Tôi đã yêu Sài Gòn ngay từ lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này chừng chục năm trước, vào một ngày tháng Giêng. Người Sài Gòn: Nơi gặp gỡ của những người yêu Sài Gòn2 Tớ vẫn yêu Sài Gòn, mảnh đất từng mang tên cậu Mình cứ yêu nhau như yêu Sài Gòn anh nhé… Sài Gòn mùa khô cũng nóng nhưng dễ chịu hơn Hà Nội nhiều lần vì mỗi buổi chiều, cứ đến cữ 4 hay 5 giờ, gió từ sông Sài Gòn đổ về mát rượi. Tôi đã yêu Sài Gòn ngay từ lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này chừng chục năm trước, vào một ngày tháng Giêng. Tôi vẫn còn nhớ như in một buổi chiều năm ấy, ở Công trường Mê Linh, tôi đã ngỡ ngàng như thế nào khi thấy ba thiếu nữ Sài Gòn e ấp giữ hờ những tà áo dài trước cơn gió lồng lộng từ sông Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi không thấy người ta mặc áo dài nhiều như ở Sài Gòn và cái ấn tượng sang trọng nhưng mẫn cảm, rực rỡ tự tin nhưng vẫn còn chút dịu dàng tế nhị của những cô gái Sài Gòn trong tà áo dài đã theo tôi đến tận bây giờ. Vẻ đẹp ấy khiến cái nóng bức của những cơn nắng đầu mùa khô bỗng nhiên bị xua tan như thể khi ta dừng xe bên lề đường và nuốt trọn một ngụm nước sâm mát lạnh. Nhắc đến nước sâm, không thể không nói đó chính là một nét rất Sài Gòn trong cái ồn ào náo nhiệt của thành phố trộn lẫn nhiều vùng miền này. Có nhiều người bắc vô nam cứ luyến lưu, tiếc rẻ những hàng trà chén (mà người Bắc rất hay phát âm sai là “chè chén”) ở Hà Nội. Sài gòn không có những hàng nước trà góc phố, lề đường như thế. Sài Gòn cần thời gian hơn Hà Nội vì cuộc sống đô thị bận rộn của Sài Gòn rõ rệt hơn nhiều. Người Sài Gòn không thể nào và cũng không cho phép mình cái quyền được ngồi la cà góc phố để cho ngày dài trôi đi miên man vô ích. Nóng ư? Khát ư? Cứ tạt ngang lề đường và chẳng cần phải xuống xe là đã có thể có một chai nước artichoke, một chai trà cúc, một chai mía lau hoặc một chai sâm bí đao… Cơn khát của mùa khô sẽ bị xua tan nhanh chóng trong vòng đôi ba phút để những người Sài Gòn tiếp tục với mạch chảy cuồn cuộn của mình. Đơn giản vậy thôi nhưng chính cái cách giải khát giản đơn đó lại là đặc trưng văn hóa, đặc trưng của thái độ sống mà mỗi người Sài gòn đeo mang. Còn ở phương bắc xa xôi, những hàng nước trà đã trở thành một thứ đặc sản không thể thiếu. Nó cũng là đặc trưng văn hóa rất Bắc bộ. Người miền Bắc khoác chiếc áo tinh tế lên mình để rồi từ đó cũng kéo theo một thói quen đủng đỉnh, chậm chạp và ưa chuyện phiếm. Đã từng có lúc tôi trào lộng với bạn bè rằng “cả qủa địa cầu gói gọn trong tách trà Hà Nội”. Và nếu như ta chứng kiến một ngày trôi qua nơi góc phố ở những hàng nước nho nhỏ ấy, ta sẽ hiểu được vì sao cả quả địa cầu lại nằm gọn trong đáy tách trà. Chỉ vài cái hũ con con đựng chút kẹo lạc, kẹo dồi chó, kẹo bột, lạc rang húng lìu hay bánh quấn thừng thôi là đã đủ để nhận diện một hàng nước trà xứ bắc. Những chiếc ghế đẩu cũ kỹ, bình tích ủ trà, điếu cầy, thuốc lào và có thể là cút rượu trắng tất nhiên là thứ không thể thiếu và tất cả chúng đã tạo nên một Hà nội thu nhỏ ở mỗi góc phố. Gặp nhau, thân hay sơ cũng vậy thôi, kéo nhau ra hàng nước ngồi chuyện phiếm. Nào là ở haiti động đất ra sao, sóng thần sau địa chấn ở Chilê như thế nào rồi đến cả chuyện ai lên làm bộ trưởng, ai xuống làm thường dân cũng đều được (hay bị) người Hà Nội lôi tuốt tuồn tuột vào trong câu chuyện bên tách trà. Rồi đôi khi, cao hứng lên, lại kéo điếu cầy cái “roét” và thả khói như tàu hỏa. Người Hà Nội quá tốn thời gian cho cái chuyện “giải khát” ấy, tốn đến mức việc uống trà ở các quán cóc lề đường đã không còn là giải khát nữa mà đã trở thành giải khuây, giết thời gian… Rồi cũng chính cái giải khuây ấy lại là nguồn cơn cho tất cả những gì phức tạp nhất của quán trà. Đánh lộn, chửi thề, lô đề cờ bạc cũng từ góc ấy mà ra. Cái chất, cái gốc của những hàng nước trà với một bà lão tóc bạc phơ đẹp như tiên hay một cô gái còn xuân e ấp nhanh tay quạt bằng cái quạt nan cho khách chút gió như trong bài hát “Cô hàng nước” của Vũ Minh đã không còn nữa. Cái hàng nước trà, rốt cuộc, đã biến tướng thành một trung tâm thông tin của một khu phố nhỏ, trung tâm của những đàm tiếu và cả những mâu thuẫn xã hội rất con người. Những hàng nước ở Sài Gòn tốc độ đã tránh được cái tiêu cực ấy. Phải chăng, tốc độ sống, sức ép của mưu sinh, của cơm áo gạo tiền đã khiến những người Sài gòn không thể nào dừng chân ở những hàng nước lề đường qúa lâu? Đơn giản, những hàng nước ấy chỉ làm đúng một nhiệm vụ duy nhất của nó là giải khát. Người qua, kẻ lại nhanh đến chóng mặt, nhanh đến mức chủ hàng cũng không rõ mặt khách và ngược lại. Nhưng nói vậy không đồng nghĩa rằng những hàng nước sâm ở Sài Gòn không có khách quen. Người ta vẫn đổ xô về hàng nước sâm ở vòng xoay Điện Biên Phủ, trên đường Đinh Tiên Hoàng. Người ta vẫn tạt ngang hàng nước sâm ở đầu đường Nguyễn Trãi, quận 5. Và người ta vẫn ào ào mua nước sâm của cửa hàng ở góc Nguyễn Thiện Thuật – Nguyễn Đình Chiểu mặc cho có một thời kỳ cách đây 3 năm ai đó ác miệng tung tin đồn rằng “nhà ấy có người ho lao”. Những tin đồn nhảm ấy cuối cùng cũng ra đi, nhạt thếch như khi nó đến. Chỉ có vị nước sâm đậm đà là còn đọng lại mà thôi. Thế mới hiểu tại sao những hàng nước sâm như vậy lại đông khách đến thế. Nghĩ miên man về những hàng nước sâm đông khách ở Sài Gòn, tự nhiên tôi lại nhớ hàng trà chén ở ngay gần cổng trường Hoàn Kiếm (trường Albert Sarraut xưa) ngày tôi còn đi học cấp 3. Bà cụ bán nước ấy đã pha một thứ trà đá tuyệt vời nhất mà chúng tôi từng được uống. Sáng sớm, sau tô phở kế bên, lũ chúng tôi lại tụ tập ở hàng nước ấy, tập tọe hút thuốc, uống trà. Ly trà đá mà bà pha bao giờ cũng đặc sánh, đặc đến nỗi tanin trong trà tiết ra trắng đục như sữa. Lạ kỳ thay, bà lão ấy không bao giờ bán thuốc lá cho lũ chúng tôi và chỉ chực đuổi khách vào lớp mỗi khi gần đến giờ điểm trống. Sau này, xa trường rồi tôi mới biết cụ ông đã từng là giáo viên trong trường khi còn chưa khuất bóng. Bà lão hiền hậu chứ không cáu bẳn như chúng tôi nghĩ lúc ấy. Dễ hiểu thôi, bà bán nước trà để mưu sinh nhưng vẫn trọng cái sự học và lúc nào cũng chỉ sợ “học sinh Albert Sarraut” sẽ sa ngã, sẽ hư… Lề đường bây giờ đã bụi bặm hơn xưa. Hàng nước trà ấy cũng đã biến mất từ lâu và tôi cũng đã quá lâu rồi không lê la trà đá. Nhưng mỗi khi chờ giờ gió sông Sài Gòn ùa về, tay cầm chai nước sâm lạnh tê, tôi lại tê tái lòng nhớ về Hà nội, về bà cụ bên cổng trường ấy, về những ồn ào xô bồ của những hàng trà chén Hà Nội, nơi những người Hà nội vẫn ngồi nhận xét vội vàng rằng “Sài Gòn rất xô bồ”… Theo Nông Nghiệp