường được đánh số luôn tạo cảm giác không thân thuộc, chúng vô tri và gần như không gợi nhớ điều gì. Bên một Sài Gòn khác, gần gũi và thân thương với nhiều ký ức hơn như những Xóm Củi, Bến Đò, Bến Nghé, Cây Trâm, Cây Thị, Rạch Tra, Cầu Kinh… Theo Đàm Hà Phú