Những kế hoạch dang dỡ, những cố gắng thất bại, những dự định không đi đến đâu – Rất có thể đó là cách mà nhiều người trẻ nói về năm 2016 của mình. Nhưng có hề gì khi chúng ta có 1500 cơ hội nữa trong cả một năm dài phía trước. Câu chuyện về những cuộc chia ly trong ngày Sài Gòn cuối năm Bộ ảnh phơi sáng Sài Gòn lung linh trước năm mới Sài Gòn lung linh sắc màu chào đón năm mới 2017 Hôm nay là ngày cuối cùng của năm 2016, một năm đầy rẫy sự khổ đau cho cả thế giới này, và cho mỗi chúng ta. Đầu năm 2016, mục tiêu tôi đặt ra là phải giảm 5 cân và mua được chiếc xe mình mong muốn. Tới thời điểm này, tôi còn 7 cân nữa là đạt được mục tiêu. Đồng thời, chiếc xe tôi muốn vẫn đang nằm trong showroom cách nhà tôi mười mấy cây số, bằng với khoảng cách tầm với từ ví tiền đến cái yên xe. Mẹ tôi bảo tại năm nay là năm tuổi nên nhiều vận hạn. Nhưng mà theo tôi thì không phải thế, vận hạn chỉ là khái niệm may mắn mang tính tương đối thôi, cái lý do chính mà tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu, có lẽ là do bản thân. Hay cụ thể là do tính chây lười. Nội trong năm nay, tôi tốn phải đến hàng triệu đồng vào tiền thẻ phòng tập, rải rác hết phòng tập này tới phòng tập khác, từ gym cho đến kick-boxing hay mấy môn nhào nặn hình thể linh tinh. Số ngày mai mà tôi dùng để làm cái cớ cho mỗi buổi sáng nằm vật vã trên giường, ôm chó và ôm điện thoại nếu để viết lên giấy thì chắc được cỡ một quyển truyện ngắn khổ A5, đủ dày hai mặt. Thế nên thay vì đều đặn mỗi tháng mất độ 3-4 trăm, bù lại thân hình khỏe khoắn và thoải mái trong việc mua quần áo, tôi chọn cách tốn mấy triệu đồng để mua thẻ rồi tận dụng nó làm vật dụng lấp đầy mấy khe đựng trong ví. Kết quả, cả năm 2016, càng về cuối năm khi tiết Đông càng lạnh, tôi lại càng có xu hướng mặc đồ rộng, đồ thùng thình để che đi mấy đường cong không đẹp mắt, thay vì quyết tâm một chút, lết thân tới phòng tập và tới ngày hôm nay không cần hóp bụng khi chụp ảnh. Thực ra, bảo là để mua vật trang trí cho ví thì không hẳn. Số tiền ấy nói đúng hơn là gọi là lệ phí cho sự lười. Các khoa học gia từng nói rằng người càng lười thì càng có nhiều phát kiến, cốt để họ làm cho cuộc sống thuận tiện hơn việc tận hưởng sự lười biếng của bản thân. Thế là tôi lôi những lời lẽ ấy để biện luận, để tự huyễn hoặc bản thân cho cái sự lười. Tôi đánh lừa mình rằng mình lười thế là do mình thông minh, lắm tài thì nhiều tật mà. Nhưng tôi, và chúng ta, những con người nằm chảy thây và mong một ngày có thân hình sáu múi thì khác. Lười của chúng ta không ra tiền. Ngược lại, chúng ta mất tiền vì lười, và chẳng thu được hiệu quả gì. Béo thì vẫn cứ béo, tiền thì vẫn cứ nhảy đều đều như thỏ chạy đua. Năm 2016, sự lười trong tôi vẫn lên ngôi. Nhiều thứ tưởng như nếu cố một tí, chịu khó một tí sẽ đạt được, thì lại tuột khỏi tầm tay rất đỗi nhẹ nhàng. 2015 cũng vậy, 2014 vẫn cứ thế, chỉ khác ở điểm tốc độ tuột trôi chậm hơn mà thôi. Trong khi đó, bạn tôi có lẽ thảm hơn tôi nhiều. Từ đầu năm bạn tôi đã đặt kế hoạch mở một tiệm ăn uống lặt vặt cho giới trẻ sau mấy tháng ròng rã bán online và ship đồ bạc mặt. Bạn tôi tâm huyết vô cùng, theo đó nó muốn “đưa cả tuổi thơ của người Hà Nội” về thời điểm hiện tại với chất lượng vệ sinh thực phẩm thuộc loại an toàn tuyệt đối. Vậy nên cậu bắt đầu đi thuê mặt bằng, đi mua bàn ghế, mua tủ, mua đồ trang trí, thậm chí còn dỡ cả phản, cả bàn ở nhà ra cưa kéo để làm bàn ghế dài cho hợp với không gian quán. Bỏ hết gần trăm triệu ra tu sửa cái phòng trống huơ trống hoác thành cái ổ đẹp đến nao người, chỉ để phục vụ đồ ăn thức uống và mấy thú vui tụ tập cho đám bạn cùng chí hướng. Ngày đẹp, tốt trời, cậu khai trương. Anh em bạn bè lũ lượt kéo đến ủng hộ, ngồi chật cả quán. Lúc ấy cậu tấm tắc nghĩ rằng khai trương mà đông thế này, chắc sau này quán sẽ khá lắm. Nhưng trời không chiều lòng người. Ngày khai trương là bạn bè cậu tới, dắt theo cả bạn của họ nữa, thế nên mới đông. Những ngày tiếp theo cũng có anh em ra ngồi ủng hộ nữa, quán cũng gọi là có hơi người ấm cúng. Tuy nhiên bặt tới vài ngày sau, khi mà những người anh em không còn rảnh rỗi cà kê và cũng đến cuối tháng – thời điểm của căn bệnh nan y Hết tiền, quán mới lộ bộ mặt thật. Lưa thưa, lác đác người đến mua chai sữa rồi phóng vù đi, chẳng ai ngồi lại quán để ăn mấy món quà vặt cậu tâm đắc cả. Quán của cậu trước đây khi bán online nổi tiếng với sữa, thế nên quen thói họ cũng chỉ tới mua sữa mà thôi. Được vài tháng thua lỗ, cậu chán, thế là dẹp tiệm, quay về ban sơ là chỉ bán sữa online thôi. Đi mất gần trăm triệu cho bài học khởi nghiệp đầu đời. Nhắc lại bài học đắt giá này, lâu lâu cậu cũng chửi thề vì thói hấp tấp không khảo sát trước khách hàng, nhưng cậu không buồn. Không phải vì cậu giàu mà không tiếc tiền, cậu cũng vay mượn tứ bề nên giờ lại nợ chồng nợ chất. Cậu chỉ không buồn vì qua việc này, cậu thêm được nhiều kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực nữa. Biết đóng bàn ghế, biết giá thành vật liệu, biết tự trang trí thiết kế, biết sơn sửa, biết đi dây điện, biết luôn cả việc chèo kéo khách hàng – điều mà cậu chưa bao giờ dám làm trong đời. Nên là cậu lạc quan lắm. Cậu bảo, coi như đây là lần nháp thử, trước khi sau này sẽ làm thật một quán nữa. Lúc ấy có kinh nghiệm rồi, chắc bớt ế ẩm, bớt thất bại hơn. Coi như năm 2016 mất mớ học phí cho một lần dại dột, để biết rằng không phải lúc nào có nhiệt huyết, có quyết tâm thì mọi sự sẽ thành công. Để thành công thì còn phải có kinh nghiệm nữa. 2016 còn ngược đãi cô bạn tôi nữa. Cô mới rớt kỳ thi tiếp viên lần thứ 3 trong vòng 2 tháng. Hai lần trước cô trượt vòng phỏng vấn, lần này cô trượt vòng đi catwalk. Ước mơ của cô là được ra ngoài thế giới, thoát khỏi cái tù túng nơi quê nhà, rũ bỏ luôn những muộn phiền đeo bám cô bấy lâu nay ở Hà Nội. Nhưng buồn cái là ước mơ của cô lần thứ 3 lại trật khỏi tầm với. Cái mong mỏi được thăm thú Grand Canyon, một lần được nguyện cầu lúc mặt trời mọc ở Kyoto, được kiếm một người đàn ông yêu cô và trao nhau nụ hôn dưới nhành tầm gửi ngày Giáng Sinh, rất tiếc vẫn chưa được hoàn thành dù chỉ ở giai đoạn đầu tiên – khi cô được nhận vào làm tiếp viên hàng không. 3 tháng trời cô không có lương, tiêu dần tiêu mòn vào khoản tiền tiết kiệm trong 2 năm được cô đặt tên là “Quỹ ước mơ” và nằm nhà luyện chữ bằng cách viết hồ sơ. Cô vẫn chẳng nản. Cô quả quyết là sau Tết sẽ lại rải hồ sơ một lần nữa, bất chấp sự thật là cô đã hơi quá lứa để bước vào nghề tiếp viên ở một số hãng bay. Kệ, kể cả ăn hết quỹ rồi thì lại đi làm thêm kiếm tiền nuôi mơ ước. Cô muốn mình sẽ giống như Mia trong La La Land, thử vai hàng nghìn lần rồi sẽ có lần được toại nguyện. Năm 2016, may mắn vẫn cương quyết không thèm nhìn mặt bạn tôi. Ba đứa bọn tôi có một điểm chung, đấy là sự cứng đầu ngoan cố. Bao lần vấp ngã, bao lần trượt tay, bao lần từ bỏ quyết tâm, nhưng chả đứa nào chịu từ bỏ. Đời có thể quật ba đứa như con, đôi lúc vui vui quẹt chân cho sấp mặt, thế mà buồn tí lại vui ngay, vì cả đám còn trẻ, còn ối thời gian để làm lại từ đầu. Vấp ngã là một phần của tuổi trẻ mà, sao phải khóc lóc quỵ lụy để đứng yên một chỗ cho đời chạy qua vô tình. Vì đời cứ vẫn chạy phăm phăm mặc cho bạn vui hay buồn. Thế nên, kể cả 2016 có tệ bạc thế nào, cứ kệ nó đi. 2017 ở đó, 1500 cơ hội còn đó, việc bây giờ là phải khỏe để nắm bắt lấy chúng. Theo Tri Thức Trẻ