Là một sinh viên vào Sài Gòn học tập, với mình, Sài Gòn là những câu chuyện mình nghe và biết được từ những con người xa lạ nhưng rất dỗi thân thuộc sinh sống trên mảnh đất này. Có lẽ, Sài Gòn đã đang và sẽ nổi tiếng vì những địa danh du lịch, những nơi chốn vui chơi, giải trí,… Nhưng với mình, Sài Gòn không gì giá trị hơn là HỒN NGƯỜI, TÌNH NGƯỜI nơi đây. Và đây là hai trong số những câu chuyện rất đỗi bình thường có thể chúng ta bắt gặp đâu đó trong ngày nhưng với mình, đó là một Sài Gòn rất mực dễ cưng, rất mực đáng quý. “Sáng, mình ghé thăm quán bún bò Huế. Vừa bước vào quán, cô chủ đã nói: – Trời ơi, con bé này, lâu quá rồi! Không hành, nhiều màu, không huyết, không chả cây, chỉ chả viên phải không gái? Vẫn luôn là vậy, cô chủ quán vẫn luôn là người nhớ rõ cách ăn quái dị, phức tạp của mình. Mình biết quán này từ mấy ngày đầu khi vào Sài Gòn. Đến nay vẫn hay ghé lui mỗi khi có chuyện không vui, hoặc vào những dịp đặc biệt. Quán này không nổi tiếng gì hết, lại nhỏ, nằm trong hẻm; nhưng được cái quán không có nhân viên, tất cả là người nhà, phụ nhau bán thôi nên rất chi là thận thiện, tình cảm. Cô chủ là người có trí nhớ rất tốt, mình nghĩ thế. Khi mình vừa đặt ba lô xuống ghế, chồng cô chủ đã hỏi: – Bữa nay có điểm hết chưa con? Đi thực tập công ty nào rồi? Có tốt không con? Ráng lên nha. Nghe ông chủ hỏi tự nhiên thấy giống kiểu ba ở nhà hay nói với mình. Sáng Sài Gòn tự nhiên dễ chịu hẳn. Chào cô chú quán bún ra về, mình hẹn họ sẽ quay lại thăm vào một ngày giữa tháng hai, trước khi mình về Đà Nẵng dịp Tết. Có những người tuy với mình chẳng có tí ti quan hệ bà con gì hết nhưng mà lại rất gần gũi, kiểu như họ sẽ không chào mình bằng một câu chào khách mà phần lớn lại bằng một câu ca thán. Cái ca thán cũng rất thương giống như khi người ta gặp lại một người bà con đã lâu không thấy mặt. Rồi cũng có một dạo vào quán bán đồ ăn vặt trên Sư Vạn Hạnh với đứa bạn từ Đà Nẵng vào chơi, lúc gọi món, chị gái phục vụ hỏi: – Ủa hai chị quê ở đâu vậy? Mình liền trả lời: – Dạ tụi em ở Đà Nẵng. – Em ở Quảng Nam nè chị. Hèn gì em nghe giọng là em thấy quen quen. Mà bạn chị mới giống giọng Đà Nẵng, giọng chị em nghe nhận không ra. Nghe chị phục vụ nói mà thấy hơi tủi tủi. Cố gắng “thanh minh” đủ đường là “khi về Đà Nẵng em cũng nói giọng này chị ơi, vậy mà chị phục vụ vẫn một mực cương quyết giọng mình không phải giọng Đà Nẵng. Nói rồi chị phục vụ đi làm món. Khi ăn xong, trong lúc đợi tính tiền thì tụi mình lại tiếp tục câu chuyện ban nãy. Chị phục vụ hỏi trước: – Ủa hai chị học trường nào? – Dạ em đang đi thực tập, còn bạn em vô đây chơi thôi, chớ nhà nó ở Đà Nẵng lận chị. – Á á, em đã nói rồi mà. Vậy là hai chị lớn hơn em rồi. Em học năm nhất, ở Huflit, gần đây nè. – Trời, mới năm nhất mà đã đi làm thêm rồi. Em giỏi ghê. – Em cũng tranh thủ buổi tối thôi chị, với lại làm ở đây được nói chuyện với nhiều người nên em thích. Mà chị nghe giọng em có mắc cười không? Lúc này thì mới để ý là con bé không phải nói giọng Quảng Nam mà nó lơ lớ giọng Bắc. Mình mới hỏi chừng: – Ừ, hình như giọng này không phải giọng Quảng em ơi. Em ở với người miền Bắc hả? – Ủa Bắc nào chị? Em vô đây nói giọng Quảng Nam không nhiều người hiểu nên đổi giọng luôn. Chứ mà chừ chị nói em nói giọng Quảng, em cũng nói được á. Nói tới đây, con bé khoái tợn. Nó nói một câu bằng giọng Quảng Nam khi không ai ngờ nên cuối cùng mình cũng chẳng hiểu nó nói gì, chỉ cười thích thú. Mỗi năm, Sài Gòn lại đón thêm vô số sinh viên từ nhiều vùng khác nhau vào đây học tập. Trong khi đó, khi ra trường thì rất ít người về lại quê làm việc, mà hầu như ai cũng muốn ở lại vùng đất năng động, nhộn nhịp này. Vì vậy, để thuận lợi trong giao tiếp, nhiều người trong số đó đã thay đổi hay điều chỉnh giọng nói của mình cho người khác dễ nghe. Vậy mới có chuyện nghe lõm được đâu đó câu nói bằng giọng Huế dễ thương giữa lòng Sài Gòn mà cười sặc sụa, thấy Sài Gòn dễ thương kinh! – Ê cưng ăn cái này chưa? Bao ngọt nha cưng!” Nguồn: Phan Thị Cẩm Vân – Lạc giữa Sài Gòn – ICHA 2015